Người đưa dòng Thiền phái Trúc Lâm phát triển rực rỡ
Nếu nói từ Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung là những người đặt nền móng, đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ra dòng Thiền Phái Trúc Lâm thì người đưa dòng thiền này phát triển rực rỡ, lan tỏa rộng khắp không ai khác là Đệ nhị tổ Pháp Loa. Chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là nơi tu hành và nơi yên nghỉ của Đệ nhị tổ Pháp Loa.
Về thăm chốn tổ Thanh Mai
Những ngày xuân, chúng tôi về tham quan, vãn cảnh chùa Thanh Mai. Đường vào chùa Thanh Mai bây giờ khá dễ dàng, thuận tiện từ đường quốc lộ 18 (đoạn phường Hoàng Tân) đến chân núi Tam Ban đã được trải nhựa, còn từ chân núi lên đến chùa được đổ bê tông, khiến cho du khách cứ thênh thang rộng bước. Một người dân sống dưới chân núi cho biết: “Trước đây, đường lên chùa chỉ là đường đất, nhiều chỗ dốc dựng đứng rất khó đi. Còn xa hơn nữa nơi đây là rừng thiêng nước độc, dân gian còn lưu truyền câu nói “nước Thanh Mai đi hai về một”. Nghĩa là cứ hai người đến Thanh Mai khi về chỉ còn một người về. Đấy là ngày xưa thôi, chứ bây giờ đường đi thuận tiện, dân cư trù phú sống quần tụ đông đúc dưới chân núi như khẳng định Thanh Mai bây giờ thành nơi “đất lành chim đậu”.
Chùa nằm ở lưng chừng núi, được bao bọc bởi màu xanh của cây lá đang độ đâm trồi nảy lộc. Chúng tôi như lạc giữa chốn lâm tuyền, không gian yên tĩnh, thỉnh thoảng được điểm xuyết bởi tiếng chim hót. Được hít thở không khí trong lành khiến lòng người càng thêm phấn chấn rộn ràng, mọi ưu phiên, lo toan cuộc sống được rũ bỏ. Ở Thanh Mai còn nổi tiếng với rừng phong cổ thụ. Rừng phong nơi đây được đánh giá đẹp nhất trong số ít nơi có cây phong ở nước ta. Những gốc cây phong vằn vện cao, to độ từ một đến hai người ôm mới hết gốc cây. Mùa này, rừng phong đã trút hết lá cũ và đang đâm trồi nảy lộc lớp lá mới, những lớp lá mầm đỏ tía, những lớp lá non xanh tươi nhìn đầy sức sống. Người dân nơi đây cho biết, vào mùa đông rừng phong chuyển lá vàng, từ dưới chân núi nhìn lên cả một vùng rừng chuyển màu từ xanh sang thẫm, rồi chuyển thành màu vàng. Vào mùa cây chuyển màu lá nhiều du khách đến đây ngắm cảnh, chụp ảnh và khen phong cảnh ở đây chẳng kém gì phong cảnh ở những điểm du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc.
Chùa Thanh Mai nằm cạnh một con suối, chùa quay theo hướng nam. Xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ to, bên cạnh, đằng trước, đằng sau chùa là hệ thống bia, tháp mộ có niên đại 600 – 700 năm tuổi càng khiến cho cảnh chùa càng thêm trầm mặc, uy linh. Theo Đại đức Thích Trí Trung ( Trụ trì chùa Thanh Mai) chùa mới được xây dựng trên nền chùa cũ gồm 7 gian tiền đường 5 gian tam bảo, 2 dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía trước chùa có 7 ngôi tháp, phía sau chùa là tháp Viên Thông được xây dựng từ năm 1334, nơi đặt xá lị Đệ nhị tổ Pháp Loa. Chùa hiện có 7 tấm bia cổ, trong đó giá trị nhất là Thanh Mai Viên thông tháp bi. Trong hệ thống văn bia từ thời nhà Trần còn lại không nhiều, trong đó riêng chùa Thanh Mai có 7 tấm bia, cho thấy chùa Thanh Mai có vài trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của dòng thiền Trúc Lâm lúc bấy giờ. Bia Thanh Mai Viên thông tháp bi ghi lại thân thế, cuộc đời của Đệ nhị tổ Pháp Loa, đồng thời cũng ghi lại những thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, xã hội, ruộng đất thời Trần và hoạt động của Trúc Lâm Tam Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Chính vì có giá trị như vậy nên Thanh Mai Viên Thông tháp bi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Đại đức Thích Trí Trung cho biết thêm, trong quá trình điền dã đã phát hiện nền móng của một ngôi chùa lớn cùng thời với chùa Thanh Mai, nằm cách chùa Thanh Mai 400 m về phía bắc, ở độ cao 300 m. Cũng từ đây đi về phía bắc 2 km tại khu vực Hố Bắc ở độ cao 500 m còn tìm thấy nền của 2 ngôi chùa lớn mà niên đại cũng hàng trăm năm. Việc tìm thấy các di chỉ của nền móng những ngôi chùa đó, chứng tỏ ở Thanh Mai vào thời nhà Trần, Lê, nơi đây là cả một quần thể kiến trúc chùa chiền. Và người xây dựng Thanh Mai trở thành một trung tâm của dòng Thiền phái Trúc Lâm không ai khác là Đệ nhị tổ Pháp Loa.
Người đưa Thiền phái Trúc Lâm phát triển
Trên tấm bia Thanh Mai Viên Thông tháp có ghi về cuộc đời Đệ nhị tổ Pháp Loa như sau: Pháp Loa còn có tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân 1284, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương). Đến năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến thăm hương Cửu La của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương ra bái yết. Nhân Tôn thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn (nghĩa là có khả năng tu hành đặc đạo) liền cho đi theo tu hành, học đạo và đặt cho tên mới là Hỉ Lai (nghĩa là người mang lại niềm vui). Hỉ Lai thông minh, hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau tại liêu Kỳ Lân (Chí Linh) ông được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến ngày mồng 1 tháng Giâng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm cho ông. Từ đó ông trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền phái này.
Đến năm Khai Hựu thứ 2 (năm 1330) Pháp Loa đang giảng kinh ở viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13 sư về viện Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) tĩnh dưỡng. Ngày 19 bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến trao cho bảo bối mà 22 năm trước Điều Ngự Trần Nhân Tông đã trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm và nói “Huyền Quang sẽ là người hộ trì, thừa kế”. Đến ngày 3 tháng 3 Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc, xá lị của người được đặt trong tháp phía sau chùa Thanh Mai. Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông , xuất ngân khố 10 lạng vàng cho xây tháp và làm một bài thơ viếng đầy cảm xúc. Đây là một ân sủng hiểm có trong lịch sử Việt Nam. Kể từ đó sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị tổ thứ 3 của Thiền phái này. Huyền Quang từ trụ trì chùa Thanh Mai 6 năm.
Đáng chú ý, trong giai đoạn hơn 20 năm đứng đầu Thiền phái, Pháp Loa đã cùng với các đệ tử, chư tăng trong Thiền phái ra sức phát triển, đưa dòng thiền này phát triển, lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, nhiều tượng được đúc, Pháp Loa cùng các đệ tử đi giảng kinh khắp nơi. Trong thời gian tuy không dài những ông đã tạo lên sự nghiệp lớn cho sự phát triển của Thiền phái nói chung và cho bản thân nói riêng. Đệ nhị tổ Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và viện nghiên cứu phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này bây giờ đều trở thành những trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa quý báu của đất nước. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Địa Tạng và dành nhiều giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông thừa kế, phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.
Để tưởng nhớ công đức của Đệ nhị tổ Pháp Loa, hàng năm người dân bản địa ở Thanh Mai lấy ngày mất của ông là ngày để mở lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai. Lễ hội chùa Thanh Mai kéo dài từ ngày mồng 1 đến mồng 3 âm lịch. Những ngày này, khắp mọi miền đất nước, nhân dân và du khách, tăng ni, phật tử về dâng hương, chiếm bái anh linh Đệ nhị tổ Pháp Loa, người có công phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao rực rỡ.
DULICHCHILINH.COM
Call: 093.880.2222- 0965.68.68.68