Ban Quản lý Di tích Chí Linh 10 năm xây dựng và phát triển
Ban Quản lý Di tích Chí Linh được thành lập theo quyết định số 4876 – QĐ/UBND của UBND tỉnh Hải Dương ngày 31/12/2007 đến nay đã được tròn 10 năm. Trong 10 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến tâm huyết, công sức để xây dựng Ban Quản lý ngày càng phát triển vững mạnh, chuyên nghiệp và không ngừng nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn. Đặc biệt từ khi có Ban Quản lý công tác bảo tồn các di tích, di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn thị xa Chí Linh được tốt hơn. Các di tích thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị trong việc phát triển du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của thị xã Chí Linh.
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ( Phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Trên địa bàn thị xã Chí Linh có 9 di tích, danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia và đặc biệt cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia do UBND tỉnh Hải Dương quản lý, còn lại 7 di tích xếp hạng cấp quốc gia gồm: Đền Chu Văn An, đền Sinh - đền Hóa, khu di tích đền Cao, đền Gốm, đền Quốc Phụ, đền Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai là do các xã, phường quản lý. Những năm trước đây, 7 di tích quốc gia do các xã, phường quản lý trải qua thời gian nhiều di tích đã xuống cấp, hư hại. Do các địa phương còn nhiều khó khăn thiếu kinh phí và thiếu chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh văn hóa, lịch sử, bảo tôn di tích nên các di tích ít được quan tâm nên càng làm cho hiện trạng các di tích ngày càng hư hại, xuống cấp, thậm chí có di tích đã trở thành phế tích.
Khi được thành lập, Ban Quản lý Di tích Chí Linh được giao các nhiệm vụ tham mưu cho UBND thị xã về việc lập dự án quy hoạch các khu di tích danh thắng; tổ chức bảo vệ, quản lý, kiểm kê, bảo tồn, tổ chức hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, sưu tầm, điền dã, khai quật khảo cổ học, tuyên truyền và phát huy giá trị văn hóa của các di tích được giao quản lý; chủ trì, phối hợp với các địa phương có di tích để tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các di tích; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ban quản lý di tích trên địa bàn thị xã, tổ chức các hoạt động dịch vụ tại các khu di tích, kết nối du lịch, quảng bá di tích, danh thắng, danh nhân; tổ chức công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan các khu di tích – danh thắng được giao quản lý. Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Ban Quản lý gặp nhiều khó khăn thách thức, khó khăn nhất đó là các cơ sở, hạ tầng, hiện trạng các di tích hầu như đã xuống cấp, nhiều giá trị phi vật thể đó là các nghi lễ, tín ngưỡng tâm linh, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các di tích bị mai một. Bên cạnh đó, các di tích nằm trên nhiều địa phương và cách xa trung tâm, trong khi đó, cán bộ, nhân viên ít nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Ban Quản lý đã tiến hành tiếp nhận bàn giao di tích từ các địa phương, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của ban, thành lập các tổ quản lý cho từng di tích, tiến hành phân công nhiệm vụ cho các nhân viên. Khảo sát, lập dự án trung tu tôn tạo các di tích xuống cấp trình UBND thị xã để đề xuất với các cấp có thẩm quyền, kêu gọi xã hội hóa để tiến hành trung tu tôn tạo di tích. Tiểu biểu cho giai đoạn những năm đầu thành lập các di tích đền Chu Văn An, đền Nguyễn Thị Duệ, đền Sinh- đền Hóa. Hàng chục tỷ đồng được đầu tư trung tu tôn tạo đã giúp cho các di tích này ngày càng khang trang, hạ tầng di tích khuôn viên, sân, vườn, đường vào các di tích được mở rộng, cảnh trí đẹp mắt. Những năm gần đây các di tích đền Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, đền Cao tiếp tục được đầu tư hàng chục tỷ đồng trung tu, tôn tạo, cải tạo hạ tầng cơ sở di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương về thưởng ngoạn.
Ban Quản lý phối hợp với các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, du lịch, tâm linh để tìm hiểu những giá trị của từng di tích, khối phục, phục dựng những di vật, hiện vật và các nghi lễ, tín ngưỡng của từng di tích đã bị mai một để nâng cao quy mô, chất lượng các lễ hội truyền thống của từng di tích. Đơn cử như đền Chu Văn An đã khôi phục nét đẹp khai bút đầu xuân, tổ chức lễ hội về nguồn trở thành những hoạt động hấp dẫn thu hút giáo giới, học sinh, sinh viên trong cả nước và du khách thập phương về tham dự. Những hoạt động văn hóa đẹp này đã trở thành điểm nhấn của đền Chu Văn An. Hay như đền Cao cũng được tiếp tục duy trì các hoạt động tín ngưỡng, sự lệ cổ truyền tại đây. Lễ hội truyền thống đền Cao vào tháng Giêng được tổ chức quy mô hơn, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được khôi phục và đưa vào lễ hội như hội thi giã bánh dầy, giải vật truyền thống, kéo co, nhảy bao bố. Đặc biệt trong lễ hội truyền thống năm 2017, Ban Tổ chức đã nâng cấp hoạt động tín ngưỡng về ban Khước thánh thành một nghi lễ trang trọng… Ngoài ra, nhiều hoạt động lễ hội truyền thống tại các di tích đền Sinh - đền Hóa, chùa Thanh Mai cũng được khôi phục khiến cho các hoạt động lễ hội tại các di tích ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách thập phương.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng được lãnh đạo Ban Quản lý quan tâm. Ngoài việc tuyển dụng nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học từ các chuyên ngành lịch sử, văn hóa, du lịch, giáo dục, kế toán… lãnh đạo ban còn luôn khuyến khích các cán bộ, nhân viên không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều cán bộ học cao học và có bằng thạc sĩ, nhiều cán bộ, nhân viên được cử tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ về hướng dẫn viên du lịch và các kỹ năng nghiệp vụ khác. Ban Quản lý còn mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ và các kỹ năng tổ chức hoạt động ngoài trời cho học sinh. Hằng năm, tổ chức các hội thi cắm hoa để giúp các nữ nhân viên nâng cao nghiệp vụ sắm lễ tại các di tích... Vì vậy chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý ngày càng được nâng cao, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ ngày càng đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Bến cạnh đó, Ban Quản lý còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến tỉnh, trên trang Website: Dulichchilinh.com của Ban và trên các trang mạng xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến du lịch mời gọi các công ty lữ hành du lịch, các trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố giới thiệu, xây dựng các tua du lịch. Chính vì vậy những năm gần đây, những thông tin, hình ảnh về các điểm di tich do Ban Quản lý Di tích Chí Linh quản lý được đăng tải thường xuyên khiến được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới. Vì vậy hằng năm, các di tích đền Chu Văn An, đền Nguyễn Thị Duệ, đền Cao, đền Sinh - đền Hóa, chùa Thanh Mai… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách về tham quan các di tích này.
Đó là thành quả của tập thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh phấn đấu đạt được trong suốt 10 năm qua. Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, Ban Quản lý Di tích Chí Linh tiếp tục nỗ lực phấn đấu để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm về việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của các di tích; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng công tác tuyên truyên quảng bá, tăng cường các hoạt động dịch vụ, xúc tiến du lịch, xây dựng các tua, tuyến du lịch để các di tích Chí Linh trở thành điểm hấp dẫn thu hút du khách.
Dulichchilinh.com
Call: 093.880.2222
Tác giả bài viết: Kim Xuyến