DI TÍCH ĐÌNH CHÚC THÔN (PHƯỜNG CỘNG HÒA - TP. CHÍ LINH - HẢI DƯƠNG)

Đình Chúc Thôn được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX là nơi tôn thờ năm vị thành hoàng là Nguyễn Sùng hiệu Cao Sơn, Nguyễn Hiển hiệu Quý Minh, Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm, Nguyễn Môn Chính Thất hiệu Từ Cẩn và con trai của 2 người là Nguyễn Đình Viên.
Đình Chúc Thôn nằm ở KDC Chúc Thôn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngôi đình đặc biệt ở chỗ thờ tới 5 vị Thành hoàng, trong đó có 3 vị là thành viên trong một gia đình.

Thành hoàng Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm (1603 - ?), làm quan trong khoảng 30 năm từ thời vua Lê Hy Tông đến thời vua Lê Dụ Tông và trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Vào khoảng năm 1676 niên hiệu Chính Hòa, cụ đưa con cháu về Chi Ngại (nay là Chi Ngãi, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) phục hồi xây dựng cơ nghiệp tổ tiên, mở mang đồng ruộng, đắp đập, khai mương dẫn thủy, nhập điền từ Chi Ngại đến chùa Côn Sơn để con cháu và nhân dân làm ăn sinh sống. Cụ Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm được coi là thủy tổ của dòng họ Nguyễn tại đây. Cụ là người đề xuất với vua miễn sưu thuế cho dân địa phương, bỏ 300 quan tiền ra để tu bổ chùa Côn Sơn (hiện văn bia ở chùa Côn Sơn vẫn còn ghi).

Nguyễn Môn Chính Thất có vai trò rất lớn trong việc cùng với phu quân hướng dẫn, chỉ dạy nhân dân mở mang đất đai, thủy lợi, truyền thụ kinh nghiệm sản xuất… Cụ được triều Lê sắc phong là “Âm an nhân tặng phong Đẳng phu nhân” và Nguyễn triều vua Khải Định sắc phong “Nghi giám thánh mẫu, Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” .

Thành hoàng Nguyễn Đình Viên (1657 - 1742) là con trai của Nguyễn Công Tự Phúc Nghiêm và Nguyễn Môn Chính Thất. Ông làm quan từ cuối thời vua Lê Hy Tông đến đời vua Lê Ý Tông. Trong 21 năm làm quan, giống như cha, ông đã trải qua nhiều chức vụ trong triều. Ông được sắc phong “Vược Lộc Bá Nguyễn Thọ Viên tướng Công” tôn thần hộ quốc tý dân, liếp trước linh ứng tứ linh chính trị. Năm Giáp Thìn 1724, ông xuất gia, được vua giao trông nom, hương khói chùa Côn Sơn. Ông là một trong những người có công lao trùng tu chùa Côn Sơn, xin vua miễn trừ các việc phu dịch cho nhân dân địa phương… nên dân làng rất tôn sùng, kính trọng.

Do có nhiều công trạng với triều đình và nhân dân, cả 3 vị đã được các triều vua ban tổng cộng 5 sắc phong và cùng được người dân địa phương tôn là thành hoàng. Trải qua thời gian, hiện đình Chúc Thôn chỉ còn lưu giữ được 1 sắc phong “Nghi giám thánh mẫu, Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần” do vua Khải Định đồng ban cho cụ Nguyễn Môn Chính Thất và con trai Nguyễn Đình Viên.

Đình Chúc Thôn được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Năm 1949 đến 1951 Đình Chúc Thôn bị thực dân Pháp dồn dân lập vành đai cách ly dân với cách mạng, qua 2 lần dồn dân làng Chúc Thôn trong đó có Đình Chúc Thôn bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1997 Đình Chúc Thôn được trùng tu, tôn tạo lại. Ngôi đình gồm 2 gian hậu cung, 5 gian tiền bái, được xây dựng theo lối kiến trúc khá hiện đại. Năm 2009 Đình Chúc Thôn được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh
Nghi môn đình Chúc Thôn
Đình Chúc Thôn
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh

Theo lệ cổ trước kia, vào ngày 14 và 15.10 âm lịch hằng năm, dân làng Chúc Thôn lại tổ chức lễ hội để dâng hương, chiêm bái, tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng. Sau này vua Khải Định ấn định ngày giỗ chung cho cả 5 vị thành hoàng ở đình Chúc Thôn là ngày 5 tháng11 âm lịch. Kể từ đó, cứ vào ngày 4 và ngày mùng 5 tháng 11 âm lịch hằng năm, khu dân cư Chúc Thôn lại tổ chức lễ hội truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đông đảo nhân dân tham gia.
 
 
Hoạt động thể thao tại lễ hội đình Chúc Thôn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây