Chuyện tiết tháo của thầy Chu

Chuyện giáo dục, thi cử trong những ngày qua ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đang là câu chuyện thời sự nóng hổi, gây sự chú ý quan tâm, bức xúc cho nhiều thí sinh, phụ huynh và dư luận toàn xã hội. Ẩn sau những chuyện lùm xùm này, đã bộc lộ nhiều bất cập của ngành giáo dục, trong đó vấn đề đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành giáo dục ngày càng suy thoái, xuống cấp trầm trọng ? Bằng chứng, hàng loạt cán bộ của ngành giáo dục ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị bắt hoặc đang bị dư luận mổ xẻ bởi sai phạm trong việc sửa điểm thi của thí sinh. Dưới góc nhìn về vấn đề đạo đức của người làm thầy, trang Web site: Dulichchilinh.com có bài viết: “Chuyện tiết tháo của thầy Chu” để chúng ta có dịp “ôn cố tri tân”, để trân trọng hơn về hình ảnh người thầy Chu Văn An và cũng là niềm mong mỏi những thầy, cô giáo, cán bộ ngành giáo dục hiện nay noi gương người thầy muôn đời Chu Văn An để vững bước trong sự nghiệp “trồng người”.
         
img 3339

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An
  
Sau khi 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, nước ta bước vào giai đoạn thái bình, nhân dân yên ổn làm ăn, sản xuất. Đến thời vua Trần Minh Tông trở đi, tuy vẫn có nhiều trung thần Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Chu Văn An… nhưng vua lại ưa dùng nịnh thần, xa lánh trung thần không nghe can gián của trung thần nên chính sự của đất nước không sáng sủa như các đời vua trước. Những năm sau đó triều Trần ngày càng suy yếu, chính sự đất nước đi vào rối ren.
Trong bối cảnh đất nước như thế, Chu Văn An mặc dù đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về quê nhà ở Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) mở trường Huỳnh Cung dạy học. Học trò theo học rất đông, nhiều học trò ở những địa phương xa xôi như Phạm Sư Mạnh ở Hải Dương, Lê Quát ở Thanh Hóa cũng tìm đến xin được học chữ thầy Chu. Sau đó, các học trò của thầy Chu là Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đỗ đạt cao và ra làm quan. Danh tiếng thầy giáo Chu Văn An ngày càng nổi khắp kinh thành và trong cả nước, học trò theo học càng đông. Nghe tiếng thầy giáo Chu Văn An đạo đức, mẫu mực vua Trần Minh Tông đến thăm và mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc tử Giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Tuy không thích làm quan, nhưng với tấm lòng vì đất nước, những mong mang tâm huyết, tài năng của mình để đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước nên thầy giáo Chu Văn An đã ra nhận chức Tư nghiệp Quốc tử giám.
Đến thời vua Trần Dụ Tông tình hình đất nước rơi vào cảnh suy vi. Vua ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc chính sự, xa lánh trung thần, ưa dùng ninh thần. Bọn hoạn quan, nịnh thần nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều, chúng lũng đoạn tình hình đất nước, hãm hại trung thần, vua xa lánh trung thần, sa vào ăn chơi trụy lạc. Mặt khác, chúng thỏa sức vơ vét ngân khố quốc gia, tham ô, tham nhũng, bóc lột nhân dân bằng nhiều loại thuế phi lý để thỏa lòng tham khiến kinh tế đất nước ngày càng trì trệ, chính sự ngày càng rối ren. Nhìn cảnh tượng triều đình, đất nước như vậy nhiều trung thần lực bất tòng tâm, thất vọng, đau đớn, rồi cáo quan về ở ẩn để tránh xa sự đời nhiễu nhương oan trái mà không có hành động nào để cứu vãn tình hình triều chính, đất nước.
Giữa bộn bề, rối ren đó, Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An đã không chịu im lặng, nhắm mắt trước nạn nịnh thần lũng đoạn triều chính để mong được yên thân như nhiều quan lại khác, với bản tính cương trực, tiết tháo và can trường ông đã dám đứng lên đối mặt với chúng, bằng việc dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém đầu 7 tên quan nịnh thần. Mặc dù theo quy định của triều đình việc khuyên, can gián vua là việc của các quan Ngự sử không phải chức phận của ông nhưng với tấm lòng với đất nước, với nhân dân và ông vẫn nhiều lần can gián và đỉnh cao là “Thất trảm sớ”. Ông cũng biết rằng làm việc này ông sẽ phải đối mặt với một thế lực ghế gớm đó là lũ quan ninh thần có nhiều quyền lực và lại được vua “chống lưng” chúng có thể quay lại hãm hại, giáng tai họa xuống đầu ông và người thân gia đình ông như bao bậc trung thần khác nhưng ông vẫn làm công việc này. Dù Chu Văn An là thầy của vua nhưng vì được vua yêu quý, bao che mà 7 tên quan nịnh thần thoát tội. Sau ghi dâng sớ, thay quần áo quan bằng quần áo dân thường và rời bỏ kinh thành Thăng Long về quê. Sợ mẹ già, người thân bị liên lụy nên ở nhà được mấy hôm, thầy giáo Chu Văn An về núi Phượng Hoàng (nay phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở ẩn, mở trường dạy học.
Lịch sử không lưu lại bản “Thất trảm sớ” và ngay cả đương thời cũng không ai biết nội dung bản sớ và bẩy tên quan nịnh thần trong bản sớ là ai. Nhưng trong bộ tiểu thuyết lịch sử “Vương triều sụp đổ” nhà văn Hoàng Quốc Hải đã vạch ra bảy tên quan nịnh thần mà Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An vạch mặt trong “Thất trảm sớ” gồm: Hoạn quan Chi hậu Cục Mai Thọ Đức, cải quản việc hậu cung, tuyển chọn phi tần, mỹ nữ, kẻ chuyên bày trò dâm ô trụy lạc dẫn vua vào con đường ăn chơi trác táng, bỏ bê việc triều chính. Trâu Canh, viên ngự y, xui vua làm trò vô đạo, trái luân thường đạo lý. Bùi Khoan, giữ chức Chính Trưởng Phụng Ngự, chuyên bày trò cờ bạc rượu chè trong cung thật. Văn Hiến Hầu, can tội gây bè đảng, chia rẽ các quan đại thần, khiến vua không phân biệt được người ngay kẻ nịnh. Nguyễn Thanh Lương, Hành Khiển Tả Ty Lang Trung, kẻ xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi dẫn đến cạn kiệt quốc khố. Hành Khiển Hữu Ty, Hữu Bộc Xạ Tâm Đức Ngưu tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có để bòn rút của dân để dùng vào những cuộc ăn chơi trác táng. Đồng Binh Chương Sự Đoàn Nhữ Cẩu, phạm tội cắt bớt khẩu phần ăn của quân lính, binh khí cũ hỏng không chịu thay mới, bòn rút tiền ngân khố để ăn chơi.
Tuy bản “Thất trảm sớ” không được thi hành nhưng đương thời và các danh sĩ các đời sau đều đánh giá rất cao bản “Thất trảm sớ” và tấm lòng, đức độ của thầy Chu Văn An. Họ coi đây là bản sớ mang dấu ấn lịch sử quan trọng, chỉ nghe thấy “Thất trảm sớ” là đã ca ngợi rồi. Nhà sử học Lê Tung (thế kỷ XV) viết: “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”. Danh sĩ Cao Bá Quát (thế kỷ XIX) có thơ viết: “Thất trảm sớ yêu ma phải rợn lòng/ Trời đất soi chung vầng hào khí/ Nước non còn mãi nếp cao phong”. Hay Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) viết: “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm” (nghĩa là: Thất trảm sớ không được thi hành cả nước bàn luận/ Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng). Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã phải khen: “… Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp Vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế…”.
Sau đó, vua Trần Dụ Tông đã nhiều lần mời ông về triều làm quan nhưng ông kiên quyết từ chối. Lúc đó, vua Trần Dụ Tông có ý không hài lòng. Bà Hiến Từ Hoàng Thái Hậu mẹ Trần Dụ Tông đã nói: "Người ấy là bậc cao sĩ, thanh khiết, nhà vua không thể bắt làm bầy tôi được đâu...". Mặc dù, thầy Chu Văn An đã ở ẩn nơi núi rừng non cao nhưng ông tấm lòng ông vẫn để ý đến tình hình thế sự đất nước. Sau khi, Trần Phủ dẹp loạn Dương Nhật Lễ lên ngôi vua, lấy hiệu là Trần Nghệ Tông, thầy Chu Văn An tuy tuổi cao nhưng vẫn chống gậy về triều chúc mừng vua mới. Vua Trần Nghệ Tông có mời ông tham gia triều chính, ông từ chối không nhận chức gì, sau đó ông lại trở về núi Phượng Hoàng ở cho đến khi mất. Năm 1370, thầy Chu Văn An mất tại núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, Chí Linh (nay là khu di tích Phượng Hoàng, phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) thọ 78 tuổi (1292 – 1370). Sau khi ông mất vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh và cho thờ trong Văn Miếu.
Nhà bác học Phan Huy Chú, thời Nguyễn đánh giá cao về ông: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác đều không thể so sánh được” và ca ngợi ông “làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới thầy giáo giỏi của muôn đời”. Đây là những đánh giá công tâm, đúng tầm về thầy giáo Chu Văn An.
Có một thông tin đáng mừng về thầy Chu Văn An, đó là vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất giao cho Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO vinh danh, tổ chức kỷ niệm ngày sinh. Đây là sự ghi nhận đánh giá cao của thế giới dành cho danh nhân, thầy giáo Chu Văn An. Trước đó, nước ta mới có 2 danh nhân được UNESCO vinh danh, kỷ niệm ngày sinh đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại thi hào Nguyễn Du.
 
 Dulichchilinh.com
Call: 093.880.2222
 

 
 

 

Tác giả bài viết: Tổ Nghiệp vụ- Du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

hotline
Bản đồ du lịch Chí Linh
map chilinh
Bài viết được xem nhiều
lien he qc
Mạng xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây