Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai - Những “viên ngọc” mang tầm quốc tế

Tọa lạc tại tỉnh Hải Dương và nằm trong hệ thống quần thể di tích - danh thắng Yên Tử, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai là những “viên ngọc” mang giá trị văn hóa vượt thời gian đang từng bước vươn tầm ra thế giới. Di tích Côn Sơn và Thanh Mai là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử về cuộc đời hành đạo của Trúc Lâm Tam Tổ, còn khu di tích Kiếp Bạc mang đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tới 3 khu di tích này, các thế hệ con cháu sau này có thể cảm nhận không chỉ giá trị về mặt tôn giáo mà còn được sống lại giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của triều Trần (kéo dài từ năm 1226 đến năm 1400).
Côn Sơn
Là một trong những trung tâm Phật giáo, gắn với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, khu di tích Côn Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp tươi mát, u tịch của núi rừng và những giá trị văn hóa, lịch sử. Khu di tích Côn Sơn có diện tích khoảng 413 ha, bao gồm các điểm di tích như: Chùa Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, Giếng Ngọc, Đền thờ Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc linh từ, Đền Thanh Hư, suối Côn Sơn, cầu Thấu Ngọc… Trong đó, chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự là di tích quan trọng.
Di tích Chùa Côn Sơn

Cuối thế kỷ XIII, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của các giáo phái đương thời, vua Trần Nhân Tông đã sáng lập dòng Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Ngay từ khi thành lập tông phái, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã chọn Côn Sơn xây dựng liêu Kỳ Lân làm nơi hành đạo, giáo độ tăng đồ, đặt nền móng cho sự phát triển của dòng Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1308, Pháp Loa được trao quyền nối dõi tông phái, trở thành Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm. Chùa Côn Sơn dưới thời Pháp Loa được xây dựng, tôn tạo trở thành một trong những trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm. Năm 1330, thiền sư Huyền Quang kế tiếp tông phái Trúc Lâm, trở thành Đệ tam tổ Trúc Lâm. Dưới sự trụ trì của thiền sư Huyền Quang, di tích Côn Sơn đã được mở mang, lập đài Cửu Phẩm liên hoa, mở rộng tăng viện Kỳ Lân, phát hiện ra Giếng Ngọc. Trải qua trên 700 năm phát triển, Côn Sơn Thiên Tư Phúc đã trở thành quốc tự, điểm hành hương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của tăng ni, phật tử, đồng bào cả nước.
Kiếp Bạc                                              
Khu di tích Kiếp Bạc nằm ở trung tâm của thái ấp, đại bản doanh Vạn Kiếp, nơi ghi dấu đậm nét cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng tài giỏi, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258 - 1288). Đền Kiếp Bạc được xây dựng trên nền phủ đệ cũ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với diện tích 13.500 m2. Đây là nơi thờ và cũng là nơi gắn liền với Hưng Đạo Vương sau khi đại thắng quân Nguyên. Chính tại nơi này, Hưng Đạo Vương đã đúc kết kinh nghiệm trong chiến tranh giữ nước, biên soạn tập binh thư “Vạn Kiếp bí truyền”.
Di tích Đền Kiếp Bạc

Ở Kiếp Bạc, mỗi dấu tích, cảnh vật đều là minh chứng của thời kỳ chống giặc Nguyên – Mông. Những ngày không vào mùa lễ hội, khách thăm quan có dịp lắng lòng nghe tiếng sóng sông Lục Đầu hay gió từ thung lũng dội về như âm vang, khí thế của ba quân. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là tác động của các cuộc chiến tranh, nhiều công trình của khu di tích đã bị phá hủy, xuống cấp, thậm chí biến mất. Những năm gần đây, một số công trình đã được Nhà nước quan tâm tu bổ, tôn tạo và tiến hành nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Các đợt thăm dò, khảo cổ tại Kiếp Bạc đã cho chúng ta phần nào thấy được tính nguyên vẹn của di tích.  
Chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương. Theo các văn bia để lại, chùa được tôn tạo và mở rộng vào năm Khai Hựu (1329). Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo, một trong ba chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nơi tu hành của Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang. Chùa Thanh Mai còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như Viên Thông bảo tháp xây dựng năm 1330, tháp Phổ Quang, tháp Linh Quang, cùng 7 tấm bia thời Trần và thời Lê. Tháng 7/2021, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thực hiện chuyến nghiên cứu, khảo sát và phát hiện 3 khu vực di tích cách chùa Thanh Mai hiện nay theo hướng lên đỉnh dãy Yên Tử, được đặt tên lần lượt là Thanh Mai 2 (cách chùa Thanh Mai hiện nay 400m), Thanh Mai 3 (cách chùa Thanh Mai hiện nay 1.600m) và Thanh Mai 4 (trên đỉnh núi Tam Ban). Để củng cố tư liệu về Thiền phái Trúc Lâm, phục vụ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể khu di tích và danh thắng Yên Tử (trong đó có chùa Thanh Mai) là Di sản văn hóa thế giới, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật tại vị trí ngôi chùa Thanh Mai 2 và tìm thấy gần 1.000 di vật có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn.
Di tích Chùa Thanh Mai

Những giá trị của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai đang đóng góp tích cực vào hành trình cả vùng di tích Yên Tử trở thành di sản thế giới. Những dấu tích kiến trúc khai quật được là nguồn tư liệu quan trọng mang tính xác thực cao, cho phép xác định rõ hơn giá trị tổng thể của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai và mang lại nhiều nhận thức mới, có giá trị rất lớn trong việc bổ sung tư liệu cho hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để khu di tích này được công nhận mang tầm thế giới.

Tác giả bài viết: Báo Văn Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây