Khai hội truyền thống đền Cao năm 2019
Sáng 27/2 (tức 23 tháng Giêng), tại đền Cả (thôn Đại, xã An Lạc), Ban Tổ chức Lễ hội đền Cao thị xã Chí Linh tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương và khai hội truyền thống đền Cao năm 2019.
Dự buổi lễ có đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Chí Linh; đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương; đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Chí Linh; đồng chí Nguyễn Đức Hóa, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường của thị xã, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đã lên đọc diễn văn tưởng niệm các đức Thánh họ Vương và khai hội đền Cao.
Tương truyền, 5 đức thánh họ Vương được sinh ra tại Dược Đậu Trang (nay là xã An Lạc) trong một bọc 5 trứng, sinh 3 con trai, 2 con gái. 3 con trai được đặt tên là Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, 2 con gái là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Thuở nhỏ, cả 5 anh em đều được cha mẹ cho ăn học, tinh thông văn võ. Năm 981, khi quân Tống sang xâm lược nước ta, Vua Lê Đại Hành dẫn quân đến Dược Đậu Trang dừng lại và chọn nơi đây lập đại bản doanh chống Tống. Tại đây Vua cho tuyển thêm quân, 5 anh em họ Vương đã chứng tỏ được tài thao lược nên đã được nhà Vua phong chức tướng quân. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, 5 vị tướng họ Vương đã lập được nhiều công lao to lớn, góp phần giúp quân ta giành chiến thắng cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Khi ca khúc khải hoàn, 5 vị tướng họ Vương xin phép được ở lại quê hương để chịu tang cha mẹ và đến nửa đêm thì 5 vị tướng họ Vương đã “hóa” về trời. Nhớ công ơn 5 vị tướng họ Vương, Vua Lê Đại Hành đã cử các quan đại thần về viếng, chỉ đạo chức sắc và nhân dân địa phương lập đền thờ, phong tước cho 5 anh em. Đền Cao được nhiều triều đại sau này ban sắc phong. Trải qua thời gian, cụm di tích đền Cao nhiều lần bị xuống cấp và đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, quần thể khu di tích đền Cao gồm 4 di tích gồm: Đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức Thánh và 2 người con gái là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, đền Cao thờ con trai lớn là Vương Đức Minh, đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân, đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng. Năm 2018, quần thể di tích đền Cao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là quần thể khu di tích quốc gia đền Cao.
Kết thúc diễn văn, đồng chí Trưởng ban Tổ chức lễ hội Nguyễn Văn Huỳnh đã gióng trống khai hội truyền thống đền Cao năm 2019.
Sau phần văn tế, các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thị xã, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính làm lễ dâng hương. Tiếp đó, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương thực hành nghi thức lễ rước bộ từ đền Cả về đình Lạc Đạo.
Theo kế hoạch, Lễ hội Truyền thống đền Cao năm 2019 được tổ chức trong 3 ngày, từ 26 đến 28/2 (tức ngày 22 đến 24 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Lễ hội có nhiều hoạt động về phần lễ như: Lễ mộc dục, tế khai xuân, lễ rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, lễ ban “Khước” Thánh, lễ tưởng niệm ngày mất 5 đức thánh họ Vương, tế nghinh, lễ rước bộ, tế yên vị, tế đập đất, vật đập đất, lễ tạ hội. Về phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đậm bản sắc địa phương như: hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, tổ chức các giải thể thao và trò chơi dân gian truyền thống, tổ chức giải vật truyền thống.
Dulichchilinh.com
Call: 093.880.2222
Tác giả bài viết: Kim Xuyến