Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An tọa lạc tại phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây bao gồm một quần thể kiến trúc bề thế, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Vạn Thế Sư Biểu - Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An
Thầy giáo Chu Văn An sinh vào tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1292) nguyên có tên là Chu An, tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, thụy là Khang Tiết. Thầy là người thôn Văn, xã Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
Thầy Chu nổi tiếng là người thông kinh bác sử, tài danh đức độ hơn hẳn so với các nho sĩ đương thời. Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã sớm có nghị lực, tính tình thẳng thắn cương trực, chuyên cần học tập và nghiêm khắc sửa mình. Vào năm 16 tuổi thầy thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về quê dựng một ngôi nhà nhỏ ở Huỳnh Cung, mảnh đất gần với thôn Văn để dạy học. Nghe danh thầy giáo Chu Văn An tài năng và đức độ nên học trò từ khắp nơi tìm về trường Huỳnh Cung theo học rất đông, trong đó đã có rất nhiều học trò đã đỗ đạt cao, giữ được đức thanh liêm và làm nên được sự nghiệp lớn như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh .
Tiếng thơm của thầy Chu Văn An vang đến tận kinh đô Thăng Long, vua Trần Minh Tông vì cảm phục tài năng của thầy nên đã mời thầy làm Tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử và con của các quan đại thần khi mới ngoài 20 tuổi. Thầy mừng rằng Hoàng thượng đã coi việc học là trọng để duy trì xã tắc nên muốn góp công sức của mình để vun đắp.
Đến thời vua Trần Dụ Tông, thầy giáo Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” xin nhà vua chém đầu bảy tên gian thần nhưng không được vua chấp thuận nên thầy đã từ quan, treo mũ ở cửa Huyền vũ về ở ẩn, tiếp tục dạy học và ngao du thiên hạ. Khi đặt chân đến mảnh đất Chí Linh với cảnh đẹp non xanh thủy tú, có núi Phượng Hoàng bảy mươi hai ngọn, có núi Kỳ Lân kế bên, suối trong rì rào, có sông Thanh Lương uốn khúc đã lưu chân Thầy. Tại nơi đây thầy lấy tên hiệu là Tiều Ẩn dựng nhà để dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ và viết sách để lại cho hậu thế. Các tác phẩm của thầy rất nổi tiếng như “Tứ thư thuyết ước”, “Quốc âm thi tập”, “Tiều ẩn thi tập”...
Ngày 26 tháng 11 năm 1370, Thầy giáo Chu Văn An qua đời tại núi Phượng Hoàng hưởng thọ 78 tuổi. Khi hay tin thầy mất, vua cho quan triều đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, ban thụy là Khang Tiết và cho phối thờ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên thời Lê Thánh Tông có lời bàn rằng “Những nhà nho ở nước Đại Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ tới công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ỏ đời Trần có lẽ gần được như thế...”.
Tháng 11/2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành ᴠiên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An. Như ᴠậу, cùng ᴠới Anh hùng dân tộc Nguуễn Trãi, Đại thi hào Nguуễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầу Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An là công trình lớn nhất trong khu di tích Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh. Tuy nhiên trải qua thời gian và chiến tranh đến những năm 80 của thế kỷ trước ngôi đền đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Trước thực trạng đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước, được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND phường Văn An và ngành giáo dục cùng bà con địa phương đã tiến hành một cuộc đại trùng tu và tôn tạo lại đền. Sau hai giai đoạn trùng tu, đến năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: nghi môn nội, nghi môn ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính, lăng mộ và Điện lưu quang.
Hàng năm, tại khu di tích, “Lễ khai bút đầu xuân” vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) và “Lễ hội về nguồn” vào ngày 26 tháng 11 (âm lịch) đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong giáo viên và học sinh, sinh viên.
Khi đến với đền thờ thầy giáo Chu Văn An, du khách thường xin chữ tại đền thầy để cầu lộc cầu tài. Sinh thời, thầy Chu đã cho chữ rất nhiều người và khi ở ẩn tại núi Phượng Hoàng cũng vậy. Ở núi Phượng Hoàng, chữ được viết bằng mực son đỏ tươi, son được lấy từ Giếng Son dưới núi và thầy dùng mực son này để viết chữ cho mọi người. Người làm quan được thầy cho chữ “Liêm”, chữ “Chính”, chữ “Tâm”, chữ “Đức”...; học trò được thầy cho chữ “Học”, chữ “Minh”, chứ “Trí”... tuy thầy đã đi xa hơn 7 thế kỷ, nhiều di tích có liên quan đến thầy cũng thay hình đổi dạng nhưng nét văn hóa “Xin chữ” ở đền thầy vẫn được vào tồn và lưu truyền cho đến ngày nay. Chữ vẫn được viết bằng màu mực son đỏ, đây là nét độc đáo chỉ có ở đền thờ thầy Chu Văn An mà không phải di tích nào cũng có được. Ngoài xin chữ, nhiều du khách đến đây còn muốn xin lộc học hành, thi cử bằng cách dâng sách, vở, bút có biểu tượng “ Chu Văn An linh từ” vào đền rồi xin về cho con cháu viết lấy khước.
Tên tuổi của thầy giáo Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc danh sư, bậc danh nho tiêu biểu của nước Đại Việt. Thầy được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” tức người thầy của muôn đời. Sự nghiệp của thầy là sự nghiệp của một nhà giáo mẫu mực muôn đời, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Với những giá trị đặc biệt quan trọng, năm 1998 đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.