Phát triển du lịch tâm linh ở di tích đền Sinh - đền Hóa

Khu di tích đền Sinh - đền Hóa (thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là một trong những điểm di tích tâm linh độc đáo của thị xã Chí Linh, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch đến dâng hương, chiêm bái, vãn cảnh, trải nghiệm. Tuy nhiên, lượng khách đến chưa tương xứng với tiềm năng của di tích. Vì vậy, những năm gần đây, thị xã Chí Linh đang đẩy mạnh nhiều hoạt động để khu di tích đền Sinh - đền Hóa trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút du khách.
18813817 1306471096140044 7873392114670719342 n
Lễ hội truyền thống đền Sinh- đền Hóa
 
Tiềm năng chưa được đánh thức
Khu di tích Quốc gia đền Sinh – đền Hóa nằm về hướng Đông Bắc thị xã Chí Linh, dưới sườn núi Ngũ Nhạc, thuộc dãy núi Kỳ Lân, gần khu di tích Côn Sơn. Di tích nằm trong vùng danh lam thắng cảnh, gắn với truyền thuyết về thiên thần và đức Thánh Mẫu khiến cho di tích và không quan di tích càng thêm huyền hoặc, kỳ bí, linh thiêng. Di tích đền Sinh - đền Hóa gắn với truyền thuyết về Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên hạ sinh trong hình hài nhi ở khối Thạch linh. Đức Thánh từ khi sinh đến khi hóa trong một canh giờ. Nơi Thánh sinh được nhân dân lập đền mang tên đền Sinh, nơi Thánh hóa được gọi là đền Hóa.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên nhiều lần hiển linh cứu dân hộ quốc, giúp các triều đại đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo về độc lập chủ quyền của đất nước. Vì vậy, đến Sinh - đền Hóa trở thành một nơi cầu đảo linh thiêng của nhân dân địa phương. Nơi đây, cũng được nhiều đời vua của các triều đại đến tham quan, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an.
Điều độc đáo ở di tích này đó là có tảng đá tự nhiên giống người phụ nữ trong tư thế sinh nở như trong truyền thuyết được nhân dân tôn là Đức Thánh Mẫu Thạch Linh. Phiến đá đó hiện nằm trong hậu cung đền Sinh. Hằng năm, đền Sinh đón hàng vạn du khách đến dâng hương, thậm chí nhiều du khách còn vào hậu cung dâng hương, chiêm ngưỡng và chạm vào phiến đá đó để cầu mong may mắn, đặc biệt là cầu mong Đức Thánh Mẫu phù hộ để có con, để « mẹ tròn con vuông ». Nhiều người đến cầu con cái đã được ứng nghiệm, khiến tiếng lành đồn xa, đền Sinh trở thành nơi cầu tự được người dân cả nước biết tới.
Tuy nhiên lượng du khách đến với đền Sinh - đền Hóa chưa nhiều và cũng chưa giữ chân được du khách nên nguồn thu của Ban Quản lý Di tích và nhân dân địa phương từ du lịch không đáng kể, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
Giải pháp phát triển du lịch tâm linh ở đền Sinh - đền Hóa
Nhận thấy các di tích trên địa bàn đều thờ các đức thánh, danh nhân lịch sử có tầm quan trọng trong lịch sử và tâm thức tín ngưỡng tâm linh của nhân dân những vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. Điều này, khiến lãnh đạo thị xã Chí Linh, các phòng, ban chuyên môn, cùng tập thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh rất trăn trở. Làm gì để phát triển du lịch tại các di tích trên địa bàn nói chung và di tích đền Sinh - đền Hóa nói riêng ?
Cũng với sự định hướng của thị xã Chí Linh chú trọng phát triển mạnh lĩnh vực du lịch - dịch vụ, vì vậy các di tích trên địa bàn thị xã Chí Linh đã được lãnh đạo thị xã và tỉnh Hải Dương quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo, trong đó di tích đền Sinh - đền Hóa cũng được quan tâm hơn. Đặc biệt trong năm 2017 và đầu năm 2018 thị xã Chí Linh đã phối hợp với Viên Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng tổ chức khảo sát, điền dã, tọa đàm để làm rõ các giá trị văn hóa, lịch sử, tin ngưỡng của di tích đền Sinh - đền Hóa và các di tích khác, qua đó làm cơ sở, dữ liệu để xây dựng 3 đề án, trong đó có đề án chung của thị xã Chí Linh, đó là đề án : «Xây dựng các di tích lịch sử  văn hóa thị xã Chí Linh trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn » và 2 đề án riêng của các điểm di tích. Di tích đền Chu Văn An có đề án: «Phát triển di tích đền Chu Văn An, đền Bà Chúa Sao Sa ở phường Văn An trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn ». Di tích đền Sinh - đền Hóa có đề án «Xây dựng và phát triển du lịch tại di tích đền Sinh - đền Hóa » nhằm mục đích phát triển lĩnh vực du lịch tâm linh.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo thị xã về việc báo cáo đề cương của các đề án, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng đã nhấn mạnh, trước hết phải khắc phục tính mùa vụ đang giữ vai trò quan trọng quyết định đến số lượng du khách và sự phát triển du lịch hiện tại ở khu di tích. Mặt khác phải tạo ra các sản phẩm du lịch mới có sức thu hút du khách và có thể giữ chân du khách ở lại địa phương. Đồng thời cơ cấu lại hệ thống các dịch vụ và các sản phẩm hàng hóa để phát triển du lịch, qua đó tăng số lượng du khách, tăng thời gian lưu trú của du khách và tăng nguồn thu du lịch cho nhân dân và cho địa phương.
Cũng theo Tiến sĩ Sơn di tích đền Sinh - đền Hóa còn có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch như: Phát triển du lịch liên quan đến giá trị cầu tự của di tích đền Sinh; phát triển sản phẩm du lịch Đạo Mẫu; phát triển du lịch làng nghề hát Văn ở An Mô; phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm hầu đồng và hát văn.
Đề án «Xây dựng và phát triển du lịch tại di tích đền Sinh - đền Hóa » của Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp củng cố bộ máy quản lý được chú trọng. Giải pháp này nhấn mạnh việc phải đổi mới cơ chế quản lý và Ban Quản lý Di tích, khoán doanh thu cho Ban Quản lý Di tích, chuyên nghiệp hóa đội ngũ  cán bộ làm việc tại khu di tích, có giải pháp đào tạo, bổ sung cán bộ có trình độ nghiệp vụ về du lịch, có giải pháp liên kết với các khu di tích trong vùng và trong tỉnh trong phát triển du lịch. Về giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc thì cần nâng cấp không gian tổ chức thực hiện các nghi lễ hầu đông, dâng hương; nâng cấp lối đi trong khu di tích, nhà vệ sinh, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường khu di tích. Giải pháp về truyền thông, tập trung nhấn mạnh việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền có trọng điểm, chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang cá nhân, mạng xã hội để đông đảo nhân dân và du khách thập phương biết tới di tích. Giải pháp về cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch, trong đó cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập; có chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách phân cấp và khuyến khích tăng nguồn thu của Ban Quản lý Di tích; chính sách khuyến khích du lịch cộng đồng. Giải pháp về liên kết phát triển du lịch, trong đó thúc đẩy liên kết Ban Quản lý với các bản hội, công ty lữ hành xây dựng cơ chế phát triển du lịch; liên kết xây dựng các tuyến du lịch tâm linh liên thông trong thị xã Chí Linh, trong tỉnh Hải Dương; liên kết tạo thành tuyến du lịch liên minh với Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… nhằm phát huy di tích và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; liên kết du lịch tâm linh; liên kết các dịch vụ tạo thành chuỗi sản phẩm. Ngoài ra, đề án còn đưa ra nhiều giải pháp khác về nguồn nhân lực, tổ chức lại hệ thống dịch vụ ở khu di tích để phát triển du lịch, giải pháp tư vấn về quy hoạch  các di tích, bảo tồn không gian văn hóa tín ngưỡng, đầu tư phát triển du lịch...
Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng của tỉnh Hải Dương, sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo thị xã Chí Linh, các phòng, ban chuyên môn, sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh, cán bộ, nhân dân địa phương nơi có di tích, cùng sự đồng hành của các Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng, doanh nghiệp lữ hành… hi vọng trong thời gian tới đây di tích đền Sinh - đền Hóa sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần phát triển ngành du lịch dịch vụ của thị xã lên một tầm cao mới và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của thị xã Chí Linh.


Dulichchilinh.com
Call: 0965.68.68.68- 0898.79.79.79

Tác giả bài viết: Kim Xuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây