Về nơi giã bánh dầy luôn đạt giải cao ở đền Hùng

Những năm trước đây, mỗi dịp vào ngày giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh Hải Dương đều cử một đội lên Phú Thọ tham gia hội thi gói bánh chưng, giã bánh dầy ở lễ hội đền Hùng và đều giành giải cao ở nội dung giã bánh dầy. Đội của tỉnh Hải Dương không ai khác chính là những nghệ nhân giã bánh dầy của xã An Lạc, thị xã Chí Linh. Đây là địa phương nổi tiếng với tục giã bánh dầy có từ hơn nghìn năm nay.
    
28878980 883197191885167 1307727240 o
16805197 1204679509652537 964186341 o

Nghìn năm giữ gìn phong tục đẹp
Tìm hiểu về nguồn gốc của phong tục giã bánh dầy, nấu chè kho, chúng tôi được ông Mạc Thành Cốc, Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: “Phong tục giã bánh dầy, nấu chè kho được nhân dân địa phương lưu truyền hơn nghìn năm nay rồi. Xuất phát từ truyền thuyết về 5 vị thánh họ Vương. Theo truyền thuyết vào năm 980, vua Lê Đại Hành dẫn quân đánh giặc Tống xâm lược. Khi đến Dược Đậu trang (tên ngày xưa của xã An Lạc) vua đã chọn nơi đây đóng đại bản doanh để rèn luyện, tuyển mộ quân lính để đánh giặc. Lúc đó, ở trong vùng có 5 anh em họ Vương trẻ tuổi tài cao đã đến đầu quân. Vua thấy 5 anh em họ Vương tài năng thao lược hơn người đã phong chức tướng quân để cầm quân đánh giặc. Trong lúc đánh giặc, để thuận tiện cho việc quân lương, 5 vị tướng họ Vương đã nghĩ ra cách làm bánh dầy, chè kho để làm lương thực cho quân lính mang trong người có thể ăn trong vài ngày để đánh giặc. Nhờ những món ăn này, quân ta rất thuận lợi trong chiến đấu, nhờ đó góp phần đánh thắng giặc Tống.
Sau khi 5 vị tướng họ Vương mất nhân dân địa phương lập đền thờ và tôn là 5 vị thánh họ Vương. Từ đó, để tưởng nhớ 5 vị thánh họ Vương giỗ nhân dân địa phương mở hội đền Cao và trong lễ hội đền Cao nhân dân có tổ chức giã bánh dầy, nấu chè kho để dâng lên các đức Thánh. Vì vậy, ở đây hầu như gia đình nào cũng biết làm các món ăn này. Họ coi giã bánh dầy, nấu chè kho để dâng đức Thánh là một việc linh thiêng. Mỗi khi địa phương có việc về tâm linh như các sự lệ của làng của xã, tưởng nhớ ngày sinh, ngày mất của 5 đức thánh họ Vương, ngay giỗ Vương Phụ, Vương Mẫu thân sinh ra 5 đức Thánh, ngày giỗ thập nhị gia tiên… các gia đình trong xã đều chuẩn bị đồ nghề, nguyên liệu để giã bánh dầy, nấu chè kho để đưa vào mâm lễ cúng rất chu đáo, thành kính.
Chẳng thế năm nào lễ hội đền Cao, ban tổ chức đều tổ chức hội thi giã bánh dầy, nấu chè kho. Cuộc thi có 5 đội đến từ 5 thôn có truyền thống về làm 2 món ăn này gồm: Thôn Đại, Bờ Đa, Bờ Dọc, Bờ Chùa, Trại Nẻ. Mỗi đội có khoảng 7 người trong trang phục truyền thống xếp hàng ngay ngắn. Còn các dụng cụ bếp kiềng, củi, đồ đồ xôi, nồi nấu chè kho được để ở một vị trí cách sân thi khoảng 50 đến 70 m, còn gạo, đỗ tập kết ở sân nơi tổ chức thi.
Khi ban tổ chức ra hiệu lệnh thành viên các đội nhanh chóng bước vào phần thi, người bê gạo, người bê đỗ xanh chạy ra chỗ đặt bếp để đồ xôi, nấu chè. Cũng thời gian đấy, các thành viên của từng đội ở vị trí đặt bếp nhanh chóng nổi lửa 2 bếp đồ xôi và nấu chè. Thành viên mỗi đội đều thao tác mau lẹ, người đổ gạo vào nồi, người gầy củi cho lửa cháy to, người che chắn gió để lửa không tạt, còn bếp nấu chè kho sau khi đường phên đổ vào nồi và quấy cho tan chảy rồi cho đỗ xanh đã nghiền và đồ chín trước đó vào quấy. Cuộc thi thu hút rất đông nhân dân trong xã, du khách thập phương về trảy hội xem, cổ vũ. Tiếng hò reo cổ vũ, khiến toàn bộ khu vực sân nhà văn hóa thôn Đại rất sôi động. Chỉ ít phút đã có đội đã hoàn thành phần thi nấu chè kho. Cũng trong lúc ấy, có đội đã đồ xôi xong và khẩn trương bê về sân thi đổ ra tấp bạt đã được trải sẵn để giã trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả.
Mặc dù ban tổ chức hội thi cho khung thời gian hơn 40 phút nhưng có đội chỉ thực hiện trong thời gian hơn chục phút, đội chậm cũng khoảng 20 phút thì  hoàn thành cả 2 nội dung: giã bánh dầy và nấu chè kho. Thường giải nhất và nhì ở từng nội dung đều thuộc về 2 thôn Đại và Bờ Đa, còn các thôn khác đạt giải ba. Một cụ già ở thôn Đại cho biết: “Thi giã bánh dầy, nấu chè kho là hoạt động truyền thống của lễ hội đền Cao. Hai món ăn này không thể thiếu trong mâm lễ dâng đức Thánh”. Trò chuyện với cụ, chúng tôi cảm tưởng cụ rất vững tin phong tục này sẽ tiếp tục được duy trì và còn mãi.
Luôn đạt giải cao ở lễ hội đền Hùng
Cũng vì thường xuyên thực hiện giã bánh dầy mà các nghệ nhân của 5 thôn Đại, Bờ Đa, Bờ Chùa, Bờ Dọc, Trải Nẻ đều có kinh nghiệm và tay nghề cao trong giã bánh dầy, nấu chè kho, trong đó các nghệ nhân thôn Đại và Bờ Đa có kinh nghiệm, trình độ cao hơn cả. Vì vậy, các nghệ nhân 2 thôn này thay nhau được chọn tham gia hội thi gói bánh chưng giã bánh dầy của tỉnh Hải Dương tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn.
Ông Cao Văn Trung, Trưởng Ban Văn hóa xã An Lạc cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đạt giải nhất nội dung giã bánh dầy. Như lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 vừa qua, ở nội dung giã bánh dầy chúng tôi đạt kỷ lục hoàn thành phần thi trong thời gian 11 phút 11 giây. Đây là kỷ lục nhanh nhất từ trước đến nay. Các đội khác cũng “choáng” với thành tích này”. Ông Trung càng khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn khi cho biết: Các nghệ nhân giã bành dầy ở An Lạc còn tham gia hội thi gói bánh chưng, giã bánh dầy ở lễ hội đền Hùng và cũng không có đối thủ ở nội dung giã bánh dầy.
Xuất phát từ những lần đạt giải cao ở lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã lựa chọn các nghệ nhân ở An Lạc đại diện cho tỉnh đi thi ở lễ hội đền Hùng. Các nghệ nhân đến từ vùng thánh tích đền Cao đã trổ hết những tinh hoa, kinh nghiệm truyền đời hơn nghìn năm qua để thực hiện phần thi giã bánh dầy. Nghệ nhân Dương Văn Bằng, 55 tuổi, thôn Bờ Đa, là nghệ nhân nhiều lần tham gia hội thi gói bánh chứng, giã bánh dầy ở đền Hùng cho biết: “Đúng là vùng đất sinh ra tục gói bánh chưng có khác, ở phần thi gói bánh chưng không đội nào vượt qua được đội Phú Thọ. Mình tham gia nội dung gói bánh chứng để học hỏi thôi. Còn về phần nội dung giã bánh dầy thì không đội nào vượt qua được chúng tôi”.
Theo ông Bằng để làm món bánh dầy nhanh phải “nhất đồ nhì nghề”. Đồ là những dụng cụ nấu xôi, đồ giã bánh thường xuyên được cải tiến để đạt hiệu quả cao, sau đó mới đến tay nghề, kinh nghiệm. Tay nghề cao mà dụng cụ không tốt cũng không thể nhanh được. Mặt khác, do tập quán địa phương có nhiều sự lệ nên chúng tôi thường xuyên được rèn luyện và rút kinh nghiệm để làm sao mọi thao tác từ nổi lửa, đồ xôi và giã bánh ngày càng nhanh hơn. Còn các đội đến từ các tỉnh khác do không được thực hành thường xuyên nên cũng hạn chế.
Trong 9 năm tham gia hội thi gói bánh chưng giã bánh dầy ở lễ hội đền Hùng các nghệ nhân ở An Lạc giành 7 giải nhất, 1 lần giành giải nhì. Đến năm 2016, do hội thi thu hẹp quy mô chỉ diễn ra trong nội bộ tỉnh Phú Thọ nên các nghệ nhân giã bánh dầy ở An Lạc không còn được trổ tài ở lễ hội đền Hùng. Dù vậy những lần tham gia hội thi gói bánh chưng giã bánh dầy ở đền Hùng là những kỷ niệm mà ông Bằng cùng các nghệ nhân ở An Lạc luôn nhớ mãi.

 Dulichchilinh.com
Call: 093.880.2222


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

hotline
Bản đồ du lịch Chí Linh
map chilinh
Bài viết được xem nhiều
lien he qc
Mạng xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây