Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đồng chủ trì điều hành buổi tọa đàm.
Chùa Ngũ Đài tên chữ là Kim Quang Tự nằm dưới chân núi Đống Thóc, cách trung tâm xã Hoàng Tiến 7 km, được nhân dân xây dựng vào thời Trần, dưới triều vua Trần Minh Tông (1320). Chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập và phát triển. Năm 2003, chùa được trùng tu tôn tạo với kiến trúc như hiện nay, với kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) bao gồm 5 gian Tiền đường, 2 gian Hậu cung. Ngoài công trình chính, trong di tích còn có một số công trình phụ trợ gồm: Ở phía Bắc có nhà thờ Mẫu, phía Nam có nhà thờ Tổ, phía Đông có tháp sư, nhà Bia. Hiện nay di tích chùa Ngũ Đài còn có một số cổ vật gồm 8 pho tượng gỗ có niên đại thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX), 1 bia đá thời Lê (1612), 1 bát hương đá, 1 bát hương bằng gốm thời Nguyễn thể kỷ 19.
Núi Ngũ Đài có phong cảnh kỳ vĩ với các tảng đá mang hình con cóc, con thỏ, lư hương đá, rồi tảng đá có hình dấu chân Phật, trên đỉnh núi là “cổng trời” bằng đá. Tất cả đều do thiên nhiên tạo tác. Đây là những điều hấp dẫn để du khách khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của vùng đất nơi đây. Những năm gần đây đã có những đoàn khách du lịch đến vãn cảnh chùa và leo núi khám phá “cổng trời” và thiên nhiên núi Ngũ Đài. Tuy nhiên vẫn mang tính tự phát, chưa tương xứng với vị thế “Thứ nhất Ngũ Đài, thứ hai Yên Tử” với một ngôi chùa có tuổi đời hơn 700 năm, một trong những ngôi chùa có vị thế là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm.
Tại buổi tọa đàm, đã có 15 ý kiến tham luận làm rõ hơn lịch sử chùa Ngũ Đài; tầm quan trọng của chùa Ngũ Đài, một trung tâm phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Như ý kiến tham luận của Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh “Thời Trần chùa Ngũ Đài là nơi tu hành, thuyết pháp của nhiều vị cao tăng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tăng ni, phật tử đến đây thọ giáo rất đông đúc. Không những vậy nơi đây còn là điểm ghé hân của các hoàng hậu, công chúa và con cháu hoàng tộc mỗi khi từ Yên Tử trở về kinh đo đêu không quên tới vãn cảnh chùa Ngũ Đài và thắp hương, niệm phật. Giữa núi rừng thâm sâu cùng cốc, chỉ có một con đường độc đạo vào di tích điều này minh chứng chắc hẳn nơi đây từng là một trung tâm phật giáo lớn của khu vực Phượng Nhỡn xưa”.
Đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh trong tham luận “Để di tích và danh thắng chùa Ngũ Đài phát huy giá trị di sản” đã cho rằng: “Những năm trước đây, chúng ta còn bỏ ngỏ, lãng quên một danh lam thắng cảnh cổ của vùng đất Chí Linh trong việc phát triển du lịch. Tuy những năm gần đây, di tích chùa Ngũ Đài đã được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư tôn tạo, làm đường giao thông vào chùa, xây dựng bậc đá lối lên chùa, tượng Phật Bà Quan Âm… nhưng quy mô dự án còn nhỏ lẻ, đứt đoạn. Mặt khác, di tích và danh thắng Ngũ Đài còn chưa được truyền thông quảng bá rộng rãi nên du khách thập phương không biết về di tích. Lượng du khách hàng năm đến với di tích còn quá ít và tự phát, không được đưa vào kế hoạch tour, điểm, tuyến du lịch của các công ty lữ hành”.
Với vai trò là một lãnh đạo của UBND thị xã Chí Linh, đồng chí Huỳnh cũng rất trăn trở: “Vì vậy, để di tích chùa Ngũ Đài phát huy giá trị di sản, danh thắng trong phát triển du lịch, chúng tôi đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, các ngành chức năng và các cấp chính quyền cần nghiên cứu tổng thể và chuyên sâu, tổ chức các đợt điền dã, khảo cổ học để củng cố làm dầy thêm thông tin lịch sử, các giá trị vật thể, phi vật thể của di tích chùa Ngũ Đài và danh thắng núi Ngũ Đài. Cần có quy hoạch tổng thể, có đề án cụ thể để có phương án kêu gọi đầu tư trung tu, tôn tạo di tích và danh thắng núi Ngũ Đài cho xứng tầm, hấp dẫn du khách tới tham quan qua đó để đẩy mạnh phát triển du lịch. Cần tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát, đánh giá để đưa di tích và danh thắng chùa Ngũ Đài vào kế hoạch các tour du lịch và trở thành các điểm du lịch tâm linh, khám phá hấp dẫn du khách của thị xã Chí Linh và của tỉnh Hải Dương”.
Ngoài ra, còn nhiều ý kiến, tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử cũng cho rằng cần phải tổ chức khảo cổ học ở chùa Ngũ Đài để có đánh giá cụ thể về chùa Ngũ Đài cho tương xứng với vị thế của một trong những trung tâm Phật giáo của dòng Thiền phái Trúc Lâm, cần sớm có quy hoạch tổng thể và chi tiết; có kế hoạch đầu tư để trung tu, tôn tạo di tích chùa Ngũ Đại.
Phát biểu tại buổi tọa đàm lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng rất quan tâm, đồng thời đề nghị các nhà nghiên cứu giúp tỉnh nghiên cứu về chùa Ngũ Đài và có đánh giá chính xác vài trò lịch sử, văn hóa và tôn giáo của chùa Ngũ Đài. Đồng thời lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thị xã Chí Linh và các ngành chức năng sớm quy hoạch chùa Ngũ Đài và kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trung tu tôn tạo di tích, cảnh quan để phục vụ cho việc phát triển du lịch.
Trước đó, trong buổi sáng ngày 10/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cho các đại biểu tham quan, dâng hương tại chùa Ngũ Đại, thôn Ngũ Đài, xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh.