Lễ đón bằng di tích cấp quốc gia quần thể di tích đền Cao và khai hội truyền thống năm 2018
Sáng 10/3 (tức 23 tháng Giêng), Ban Tổ chức lễ hội đền Cao thị xã Chí Linh tổ chức lễ đón bằng di tích lịch sử cấp quốc gia quần thể di tích đền Cao và khai hội truyền thống năm 2018.
Một số hình ảnh lễ đón bằng di tích lịch sử cấp quốc gia quần thể di tích đền Cao và khai hội truyền thống năm 2018.
Dự lễ có đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa; về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; về phía thị xã có các đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thị ủy Chí Linh; Nguyễn Đức Hóa, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh; Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội; cùng các đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu phòng, ban, ngành của thị xã; lãnh đạo xã An Lạc cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Trong diễn văn đọc tại buổi lễ đồng chí Nguyễn Đức Hóa, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh nhấn mạnh: Quần thể di tích đền Cao là di tích lịch sử, gắn liền với với chiến công oai hùng của 5 vị tướng họ Vương, có công phù giúp vua Lê Đại Hành chiến thắng giặc Tống xâm lược vào thế kỷ thứ X. Trường tồn cùng lịch sử, vượt qua bao biến cố thăng trầm, những ngôi đền, nghi lễ và phong tục độc đáo vùng địa linh, chung đúc tú khí hồn thiêng sông núi, đến hôm này và về sau vẫn còn nguyên những giá trị thiêng, là nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.
Theo Ngọc phả do Hàn lâm viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn mùa xuân năm Hồng Phúc thứ nhất 1572 ghi rằng: Vào thời tiền Lê ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Nga Trung, Lộ Thanh Hóa có gia đình ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh kết duyên nhiều năm những chưa có con. Ông bà quyết đi chu du thiên hạ, tìm nơi đất lành để làm ăn sinh sống, mong trời giáng phúc. Đến Dược Đậu trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, thấy chốn này dân phong thuần hậu, đất đai trù phú, cây cỏ tốt tươi, nên ông bà quyết định lập nghiệp.
Chẳng bao lâu công việc làm ăn thuận lợi trở nên giàu có nhưng trong lòng vợ chồng ông vẫn canh cánh nỗi buồn chưa có con. Ông bà thành tâm lập đàn giữa trời để cầu mong trời thương giáng phúc. Đêm hôm ấy, bà nằm mơ thấy một vị quan mũ áo xênh xang, hào quang rực rỡ truyền rằng: “Gia đình nhà ngươi có phúc dầy, trời cao đã biết. Nay trời ban cho một bọc năm trứng, ba trứng màu vàng, hai trứng màu xanh đầu thai vào nhà người làm quý tử. Một thời gian sau bà có thai, sinh ra năm người con đều mắt phượng mày ngài, dung mạo trâm anh, khác hẳn người thường.
Năm 980, giặc Tống theo đường thủy sang xâm lược nước ta, Vua Lê Đại Hành đích thân cầm quân đánh giặc. Đại quân đến Dược Đậu trang đóng đồn trại, 5 người con họ Vương đến ứng thí được nhà vua tuyển dụng phong tướng cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công. Giành chiến thắng ca khúc khải hoàn, vua mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ và triệu 5 vị tướng vào Kinh ban thưởng. Năm vị tướng xin ở lại quê để tang cha mẹ. Không ngờ ý trời linh hóa, vào đêm 23 tháng Giêng, trời đất tối tăm, mưa gió ầm ầm, 5 vị tướng họ Vương đều hóa về trời, di hài mối đắp thành những ngôi mộ lớn ở vị trí các ngôi đền thờ tại quân thể khu di tích đền Cao ngày nay. Nhà vua hay tin vô cùng thương xót liền sai các quan về làm lễ và truyền báo nhân dân bản trang lập đền thờ ở các nơi thánh hóa, hương hỏa phụng thờ. Triều đình sắc phong năm vị tướng là “Thượng đẳng phúc thần”.
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, các ngôi đền thờ phụng 5 đức Thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc, trường tồn giữa vùng không gian văn hóa tâm linh đặc biệt. Hiện nay, khu di tích vẫn lưu giữ 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp oai hùng, hiển hãnh của 5 đức thánh họ Vương, cùng với những địa danh lịch sử của đại bản doanh An Lạc góp sức cho vua Lê Đại Hành đánh giặc. Quần thể khu di tích đền Cao được xây dựng trên nhiều vị trí khác nhau trong không gian rộng gần 1 km. Qua nhiều lần trùng tu vào thời hậu Lê, thời Nguyễn và những năm gần đây nhưng các di tích đều tuân thủ theo kiến trúc truyền thống, tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Căn cứ vào Luật Di sản Văn hóa, căn cứ vào giá trị quần thể khu di tích, lịch sử các nhân vật được thờ, sinh hoạt lễ hội truyền thống, hệ thống cổ vật, di vật ngày 2/3/2018, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với quần thể di tích đền Cao.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trao bằng xếp hạng di tích quốc gia quần thể di tích đền Cao cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và xã An Lạc.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và xã An Lạc cần có kết hoạch quy hoạch bảo tồn quần thể di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. Ban Quản lý di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật của di tích tuyệt đối an toàn. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mãy của di tích; tiếp tục xây dựng kế hoạch hàng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức phù hợp, nhằm bảo đảm đúng với nội dung, tín ngưỡng của di tích.
Về lễ hội cần duy trì nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích diễn ra lễ hội truyền thống. Lễ hội phải do cộng đồng đảm nhận và thực hành, chính quyền địa phương bảo đảm công tác an ninh trật tự. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biến pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan các di tích để bảo đảm không gian linh thiêng, thoáng đãng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín di đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.
Đặc biệt Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của quần thể khu di tích đền Cao cần có “lục biến” đó là: Biến di sản thành tài sản văn hóa quý giá của dân tộc; biến văn hóa thành hàng hóa đặc biệt; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường lành mạnh, hấp dẫn; biến giá trị văn hóa thành sản phẩm có giá trị cao.
Trước và sau buổi lễ đón bằng là các nghi thức lễ tế nghinh, lễ rước bộ, tế yên vị.
Lễ hội truyền thống đền Cao năm 2018 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 9 - 11/3 (tức từ ngày 22 - 24 tháng Giêng) với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ mộc dục, tế khai xuân, hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, tế hội đồng, giao lưu các CLB hát chèo thị xã Chí Linh, lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế nghinh, lễ rước bộ, tế yên vị, lễ đón bằng xếp hạng quần thể khu di tích quốc gia đền Cao, tưởng niệm ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương; tổ chức giải thể thao và trò chơi dân gian, giải vật truyền thống, lễ đập đất, vật đập đất và các hoạt động văn hóa múa rối nước, biểu diễn nghệ thuật mừng lễ hội...
Dulichchilinh.com
Call: 093.880.2222
Tác giả bài viết: Kim Xuyến