Hội thảo khoa học “Phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Hội thảo khoa học “Phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Chiều 19/5 tại TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Chí Linh, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương”.
Dự hội thảo có Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Giáo sư Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; Đ/c Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Cùng dự hội thảo có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như: PGS. TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Tiến sĩ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam); PGS.TS. Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng Khoa Lịch Sử (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, còn có lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh, của thành phố Chí Linh, cũng như lãnh đạo địa phương nơi có 2 di tích là phường Hoàng Tiến, phường Văn An.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chào mừng và gửi lời chúc sức khoẻ tới các nhà khoa học, các đại biểu dự hội thảo.
Qua hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành của Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các Thượng tọa, Đại đức, tăng ni. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục làm rõ hơn nữa giá trị của di tích chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên. Phát hiện và sưu tầm thêm những tài liệu mới liên quan đến di tích, góp phần chứng minh giá trị, vai trò của chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên trong hệ thống di tích tỉnh Hải Dương nói chung và hệ thống di tích thiền phái Trúc Lâm nói riêng.
Trên cơ sở kết quả của cuộc hội thảo, tham mưu đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương cho phép tu bổ, tôn tạo và phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương tương xứng với quy mô, tầm vóc của di tích. Từ đó kết nối với các di tích trọng điểm Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đền thờ giáo Chu Văn An và các di tích trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 29 bài tham luận của các nhà khoa học trung ương như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khảo cổ học, Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Bảo tàng lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch); khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); các cơ quan ban ngành của tỉnh Hải Dương...
Tại hội thảo đã có 9 tham luận, ý kiến được trình bày, tập trung vào 2 chủ đề chính:
Chủ đề thứ nhất: Các nhóm tham luận, ý kiến tập trung nêu bật giá trị của di tích chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên từ góc độ vị trí địa lý trên vùng đất địa linh nhân kiệt Chí Linh; về giá trị lịch sử, văn hoá được thể hiện qua các nguồn sử liệu, thư tịch cổ; về lịch sử hình thành và phát triển gắn với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm; về diễn biến kiến trúc của di tích qua các thời kỳ lịch sử Trần - Lê - Nguyễn; về giá trị di tích từ góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, trong mối quan hệ với điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của vùng đất Chí Linh giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái gắn với các địa danh của không gian núi Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên.
Chủ đề thứ hai: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá chùa Ngũ Đài (phường Hoàng Tiến) và chùa Huyền Thiên (phường Văn An), thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương với nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của 2 di tích này.
Trong đó có những ý kiến đề xuất những nội dung mang tính chất định hướng bảo tồn, phát huy giá trị 2 di tích như: Công tác quản lý, tôn tạo cần hướng tới sự phát triển bền vững, tránh tình trạng tu bổ, phục dựng sai nguyên tắc luật định, kết hợp hiện đại với truyền thống, hoàn thiện hệ thống giao thông, đào tạo tăng tài.
Có tham luận, ý kiến nhấn mạnh việc nghiên cứu giá trị vật thể của di tích đi đôi với việc nghiên cứu, phát huy giá trị Phật giáo Trúc Lâm, về tư tưởng Phật giáo, tinh thần Phật giáo Trúc Lâm; tôn tạo phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật Di sản văn hóa cũng như những quy trình, bài bản về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Có những ý kiến đề xuất những nội dung bảo tồn, phát huy giá trị 2 di tích một cách cụ thể trực tiếp vào phương án tôn tạo, phục dựng di tích như: Khôi phục, bảo tồn cần dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn, tôn tạo các di tích cổ, lưu ý đến tính truyền thống của di sản chùa tháp miền Bắc và lựa chọn giai đoạn lịch sử cụ thể để khôi phục.
Thực hiện công tác, tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích gắn với bảo vệ yếu tố gốc; hoặc đề xuất mở rộng thăm dò, khai quật khảo cổ, bảo tồn nguyên trạng các lớp kiến trúc đã phát hiện tại di tích, bảo vệ môi trường, cảnh quan, không gian di tích; Hoặc góp ý rất cụ thể cho phương án quy hoạch kiến trúc của 02 di tích về vị trí, phương hướng, việc bố trí các hạng mục cụ thể.
Một số tham luận đề xuất các giải pháp phát triển tiềm năng du lịch tại 2 di tích, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương…
Có thể thấy, các ý kiến, tham luận tại hội thảo đều đồng nhất quan điểm những giá trị về lịch sử - văn hóa của chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên là rất lớn, rất xác thực, đặc biệt đối với việc tìm hiểu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và lịch sử - văn hóa dân tộc nói chung. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hoá, tôn giáo các di tích chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên tương xứng với quy mô, giá trị di tích đã từng tồn tại trong lịch sử.
Chùa Ngũ Đài thuộc phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, căn cứ kết quả khai quật khảo cổ năm 2019 - 2020, đã phát hiện nền móng, hiện vật từ thời Trần (thế kỷ 13, 14), thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) và kéo dài đến thời Nguyễn (thế kỷ 19, 20); là một đại danh lam cổ tích, có vị trí quan trọng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Huyền Thiên tại phường Văn An (TP Chí Linh) còn có tên gọi là động cổ Vân Tiên. Tương truyền Huyền Vân cư sĩ, người Chí Linh đã đến đây luyện thuốc trường sinh. Vào thời nhà Trần, chùa Huyền Thiên là một danh lam cổ tích, nơi lưu dấu Trúc Lâm Tam Tổ, Vua Trần Thánh Tông, cùng các danh nhân: Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Một số hình ảnh tại hội thảo:
z4359378524371 c522e412f74a0fcc76856138aa954ffd
z4359378532164 149c09c4066eadffcc1d30a464914d04
z4359378515052 09eb47970fa9177ed4f0a8f5bc78e9dc
z4359378499365 0536ac679b4113afd438790021a3399a
z4359378504034 2d3e9ab1f0e46c20729a61066de2d8ad


 

Tác giả bài viết: Ban Quản Lý Di Tích Chí Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
hotline
Bản đồ du lịch Chí Linh
map chilinh
Bài viết được xem nhiều
lien he qc
Mạng xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây