“Đài cao sừng sững nhìn xuống bờ sông
Đó là đền thân vương nhà Trần gọi là Quốc Phụ”
Di tích đền Quốc Phụ là một trong tám di tích thuộc “Chí linh bát cổ” nổi tiếng được nhiều sử sách ghi nhận. Di tích thuộc khu dân cư Nẻo, phường Chu Văn An- thành phố Hải Phòng. Đây là đền thờ Nhập nội Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn – một trong những danh tướng kiệt xuất của nhà Trần, tài đức vẹn toàn, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Căn cứ vào các tài liệu chính sử và thư tịch cổ cho biết rằng, Trần Quốc Chẩn là Trần Quốc Chẩn sinh ngày 29 tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ 3( tức 19 tháng 02 năm 1281) Ông là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, là em vua Trần Anh Tông (1293- 1314)- vị vua thứ 4 thời nhà Trần, vào năm Hưng Long thứ nhất ( 1293) ông được phong Huệ Võ Đại Vương. Năm Hưng Long thứ 10( 1302) ông được tấn phong chức Nhập Nội Bình Chương.
Năm Hưng Long thứ 20( 1312) biên giới phía Nam Đại Việt bị quân Chiêm Thành lấn chiếm. Nhận lệnh của triều đình, Trần Quốc Chẩn đã cầm quân lên đường đánh dẹp, trận này ông phối hợp với tướng quân Đoàn Nhữ Hài bao vây, bức hàng quân Chiêm Thành thắng lợi, quân Trần không tốn một mũi tên nào. Đến năm Đại Khánh thứ 5 (1358), Trần Quốc Chẩn cùng tướng quân Phạm Ngũ Lão tiếp tục đi đánh dẹp quân Chiêm Thành thu được thắng lợi lớn, giữ yên bờ cõi quốc gia dân tộc.
Do có nhiều công lao với triều đình, năm Khai Thái thứ nhất( 1324), Trần Quốc Chẩn được vua Trần phong chức: Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể - chức quan đầu triều coi giữ lục bộ Thượng Thư.
Sử cũ còn ghi nhận Trần Quốc Chẩn không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận mà ông còn là người nổi tiếng đức độ, được các quan trong triều hết lòng nể phục. Ông là người được vua Trần Anh Tông rất quý trọng. Về sau Vua Trần Minh Tông lại lấy con gái của Trần Quốc Chẩn nên càng tin dùng (Con gái của Trần Quốc Chẩn là hoàng hậu Lệ Thánh).
Khi Trần Quốc Chẩn tuổi đã cao, ông xin về quê hương ở tổng Kiệt Đặc- xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh ( nay thuộc phường Chu Văn An- tp. Hải Phòng) sống những tháng năm thanh đạm. Nhà ông ở ven sông lớn Thái Bình rất thuận lợi cho việc kinh lý, yết kiến về kinh đô Thăng Long. Tục truyền ông như có phép lạ: Những ngày chầu Vua, buổi tối hôm trước ông còn ở nhà, vậy mà sáng hôm sau đã có mặt ở Kinh Đô. Đó là bởi thời bấy giờ, đường thuỷ sông Thiên Đức (sông Thái Bình) đi lại thông suốt, ông dùng thuyền nhỏ sai người chở thật nhanh, chỉ một đêm là đến Kinh Đô.
Thượng Tể Trần Quốc Chẩn phụng sự dưới các triều đại nhà Trần, từ thời vua Trần Anh Tông (1293- 1314) ông là nhà quân sự, nhà chính trị, là dường cột của triều đình, nhưng đến đời Vua Trần Minh Tông từ những rối ren triều chính lại khiến cuộc đời ông kết thúc đầy oan khuất, cái chết của Trần Quốc Chẩn liên quan đến vấn đề kế vị, khi ông can gián Vua Trần Minh Tông trong việc lập con thứ làm Thái tử và bị kết tội phản nghịch và bị giam cầm bỏ đói cho đến chết, sử cũ có chép rằng: Vua Trần Minh Tông giữ ngôi được 15 năm( từ năm 1314- 1329) tuổi đã cao mà chưa lập được Thái tử. Quốc Chẩn có ý đợi Hoàng hậu Lệ Thánh sinh con trai thì mới lập. Lợi dụng hoàn cảnh éo le đó, Cương Đông Văn Hiến Hầu ( không rõ tên) là con của Tá Thánh Trần Nhật Duật muốn đánh đổ Hoàng hậu để lập Thái tử Vượng ( sau là vua Trần Hiến Tông) mới đem của đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Nhạc 100 lạng vàng, bảo Trần Nhạc vu cáo cho Quốc Chẩn có mưu làm phản. Vua cả tin cho là thật liền ra lệnh bắt giam ngay Quốc Chẩn vào chùa Tư Phúc ở kinh sư rồi đem việc ấy hỏi Thiếu Bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến Hầu, lại cùng mẹ với Thái Tử Vượng, đều là người Giáp Sơn ( Kinh Môn) và đã từng làm thầy dạy Thái Tử Vượng, liền trả lời:“ Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Vua truyền bắt Quốc Chẩn phải tuyệt thực. Hoàng hậu Lệ Thánh khi vào thăm cha đã lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống. Trong khi đó Lê Thị- Mẹ của Thái tử Vượng muốn cho Trần Quốc Chẩn chết sớm để cho con mình được lập làm thái tử, liền cho người mang nước tẩm độc cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Quốc Chẩn chết oan, linh hồn ông biến thành con ong vàng.
Vài năm sau, vợ lẽ của Trần Nhạc ghen với vợ cả, tố cáo sự thật, đem việc Văn Hiến Hầu đút vàng tâu lên vua. Việc giao xuống quan ngục xét, Lê Duy là người cương trực đem xét hỏi ngay ngày hôm ấy. Tên Nhạc đã bị kết tội “lăng trì”, Văn Hiến bị giáng xuống làm thứ dân, xoá tên trong sổ tôn thất của triều đình.
Đến năm Giáp Thân( 1341), thời Trần Dụ Tông, vụ án Trần Quốc Chẩn được minh oan hoàn toàn. Triều đình phục chức: Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể cho Trần Quốc Chẩn, trả lại phẩm giá cho người đã khuất. Từ sự việc này các nhà nghiên cứu sử học đã bình phẩm: “ Một con người tài đức song toàn như Trần Quốc Chẩn mà phải chịu cái án oan trên đầu và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình thì quả là đáng tiếc”. Đây là bài học đau xót nhất trong 175 năm ( 1226- 1400) thịnh trị của nhà Trần và cũng là bài học quý giá cho các thời đại sau trong việc trị nước và đào tạo, sử dụng người hiền tài.
Với công lao sự nghiệp to lớn cho đất nước, sau khi Quốc phụ qua đời 12/6/1328, triều đình đã cho bản xã sửa lại Bến Đá ven sông Thái Bình và di tích “Thượng tể cổ trạch”- ngôi nhà cũ của Quốc phụ ở quê hương Chí Linh làm đền thờ nhằm tôn vinh tài đức vẹn toàn, công lao to lớn của ông. Đến thời hậu Lê di tích được các sử gia xếp vào hàng Chí Linh Bát Cổ, đại diện cho một trong tám loại hình kiến trúc cổ của vùng đất Chí Linh. Trải qua các triều đại, nhà nước phong kiến đều sắc phong cho Trần Quốc Chẩn, gồm 05 đạo sắc phong : Niên hiệu tự Đức 6 năm 1853, Niên hiệu tự Đức 33 năm 1880, Niên hiệu Đồng Khánh 2 năm 1887, Niên hiệu Duy Tân Nguyên Niên năm 1907, Niên hiệu Khải Định 9 năm 1924
Tương truyền đền thờ rất linh ứng, theo sách Nhân vật lịch sử Hải Dương còn ghi lại : “ Năm Đinh Dậu ( 1357), Thượng hoàng Trần Minh Tông ốm nặng,… Nguyên do là Thượng Hoàng bị bệnh từ hôm ngự giá đến miền Kiệt Đặc tại Chí Linh, viếng thăm đền thờ Quốc Phụ Huệ Từ Đại Vương, khi ra khỏi đền bị con ong vàng đốt vào má. Từ đó sinh ra ốm lơ lửng mãi không khỏi. Trong tâm trí Minh Tông vẫn không xua nổi vụ án Quốc Chẩn bị hàm oan…
“ Vua Minh Tông mệt nặng, Dụ Tông cho thái y sắc thuốc nhưng Thượng Hoàng không uống! Nửa đêm Thượng hoàng kêu to:
- Quốc Phụ Thượng Tể đấy phải không? Người đến đón ta?
Ngài ngự lại thấy một con ong vàng bay quáng quàng trong quầng hoa cải hoa cà ở hai hố mắt. Mùa xuân, ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu ( 1357) thì ngài mất”. Vì vậy, từ xưa đến ngày nay khu di tích là nơi cầu tất ứng, cảm tất thông. Đặc biệt vào những năm hạn hán nhân dân cầu đảo thường rất linh ứng.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, khu di tích được trùng tu tôn tạo nhiều lần, vào thời Lê Trung Hưng ( thế kỉ 17-18) và thời Nguyễn ( thế kỉ 19). Khu di tích được xây dựng trên gò dất cao giữa cánh đồng lúa chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Theo thuyết phong thuỷ, đền Quốc Phụ nằm trên thế đất “ Độc mạch Kim Xà” ( Rắn vàng), phía trước minh đường chính là dòng sông lịch sử- sông Kinh Thầy. Từ đền thờ dẫn ra sông Kinh Thầy là con đường Bến đá ven sông, phía sau có Đống Lăng làm hậu trẩm. Bên hữu có cánh đồng Giải phướn, tại đây có di tích Đống Đỏ, có nhiều đống son tự nhiên. Bên tả là cánh đồng Lạng Trì và Ao Vả. Tục truyền, khi xưa đây chính là nơi tắm gội của Đức Quốc phụ Trần Quốc Chẩn.
Để việc tổ chức tế lễ của nhà nước và quần chúng nhân dân thuận lợi từ xưa nhà nước phong kiến đã đầu tư xây dựng con đường “ cái Quan” ghép đá hộc vững chắc (đến nay vẫn còn dấu tích các tảng đá hộc trên đường dẫn vào di tích) cùng đền thờ rất bề thế theo kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, xây bít đốc quai chảo.
Năm 1951, giặc Pháp từ bốt Trung Hà ( Nam Hưng- Nam Sách) đã nã pháo vào khu đền chính hòng tiêu diệt cơ sở bí mật kháng chiến của ta làm nhiều hạng mục công trình bị đổ nát, chỉ còn lại một phần hậu cung và một số đồ thờ được nhân dân cất giấu từ những năm trước. Năm 1953 di tích bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1958 nhân dân địa phương tiếp tục vận động công đức xây lại hậu cung trên nền móng cũ đển ổn định sinh hoạt tín ngưỡng, tiệp tục hương khói phụng thờ, tôn vinh người có công với đất nước. Năm 1997- 1998, theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ và quần chúng nhân dân, được sự nhất trí của các cấp và các ngành chức năng, UBND xã Chí Minh đã phát động công đức, huy động mọi nguồn lực tại địa phương khôi phục lại đền Quốc Phụ. Công trình đền thờ đã được hoàn thiện trong thời gian 60 ngày đêm, đã làm hồi sinh di tích “ Thượng Tể Cổ Trạch”. Và gần đây, 3 gian hậu cung được trùng tu vào năm 2014, năm 2022.
Hằng năm theo điển lệ tại di tích đền Quốc Phụ diễn ra hai sự kiện chính từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 – Lễ Đại Kỳ Phước và ngày 12 tháng 6 âm lịch- ngày giỗ Đức Quốc Chẩn, lễ hội chính là vào mùa xuân. Trong các kỳ đại lễ này, nhân dân đại phương tổ chức rước kiệu từ các làng về đền Quốc Phụ tế lễ Đức Quốc Chẩn hết sức trọng thể, thu hút hàng ngàn du khách tham gia tạo nên không khí lễ hội tưng bừng khắp một vùng rộng lớn.