Chí Linh phát triển du lịch tâm linh

Chí Linh (tỉnh Hải Dương) là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi di dưỡng tinh thần của bao danh nhân lịch sử kiệt xuất của dân tộc. Nơi thờ các danh nhân đều là những vùng danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách về chiêm bái, thưởng ngoạn. Với những lợi thế đó, thị xã Chí Linh tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch tâm linh làm cốt lõi.
17546739 1244272985693189 6772091199626968707 o
Lê hội chùa Thanh Mai
cnv000025
Lễ hội đền Kiếp Bạc
khai but
          
18156113 1276837179103436 7845202165979809061 o
 
le tuong niem
Lễ hội Khai bút đền thờ Thầy giáo Chu Văn An
        
28878971 1301762119967402 74282811 o
le ruoc thanh khu di tich den cao
Lễ hội truyền thống đền Cao( An Lạc).
 
18813817 1306471096140044 7873392114670719342 n
18765875 1306571966129957 423506341608162594 n
Lễ hội đền Sinh- đền Hóa
Nguồn "tài nguyên" vô giá
  Trải qua các giai đoạn lịch sử, vùng đất Chí Linh đã trở thành nơi hội tụ của những anh tài, tuấn kiệt, bao bậc danh nho, danh tướng của lịch sử. Chưa có nơi nào, ở một địa phương (cấp huyện) lại hội tụ nhiều những nhân vật kiệt xuất hàng đầu của lịch sử Việt Nam như ở thị xã Chí Linh. Điều đáng nói, các danh nhân này lại trải đều trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hóa, giáo dục, tôn giáo.
Trước hết, đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, là nơi gắn với tên tuổi của Danh tướng tầm cỡ thế giới Hưng Đạo Đại Vương, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi và Đệ tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Vùng đất Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) gắn với cuộc đời Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Thời đó, vùng Vạn Kiếp là thái ấp của ông và ông đã chọn nơi này làm đại bản doanh của quân dân nhà Trần trong kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Với chiến công rạng rỡ, hiển hách ông đã được thế giới công nhận là một trong 10 danh tướng kiệt xuất của lịch sử quân sự thế giới. Để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Vương, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ ngay khi ông còn sống và khi mất được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần. Trong tâm thức tâm linh của người Việt bao đời qua, Đức Thánh Trần biểu tượng linh thiêng hộ quốc an dân, phù hộ sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh. Hằng năm, lễ hội mùa thu nơi đây có nhiều hoạt động, nghi thức độc đáo, hấp dẫn như: lễ hội quân trên sông Lục Đầu, liên hoan diễn xướng hầu thánh đã thu hút đông đảo du khách thập phương về trảy hội. Từ đền Kiếp Bạc đi ngược trở lại khoảng 7 km, đến phường Cộng Hòa du khách lại được tham quan di tích Côn Sơn. Nơi có chùa Hun thờ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, đền Nguyễn Trãi thờ Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn nằm giữa bạt ngàn rừng thông với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đến đây, ngoài chiêm bái, vãn cảnh, du khách có dịp tìm hiểu thân thế cuộc đời, sự nghiệp đầy vinh quang những cũng đầy đau thương của Nguyễn Trãi, một bậc khai quốc công thần nhà hậu Lê. Lễ hội mùa xuân hàng năm cũng có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Ở khu di tích Phượng Hoàng, phường Văn An lại là một nơi tôn vinh đạo học. Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, người thầy của muôn đời. Ông đã góp phần đào tạo ra nhiều người tài cho đất nước như Phạm Sư Mệnh. Ông còn là người cương trực, thắng thắn, ghét sự nhũng nhiều của gian thần. Ông đã dâng "Thất trảm sớ" lên vua Trần đề nghị xử tội 7 tên quan nịnh thần nhưng vua không nghe. Chán cảnh nhiễu nhương, ông từ quan về núi Phượng Hoàng, dựng nhà dạy học, sống những năm tháng cuối đời và mất tại đây. Ở quần thể di tích Phường Hoàng, ngoài đền Chu Văn An còn có đền thờ Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ cách đó không xa. Bà là nữ tiến sĩ nho học khoa bảng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, bà được đánh giá là bậc kỳ tài trong lịch sử. Bà cũng có nhiều công lao trong sự phát triển nền giáo dục đương thời. Di tích đền Nguyễn Thị Duệ còn gắn với Tinh Phi Cổ Tháp (tháp mộ của bà) được lịch sử suy tôn là một trong "Chí Linh bát cổ" nổi tiếng trong lịch sử. Hằng năm vào dịp đầu xuân, tại đền Chu Văn An chính quyền nhân dân địa phương tổ chức lễ khai bút đầu xuân đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương, học sinh, sinh viên, thầy cô giáo đến chiêm bái Đức Vạn thế Sư biểu Chu Văn An và dâng hương anh linh Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ như một sự tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh đạo học, tôn vinh những bậc thầy của lịch sử giáo dục Việt Nam.
Từ khu di tích Phượng Hoàng xuôi về hướng đông nam của Chí Linh là khu di tích đền Cao (xã An Lạc). Khu di tích này gắn với truyền thuyết về sự tích 5 vị tướng họ Vương giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc ngoại xâm ở thế kỷ thứ X. Khi đó, trước họa ngoại xâm của giặc phương Bắc, vua Lê Đại Hành khi lãnh đạo quân và dân ta thực hiện cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống năm 981. Khi hành quân đến đây, vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Dược Đậu trang (xã An Lạc ngày nay) làm đại bản doanh để luyện quân và tuyển chọn người tài giúp nước. Lúc ấy, năm anh em họ Vương, người bản trang đã đến xin đầu quân và được nhà vua tuyển chọn, phong chức tướng quân và cử đi đánh giặc. Khi chiến thắng khải hoàn, 5 vị tướng họ Vương đã hóa. Nơi các vị tướng hóa sau này được nhân dân lập đền thờ, phụng thờ trong suốt hơn một nghìn năm qua. Năm anh em họ Vương được nhân dân nơi đây tôn thành Thánh. Nơi đây còn có rừng lim cổ thụ, hàng trăm năm tuổi, cùng với đó là nhiều sự lệ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của vùng đất linh thiêng này.
Ngược lên vùng đông bắc của thị xã Chí Linh, chúng ta đến với xã Hoàng Hoa Thám, nơi có chùa Thanh Mai, một ngôi cổ tự và là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm tam tổ, một thiền phái Phật giáo lớn nhất nước ta thời nhà Trần. Đây cũng là nơi gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa. Ông là học trò được Phật Hoàng Trần Nhân Tông phát hiện, dạy dỗ, lựa chọn là người đứng đầu kế tục sự nghiệp phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Phật Hoàng, Đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, Pháp Loa đã kế tục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao rực rỡ. Ông đã đào tạo được hàng chục học trò xuất sắc, nuôi hàng chục nghìn tăng sư, xây hàng trăm ngôi chùa. Khi mất, xá nị xương cốt của ông được an táng tại Viên thông Bảo tháp nằm phía sau chùa Thanh Mai. Ở Thanh Mai còn nhiều di chỉ của những ngôi chùa cổ, đánh dấu sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói chung và vùng đất tổ Thanh Mai nói riêng. Du khách đến với Thanh Mai còn được khám phá thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây. Rừng Thanh Mai nằm trong dải cánh cung Đông Triều và Tổ sơn Yên Tử và đây cũng là rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương với hệ thực vật rừng phong phú đa dạng. Trong đó, đáng chú ý bởi nơi đây có rừng lá phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là rừng phong được đánh giá đẹp nhất trong 7 nơi trên đất nước ta có rừng phong.
Còn du khách muốn tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu và mong muốn cầu con cái (cầu tự) có thể đến với đền Sinh - đền Hóa. Đền Sinh - đền Hóa năm dưới chân núi ngũ nhạc thuộc dãy núi kỳ lần. Nơi đây thờ Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên hạ sinh trong hình hài một đứa trẻ ở bên khe đá. Từ khi sinh đến khi hóa trong một giờ. Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên đã nhiều lần hiển linh giúp vua Lý Nam Đến và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngoài ra, đền còn thờ Đức Mẫu Thạch Bàn. Tín ngưỡng thờ mẫu ở đền Sinh - đền Hóa đã có từ lâu và được duy trì đến nay. Thờ mẫu còn mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, chính vì thế hàng năm lượng du khách đến đây để cầu con cái khá đông và nhiều du khách đã nguyện sở cầu.
Với hệ thống di tích dày đặc với nhiều cấp hạng di tích, từ di tích cấp quốc gia đặc biệt, đến di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, với những nhân vật được thờ, tín ngưỡng tâm linh phong phú và thuần Việt, có thể nói Chí Linh đang có nguồn "tài nguyên" du lịch tâm linh vô giá, nếu biết khai thác sẽ trở thành một nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế của thị xã Chí Linh.
Phát triển du lịch tâm linh
Nhận thấy thế mạnh của mình những năm qua, thị xã Chí Linh đã quan tâm hơn đến công tác quản lý nhà nước về di tích và phát huy giá trị di sản di tích trong việc phát triển du lịch. Đặc biệt trong đại hội đảng bộ thị xã Chí Linh nhiệm kỳ 2015 – 2020, thị xã đã coi phát triển ngành du lịch dịch vụ là lĩnh vực trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu này, thị xã đã kiện toàn lại bộ máy tổ chức Ban Quản lý Di tích Chí Linh, lựa chọn những người có chuyên môn, nghiệp vụ để làm công tác này. Kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm phát tâm công đức trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Những năm gần nhiều, nhiều di tích do thị xã quản lý đã được trùng tu, tôn tạo như đền Chu Văn An, đền Sinh - đền Hóa, đền Cao, đền thờ Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Hiện nay, nhiều di tích đã khang trang hơn, cảnh quan di tích đẹp hơn, công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn, bài bản, chuyên nghiệp hơn tạo dấu ấn trong lòng du khách về tham quan, dâng hương chiêm bái. Lượng du khách hằng năm về với các di tích của Chí Linh ngày càng đông hơn, năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt thị xã Chí Linh còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương mời các nhà nghiên cứu, các trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố lân cận, các doanh nghiệp lữ hành tổ chức hội thảo phát triển du lịch Chí Linh nhằm mục đích tìm giải pháp, kết nối các điểm, tuyến, xây dựng các tour du lịch đưa du khách về với Chí Linh. Thị xã Chí Linh còn phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng tổ chức điền dã nghiên cứu, lập đề án phát triển du lịch tâm linh ở đền Chu Văn An, đền Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, đền Sinh - đền Hóa và đề án tổng thể phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn thị xã Chí Linh.
Trong buổi báo cáo đề cường của các đề án này, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế, điểm yếu của các điểm tham quan du lịch như: Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch du lịch, quản lý các khu du lịch còn chưa tốt ; lượng du khách chưa cao, chưa đa dạng, khách đến tham quan mang tính chất mùa vụ. Chẳng hạn như đền Chu Văn An ngoài lễ khai bút đầu xuân diễn ra với các nghi lễ trang trọng, linh thiêng thì trong suốt những tháng còn lại đền Chu Văn An thiếu những hoạt động nhấn mạnh đến tính chất linh thiêng của ngôi đền, còn đền thờ Bà Chúa Sao Sa lại càng không có. Khách đến tham quan du lịch chủ yếu là lễ, cúng khấn, tham quan vãng cảnh trong vòng 30 phút, không lưu trú, hầu như không có hoạt động mua bán lễ vật, sản vật địa phương. Xung quanh các di tích thiếu những điểm vui chơi giải trí, thiếu những dịch vụ bổ sung, hỗ trợ, thiếu những sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc thù để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Nguồn thu của các di tích chỉ có tiền công đức nhưng cũng rất thấp, không tương xứng với tiềm năng thực tế. Sau khi xây dựng, phục hồi các di tích, vai trò của người dân trong quản lý, quảng bá, khai thác và phát huy hầu như bị bỏ ngỏ. Các công trình vệ sinh tại các điểm di tích chưa được đầu tư còn gây bất tiện cho người sử dụng và chưa đảm bảo vệ sinh. Tại khu đền thờ Chu Văn An các dịch vụ còn nhỏ lẻ, chỉ có vài hàng quán chưa có hệ thống, các dịch vụ chủ yếu chỉ phục vụ vào mùa lễ hội. Di tích đã và đang được quy hoạch, tu bổ mới dừng lại ở mức đáp ứng yêu cầu dự án tu bổ, tôn tạo di tích theo nguồn vốn đã được phê duyệt. Vấn đề đầu tư tài chính cho công tác bảo tồn cũng còn nhiều vướng mắc, kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp so với thực tế đòi hỏi làm cho các dự án bảo tồn phải đầu tư nhiều lần, dở dang, ảnh hưởng đến quá trình tham quan của du khách. Quá trình phát triển du lịch chưa thực sự gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, môi trường tự nhiên và chưa có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với Ban quản lý di tích chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp du lịch chưa biết đến điểm đến này.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cũng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, chưa tạo thành mạng lưới hoạt động theo chuỗi. Các hoạt động chủ yếu dựa vào di tích và truyền thống, chưa có tính đổi mới sáng tạo. Do chưa tổ chức tốt công tác phục vụ, phát triển các dịch vụ hàng quán nên việc đảm bảo môi trường trong sạch, xử lý rác thải trong các kỳ lễ hội vẫn là vấn đề tồn tại mang tính cấp thiết. Công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, công tác cung cấp thông tin về các ngôi đền cho khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành còn hạn chế.
Để ngành du lịch, dịch vụ của Chí Linh nói chung và du lịch tâm linh nói riêng phát triển mạnh mẽ theo Tiến sĩ Sơn cần định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch văn hóa tâm linh, trong đó cần xây dựng các khu du lịch, các tuyến du lịch. Bên cạnh đó, cần định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, trong đó định hướng phát triển sản phẩm cụ thể như: Nghiên cứu tổ chức các sự kiện văn hóa tâm linh, các Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu theo ngày lễ của các vị thánh, phù hợp yêu cầu quảng bá. Cần nghiên cứu đưa ra nhóm sản phẩm bổ trợ kết hợp với các sản phẩm du lịch tâm linh như: Du lịch văn hóa về cội nguồn, du lịch vui chơi giải trí cuối tuần, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời cần định hướng bảo vệ môi trường du lịch, đánh giá những ảnh hưởng, tác động của môi trường đến hoạt động du lịch và ngược lại; xây dựng các cơ chế chính sách trong lĩnh vực kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng Chí Linh cần thực hiện đồng bộ những giải pháp: Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch ở đền thờ Chu Văn An, đền thờ Bà Chúa Sao Sa và các di tích khác: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí; phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội. Sản xuất các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hoá của từng di tích để tạo thương hiệu riêng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá như tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch bằng tiếng Việt, tiếng Anh phục vụ tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet... Tổ chức hội thảo, hội nghị xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế tại các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Nam Bộ. Tổ chức các đoàn famtrip khảo sát thực tế cho các công ty lữ hành trong nước và quốc tế tới tham quan đền thờ Chu Văn An, đền thờ Bà Chúa Sao Sa, đền Sinh - đền Hóa, chùa Thanh Mai... Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu di tích, điểm du lịch đã được quy hoạch. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc…
 Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, du lịch, dịch vụ nói chung và du lịch tâm linh của Chí Linh sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Dulichchilinh.com
Call: 0965.68.68.68- 0898858888
 

Tác giả bài viết: 0965.68.68.68- 0898858888

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

hotline
Bản đồ du lịch Chí Linh
map chilinh
Bài viết được xem nhiều
lien he qc
Mạng xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây