Ngày 14/01/2017, Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, văn nghệ dân gian do Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam làm trưởng đoàn cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian, du lịch gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội, cùng cán bộ, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.
Mục đích của khảo sát, điền dã nhằm tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng dân gian ở di tích Đền Sinh, Đền hóa và nghệ thuật hát văn của làng văn hóa An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (Hải Dương) để gắn với việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Đoàn đã nghe lãnh đạo Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh, lãnh đạo thôn An Mô, xã Lê Lợi giới thiệu về Di tích Đền Sinh Đền Hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu và lịch sử nghệ thuật hát văn của làng An Mô.
Di tích Đền Sinh thờ Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn trong tư thế sinh nở. Còn Đền Hóa thờ Đức Thánh Hiệu Thiên Phi Bồng, nguyên là một vì sao trong chòm sao Bắc Đẩu giáng hạ, nhiều lần hiển linh giúp dân ta đánh giặc ngoại xâm, ban phúc lộc cho quốc phú dân cường.
Theo “Thần tích Bia ký”, vào Thời Tiến Lý năm 544, tại khu đất nay là thôn An Mô, xã Lê Lợi vào giờ Dần, ngày 8 – 5 Thánh Hiệu Thiên Phi Bồng giáng trần trong hình hài một đứa trẻ tại một khe đá lớn giống hình người đàn bà trong tư thế sinh nở. Khi được đám trẻ chăn trâu rước về làng thì Ngài hóa. Từ đó, người dân địa phương lập miếu thờ phụng. Anh linh Ngài thường hiển ứng để hộ quốc an dân.
Đền Sinh, Đền Hóa là di tích gắn liền với tín ngưỡng Tứ Phủ của Đạo Mẫu trong tâm thức người Việt từ ngàn đời nay. Ngoài ra, nhiều nhiều nghi lễ độc đáo khác như rước kiệu bay…
Nghệ thuật hát Văn ở làng An Mô, xã Lê Lợi có từ hàng trăm năm nay. Có nhiều giai đoạn nghệ thuật hát Văn ở An Mô bị mai một. Những năm gần đây, nghệ thuật hát Văn ở An Mô đã được khôi phục và phát triển rộng rãi trong làng. Hiện làng An Mô có hàng trăm người biết hát Văn, trong đó có trên 30 người làm nghề hát Văn chuyên nghiệp. Đặc biệt, nhiều người thường xuyên lên Đền Sinh, Đền Hóa để biểu diễn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng hầu đồng của nhân dân và du khách thập phương.
Sau khi khảo sát các di tích, tìm hiểu các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian và hỏi chuyện các những người biết hát Văn ở An Mô, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là vùng đất có nhiều tiềm năng gắn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian với phát triển du lịch tâm linh.
Nếu phát huy tốt có thể thu hút khách du lịch đông gấp từ 5 – 10 lần so với hiện nay. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị Ban Quản lý cần tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng nghiệp vụ, du lịch; đa dạng các hoạt động truyền thông quảng bá đến đông đảo du khách thập phương.
Đối với nghệ thuật hát Văn ở An Mô, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá cao và coi đây là nét văn hóa độc đáo của địa phương. Tuy nhiên, trước mắt địa phương cần lựa chọn ra những nghệ nhân tiêu biểu nhất để lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Đồng thời cần tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa nghệ thuật hát Văn để phối hợp với Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh để phục vụ tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương qua đó để phát triển hơn nữa hoạt động du lịch tâm linh.