GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHÙA THANH MAI TRONG HỆ THỐNG CÁC DI TÍCH TRÚC LÂM YÊN TỬ

1.Chùa Thanh Mai còn lưu giữ những giá trị vật chất có giá trị đặc biệt minh chứng cho sự tồn tại của một trung tâm Phật giáo Trúc lâm Yên Tử rất lớn trên vùng đất Chí Linh. 
Chùa Thanh Mai nằm ở mạn sườn phía Nam của núi Tam Ban, còn gọi là Phật Tích sơn, được xây dựng vào khoảng năm 1329 bởi Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), còn có tên là Minh Giác hay Phổ Tuệ Tôn giả. Ông là vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả. Ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và tâm hồn của những người tìm đến chùa để tịnh tâm. 
Ngày 22/3/1330, tức 03/3 âm lịch, ngài viên tịch, thọ 47 tuổi .Các đệ tử khâm liệm thiền sư vào quan tài, đến giờ Sửu rước lên chôn cất ở chùa Thanh Mai. Đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, thượng hoàng truy tặng Pháp Loa danh hiệu Tịnh Trí Tôn giả (淨智尊者), cúng dường 10 lượng vàng cho việc xây tháp thờ Pháp Loa. Tháp này được đặt tên là Viên Thông. 
Năm Đại Trị thứ 5 (năm 1362), bia Thanh Mai Viên thông tháp bi được khắc dựng, toàn bộ nội dung văn bia do Đệ Nhị Tổ Trúc lâm là Huyền Quang tôn giả soạn, ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Pháp Loa. Hiện nay, bia được đặt trang trọng trong khuôn viên của chùa. Bia cao 131cm, rộng 82cm, dầy 14cm, được đặt trên lưng rùa (dài 165cm, rộng 103cm, cao 30cm). Hoa văn trên trán bia là hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Trần, chầu vào hàng chữ “triện” mang tên bia. Bao quanh riềm bia là hoa cúc dây cùng với chân bia trang trí hoa văn sóng nước, cũng mang đậm dấu ấn thời đại. Mặt trước khắc bài ký, thể chữ “Lệ”, gồm 39 dòng, 68 chữ. Mặt sau bia ghi tiếp bài ký, có 42 dòng, mỗi dòng 68 chữ. Nội dung văn bia là nguồn tư liệu vô giá về bối cảnh xã hội và sự phát triển của Phật giáo Trúc lâm: soạn kinh sách, xây tự viện, đào tạo tăng 11 đồ,… Năm 2017, bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Viên Thông bảo tháp: đặt xá lỵ của đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả, dựng ở sau chùa Thanh Mai, núi Phật Tích. Theo văn bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362) Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch này 3 tháng 3 năm 1330, vua Trần Minh Tông xuất ngân khố 10 lạng vàng để xây Viên Thông bảo tháp tại chùa Thanh Mai. Tháp Viên Thông thời Trần nay không còn. Ngôi tháp hiện nay được xây tôn tạo lại vào năm 1718. Tháp cao khoảng 7m, được xây dựng bằng đá ráp màu nâu xám (vật liệu tại chỗ), hiện không còn nền tháp.
 Thanh Mai Viên thông tháp bi và Viên Thông bảo tháp là những hiện vật có giá trị tiêu biểu còn lại trên mặt đất, dưới lòng đất Thanh Mai chắc chắn còn lưu giữ nhiều tư liệu quý báu mà khảo cổ đã phát hiện và nghiên cứu.  
2. Qua các di tích và di vật thu thập được trong cuộc khai quật đã xác định được diễn trình lịch sử của chùa Thanh Mai 2 kéo dài liên tục khoảng hơn 700 năm, kế thừa trên một khu vực vị trí trung tâm của cấp nền 2. Đó cũng là minh chứng xác thực nhất cho lịch sử hình thành và tồn tại liên tục của trung tâm Phật giáo Trúc lâm Yên Tử - Chùa Thanh Mai.
- Chùa Thanh Mai 2 thời Trần (thế kỷ XIII - XIV): Di tích chùa thời Trần đã bị phá hủy nặng nề bởi các thời đại sau đó. Hiện còn 3 dấu tích kiến trúc xuất lộ ở khu vực bên trong lòng, phía đông, phía tây và phía bắc tòa Chính điện thời Nguyễn. Dấu tích dấu tích kiến trúc thứ nhất được nhận diện gồm 3 nhánh, kết nối với nhau tạo thành hình chữ T. Phần thứ nhất chạy theo hướng Bắc - Nam dài 1,87m, rộng 1,03m, hai bên kè 2 lớp đá mỏng tạo phần lòng rộng 0,8m. Phần thứ hai chạy theo hướng Đông - Tây, nằm vuông góc với phần thứ nhất ở phía Bắc, dài 8,5m, rộng 0,91m, (lòng lộng 0,67m). Dấu tích kiến trúc thứ 2 cách kiến trúc thứ nhất 1,83m về phía Bắc, dài 5,25m, hiện chỉ thấy một đường kè, cũng được tạo bởi 2 lớp đá mỏng kè sát nhau. Dấu tích kiến trúc thứ ba là bó nền bằng đá ở phía Bắc, cách dấu tích kiến trúc thứ hai là 0,67m. Bó nền chạy dài 5,8m, theo hướng Đông - Tây, bẻ vuông góc về phía Nam 1,25m, rồi lại bẻ vuông ra phía Tây (ở phần phía Tây) và phía Đông (ở phần phía Đông) 1,1m, sau đó tiếp tục bẻ vuông về phía Nam 1,75m. Cả 3 dấu tích kiến trúc này đều nằm ngay bên trên nền đá gốc. Dựa vào đặc điểm về kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng, trật tự địa tầng, bước đầu chúng tôi cho rằng các dấu tích kiến trúc thuộc giai đoạn xây dựng sớm nhất tại khu vực này - giai đoạn thời Trần.
Ngoài di tích, di vật thời Trần cũng được tìm thấy khá nhiều, gồm vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt. Những di vật này tìm thấy tại di tích tuy không nhiều nhưng đều mang những đặc trưng cơ bản của thời đại. Vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc gồm gạch bìa, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá và ngói mũi tròn, mảnh đầu đao, mảnh tháp đất nung. Đồ dùng sinh hoạt gồm gốm men và đồ sành. Đồ gốm men gồm hiện vật còn dáng và mảnh vỡ của bát, đĩa, bình/ lọ thuộc các dòng gốm men trắng, men ngọc, men nâu, men xanh lá cây, hai màu men và gốm hoa lam. Trong số này có những di vật bát, đĩa đẹp, được trang trí cầu kỳ hình hoa dây, hoa cúc, đường cong mềm mại... Ngoài ra cũng đã tìm thấy mảnh gốm men ngọc thời Nguyên (Trung Quốc). Đồ sành gồm hiện vật còn dáng và mảnh vỡ của các loại lon với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, nắp vung, chậu, bình, vò...chất liệu sành thô và sành mịn.
 Thời Lê sơ và thời Mạc mặc dù không có dấu tích kiến trúc song phạm vi khai quật cũng đã tìm thấy những di vật đẹp, mang đặc trưng tiêu biểu của thời đại. Đó là những chiếc cốc gốm hoa lam và bình lớn bằng sành thời Lê sơ hoặc mảnh bát, đĩa gốm men ngọc và hoa lam thời Mạc. Đặc biệt, một phần của chân đèn gốm men xanh lục trang trí vô cùng cầu kỳ với họa tiết chính là rồng kết hợp hoa văn như ý thời Mạc cũng được tìm thấy.
Chùa Thanh Mai 2 thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII): Dấu tích kiến trúc thời kỳ này nằm ở phần phía Nam cấp nền 2. Một kiến trúc hình chữ nhật chạy dài theo chiều Bắc - Nam đã được tìm thấy bên dưới dấu tích kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc này nằm ở phía Nam kiến trúc thời Trần. Dường như đã có sự dịch chuyển về vị trí của kiến trúc thời kỳ này so với thời Trần. Rìa ngoài móng kiến trúc được xếp bởi các khối đá được chế tác cẩn thận, mặt tương đối phẳng, các cạnh vuông vức, đặc biệt là các cạnh bên và cạnh ngoài. Bên trong móng được đầm bằng đá khối với nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau. Phần móng phía Đông hiện còn 01 chân tảng kê bên trên các lớp đá đầm. Ngoài ra móng phía Đông và phía Bắc có một số vị trí có khả năng là hố móng cột kiến trúc.
Di vật thời Lê Trung hưng cũng được tìm thấy khá nhiều gồm vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt. Chiếm tỷ lệ lớn trong vật liệu kiến trúc là mảnh ngói mũi sen với phần sống mũi trang trí hoa văn như ý, cạnh mũi vát. Ngoài ra cũng có một sống ngói ống và trang trí kiến trúc. Nhìn chung vật liệu kiến trúc thời kỳ này xương thô lẫn nhiều cát, độ nung thấp nên bở rời. Gốm men chiếm tỷ lệ khá lớn trong các loại đồ dùng sinh hoạt. Gốm men thời kỳ này chủ đạo là gốm men trắng và gốm hoa lam. Hầu hết đồ gốm đều có phân chân đế cắt vuông vức, lòng đế phẳng hoặc thụt sâu. Xương gốm nhìn chung không đanh chắc và mịn như gốm thời Trần. Gốm hoa lam thường là màu lam đậm hoặc lam gỉ sắt, trang trí đơn giản.
Chùa Thanh Mai 2 thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX): Vào thời Nguyễn, dấu tích kiến trúc được nhận diện khá dễ dàng vì còn nằm nổi trên mặt đất hoặc chìm ngay bên dưới lớp đất mặt. Đó là một hệ thống gồm nhiều thành phần kiến trúc, phân bố trên 2 cấp nền có diện tích và cao độ khác nhau. Cấp nền 1 gồm hệ thống các bó nền kè bằng đá ở phía Nam, phía Đông và phía Tây, bậc lên cấp nền 2 và móng tháp ở góc phía Tây Bắc. Cấp nền 2 gồm kiến trúc chùa hình chữ Đinh ở khu vực trung tâm, bao quanh là hệ thống bó nền, tường bao và các công trình phía Bắc và phía Đông Bắc. Đối với phần kiến trúc hình chữ Đinh, căn cứ vào các đặc điểm về kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng chúng tôi cho rằng nó được xây dựng ở 2 giai đoạn khác nhau. Phần Tiền Đường được xây dựng ở giai đoạn sớm, phần Chính Điện được xây dựng ở giai đoạn muộn hơn. Có thể phần Tiền Đường hiện còn chỉ là một đơn nguyên kiến trúc, có sự kết nối với một hoặc một vài đơn nguyên khác ở phía Bắc để tạo thành một hệ thống kiến trúc. Ở giai đoạn sau người ta đã phá bỏ đi các đơn nguyên kiến trúc ở phía Bắc và chỉ giữ lại phần kiến trúc ở phía Nam - chính là phần Tiền Đường hiện nay. Sau đó xây dựng thêm phần Chính điện ở phía Bắc, nối liền với phần Tiền Đường. 
3. Kết quả khai quật chùa Thanh Mai 2 góp phần vào việc nhận diện các giá trị mới của hệ thống các di tích liên quan đến phật giáo Trúc lâm ở khu vực Chí Linh.
- Tư liệu về di tích và di vật đã bước đầu xác định diễn trình lịch sử kéo dài liên tục khoảng 700 năm: địa điểm khai quật tạm gọi là chùa Thanh Mai 2 (phân biệt với chùa Thanh Mai mới ở phía dưới nơi có tháp Viên Thông và bia Thanh Mai thời Trần) khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), được trùng tu lớn dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII, có thể trùng với thời điểm trùng tu chùa tháp Thanh Mai ở thế kỷ XVII), tiếp tục tồn tại đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) với nhiều lần sửa chữa, thay đổi về quy mô, cấu trúc. Các di tích thuộc các thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen, cắt phá nhau trên cùng một địa điểm ở vị trí trung tâm của di tích thể hiện tính chất quan trọng của địa điểm khai quật trên tổng thể khu vực chùa Thanh Mai.
- Kết quả phát hiện, nghiên cứu, có thể khẳng định, trong lịch sử tồn tại một quần thể rất lớn với hệ thống gồm nhiều chùa tháp tại khu vực núi Phật Tích (hay núi Tam Ban), bắt đầu từ chùa Thanh Mai 1 → Thanh Mai 2 → Thanh Mai 3 → Thanh Mai 4 → lên đỉnh núi Yên Tử. Tính chất nguyên vẹn, nhiều lớp, nhiều cấp kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử đã khẳng định sự trường tồn của Phật giáo Trúc lâm Yên Tử trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Đây là nguồn tư liệu rất quý, quan trọng và hoàn toàn tin cậy, bổ sung vào hệ thống tư liệu chung của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, góp phần quan trọng cho công tác xây dựng Hồ sơ Di sản Thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa thế giới.
4. Trên tổng thể vùng Chí Linh, chùa Thanh Mai là điểm nối quan trọng bậc nhất từ đó hình thành tuyến đường phía Đông để đi lên đỉnh Yên Tử, đây là tuyến đường quan trọng với nhiều ngôi chùa lớn, nổi tiếng, được xây dựng từ thời Trần, tiêu biểu là chùa Sùng Nghiêm, chùa Côn Sơn. 
Kết quả khai quật, khảo sát, phát hiện và nghiên cứu đã có thể xác nhận sự hình thành của một con đường hành hương mới của Phật giáo Trúc lâm từ Thanh Mai dẫn lên đỉnh Yên Tử, với hệ thống các di tích nằm trên địa bàn Thành phố Chí Linh hiện nay, bao gồm: Chùa Cổ Châu (phường Phả Lại, vị trí khu thành cổ Phao Sơn) → Chùa Sùng Nghiêm → Chùa Côn Sơn → Chùa Thời Lời → Chùa Thanh Mai 1 (chùa Thanh Mai hiện nay) → Chùa Thanh Mai 2 (khu vực khai quật) → Chùa Thanh Mai 3 (hay chùa Bẩy Nền, cách chùa Thanh Mai khoảng 45 phút đi bộ) → Chùa Thanh Mai 4 (nằm trên đỉnh Yên Tử). Qua nguồn tư liệu thực địa và khảo sát thực địa, các di tích này đều ghi nhận dấu tích vật chất của thời Trần và đều có khả năng liên quan đến Phật giáo Trúc lâm.
Như vậy, với những giá trị lịch sử văn hoá tiêu biểu, di tích chùa Thanh Mai đã có những đóng góp nổi bật, quan trọng trong chuỗi các giá trị của hệ thống các di tích thuộc Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. 

Tác giả bài viết: PHẠM VĂN TRIỆU, NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN, LÊ DUY MẠNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây