Khu di tích Phượng Hoàng

.
Khu di tích Phượng Hoàng nay thuộc thị xã  Chí Linh  nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương,  cách thành phố Hải Dương 35km, cách Hà Nội 75 km.
Thị xã Chí Linh:  phía Bắc giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; phía Nam giáp huyện Nam Sách; phía Đông giáp huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, huyện Quế Võ, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
           Địa hình thị xã Chí Linh nằm trong khu vực cánh cung Đông Triều, có hệ thống đồi núi chạy theo hướng từ Đông bắc sang Tây nam. Địa hình nơi đây đa dạng phong phú xen lẫn giữa núi đồi, ruộng đồng là những xóm làng đất đai phì nhiêu trù phú. Xét về địa lý, phong thuỷ, hình sông thế núi của đất Chí Linh, người xưa có câu ca:
" Đông hướng Sài Sơn thiên lĩnh hội;
Tây lai vụ thuỷ Lục Long chầu"
          Tạm dịch là: ở hướng Đông của đất Chí Linh dãy Sài Sơn (núi Yên Tử - vòng cung Đông Triều) hàng nghìn ngọn núi chầu về; ở phía Tây của Chí Linh, nơi tụ thuỷ - 6 con rồng chầu lại (Lục Đầu Giang).
          Về địa thế, mạch núi Đông Bắc từ Tổ sơn Yên Tử, muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt mạch này gắn với 4 linh vật (vùng đất Tứ linh): Long (núi Rồng- đền Kiếp Bạc), Ly (núi Kỳ Lân - chùa Côn Sơn), Quy (núi Quy- chùa Thanh Mai), Phượng (núi Phượng Hoàng- đền Chu Văn An).
Về hình thế sông, 6 con sông hội tụ ở phía tây đất Chí Linh gồm: sông Lục Nam người xưa gọi là sông Minh Đức (Đức sáng); sông Thương gọi là sông Nhật Đức (Đức của mặt trời - là dương); sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (Đức của mặt trăng - là âm); sông Đuống gọi là sông Thiên Đức (Đức của trời); sông Thái Bình còn gọi là sông Phú Lương (thái bình và thịnh vượng) và sông Kinh Thầy là đường kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần.
 Như thế, đất Chí Linh không chỉ là nơi núi sông hoà hợp, sơn thuỷ hữu tình mà còn là nơi tụ đức của trời đất, tụ nhân, mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì vậy, người xưa, đặc biệt là những danh nhân, những vương hầu, quý tộc của các triều đại đã chọn đất này làm nơi quy tụ, ký thác sự nghiệp và cuộc đời. 
          Đền thờ thầy giáo Chu Văn An nằm trong quần thể khu di tích và danh thắng Phượng Hoàng thuộc phường Văn An. Thời Trần, có tên gọi là Kiệt Đặc, vào đầu thế kỷ 19 - thời Nguyễn, khu vực Phượng Hoàng thuộc xã Kiệt Đặc, tổng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng tám, xã Kiệt Đặc đổi thành xã Văn An.
          Di tích, danh thắng Phượng Hoàng gắn liền với tên tuổi thầy giáo Chu Văn An- một danh nhân văn hoá, một người thầy  mẫu mực của muôn đời. Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn - tự là Linh Triệt, thuỵ là Văn Trinh, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1292). Thủa nhỏ, ông sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành ông đạt đến mức thông kinh bác sử, danh lợi không màng, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Tuy có tài nhưng ông không quan tâm đến chốn quan trường mà chỉ ham đọc sách, dạy học. Ông dựng nhà tại quê rồi ở Huỳnh Cung, gần thôn Văn làm trường học tập. Học trò xa gần nghe tiếng thầy An, kéo đến học rất đông, trong số đó có nhiều người hiển đạt, giữ được đức thanh liêm như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, nên mới ngoài 20 tuổi đã được vua Trần Minh Tông (1314- 1329) mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dậy thái tử. Học trò ông nhiều người làm quan lớn trong triều, khi đến thăm thầy vẫn giữ lễ học trò, được ông hỏi chuyện vài câu rồi đi, lấy làm mừng lắm.
          Vua Trần Dụ Tông (1341- 1369), học trò của ông, ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, nhiều lần ông khuyên vua sửa trị, nhưng vua không nghe. Ông dâng Thất trảm sớ chém 7 tên nịnh thần đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý. Vua vẫn bỏ qua, không xem xét. Ông trao trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Ông đặt cho mình một cái tên mới: Tiều Ẩn- một tiều phu ẩn dật trong rừng.
          Tuy Chu Văn An ở chốn lâm tuyền nhưng tấm lòng vẫn đau đáu vận mệnh quốc gia. Và triều đình cũng không quên một nhân tài mẫu mực. Khi triều đình có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế ông đều tâu bầy thẳng thắn, hy vọng giữ vững kỷ cương, quốc thái dân an. Vua thường cho người mang lễ vật đến nhà ban tặng. Ông luôn từ chối và nếu có nhận, lại đem chia cho mọi người. Sau vụ biến loạn Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông lên ngôi, ông cả mừng, tuy đã cao tuổi, vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gì ông cũng không  nhận. Sau lễ bái yết, ông trở lại nhà riêng ở Phượng Hoàng, rồi mất tại đó vào ngày 26/11 năm Canh Tuất (1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, thuỵ là Khang Tiết và cho thờ tại Văn Miếu, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sỹ ở nuớc ta. Học trò làm nhà bên mộ, đến cả năm, tế lễ để tỏ lòng thương nhớ thầy.
 Sinh thời, Chu Văn An biên soạn nhiều sách để dạy học và sáng tác nhiều thơ văn như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập...Với những đóng góp đặc biệt, lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn. Sử thần Ngô Sỹ Liên có lời bàn: “Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt; việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh; cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn; lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta”.
Tên tuổi của Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một danh sư, bậc nho học tiêu biểu của nước Việt. Sự nghiệp của ông là sự nghiệp của một nhà giáo mẫu mực muôn đời, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Người đời sẽ nhớ mãi về ông như những câu thơ của nhà thơ Cao Bá Quát:
                                      “ Trời đất soi chung vầng hào khí
                                         Nước non còn mãi nếp cao phong
                                         Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá
                                         Văn Miếu còn tên, hương khói nồng”.
          Sau khi qua đời, nhà vua đã sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng, nơi ông làm nhà dạy học và sống những năm tháng sau khi thoái triều.
 
MG 8881
Lế dâng hương tưởng niệm 645 năm ngày mất của thầy giáo Chu Văn An
 
 Đền thờ Chu Văn An còn gọi là đền Phượng Hoàng. Căn cứ theo tư liệu lịch sử, văn bia tại di tích đền Chu văn An được xây dựng vào thế kỷ 13,14 thời Trần. Đến nay do mưa nắng các công trình kiến trúc thời Trần không còn nữa. Dựa theo 3 tấm bia nói về thân thế sự nghiệp Chu Văn An và quá trình trùng tu di tích vào các năm (1837, 1841, 1857), cho thấy thời Nguyễn di tích đã được trùng tu tôn tạo lại.  Đến năm 1997, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND xã Văn An và ngành giáo dục đã tiến hành trùng tu tôn tạo lại các hạng mục công trình tại khu di tích. Đợt trùng tu này đã mở 3 km đường vào di tích qua các suối, khe, núi hiểm trở. Trùng tu 8 gian đền lớn, xây dựng nhà bia, tôn tạo lăng mộ. Với ý nghĩa đặc biệt của di tích, năm 1999 Bộ văn hoá thông tin công nhận di tích đền thờ Chu Văn An là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đặc biệt, ngày 20 tháng 11 năm 2008, đền thờ Chu Văn An đã được cắt băng khánh thành đợt trùng tu mới. Theo đó, khu di tích Phượng Hoàng đã được quy hoạch tổng thể với nhiều di tích như đền thờ Chu văn An, Cung tử cực, Điện lưu quang, Miết trì, giếng son, Am lệ kỳ...
 Hiện nay, đền thờ Chu Văn An có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tiền tế và hậu cung, chồng diêm hai tầng tám mái. Hậu cung là nơi thờ riêng của thầy giáo Chu Văn An. Theo như các nhà nghiên cứu phong thủy dân gian thì đền thầy được dựng ở điểm mắt của chim Phượng Hoàng, lấy núi Phượng làm hậu chẩm, núi ngọc làm tiền án, hai bên tả hữu giống như hai sải cánh của chim Phượng Hoàng đang giang lên vẻ đẹp kì ảo này đã dược sách Chí Linh phong vật chí ngợi ca:
Kiệt sơn thất thập nhị phong
Phượng Hoàng đệ nhất trong vùng Chí Linh
Ngoài công trình đền thờ chính, còn có một số di tích tiêu biểu  gắn bó với cuộc đời của thầy như: điện Lưu Quang, cung Tử Cực, đầm Miết Trì, giếng Son, giếng Ngọc...
 
Cách đền khoảng 100m về phía tây là di tớch điện Lưu Quang. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học và địa chí văn hoá khu núi Phượng Hoàng, Điện Lưu Quang là một trong những di tích đại danh lam thời Trần, nơi các vua và quan đại thần đi kinh lý dừng chân thưưởng ngoạn. Công trình đưược xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 14, trùng tu, mở rộng vào thời Lê (TK 18) và đổ nát hoàn toàn vào thời Nguyễn (TK 19).
Điện Lưu Quang hiện nay đã được khôi phục phần chính, kiến trúc theo kiểu “Chồng diêm, cổ các” tám mái, đao cong khá đẹp mắt. Kết cấu gồm 5 gian 2 dĩ chồng rường, đấu sen. Trong điện có thờ tượng thầy- bức tượng quý giá được khai quật ở trong lòng đất, bên trên có bức đại tự với hàng chữ lớn “Vạn thế sư biểu”.
 Giếng Son là điểm độc đáo của di tích Phượng Hoàng gắn với nét văn hóa xin chữ Thánh hiền bằng mực son duy chỉ có ở đền thờ Thầy giáo Chu Văn An.
Phan Huy Chú có viết trong “Dư địa chí”:    “Dưới núi Phượng Hoàng có giếng, đáy giếng có son tốt nhuyễn như bùn, phơi khô thành son. Bên núi có hồ gọi là Miết Trì, tục gọi là Đĩa Son.”
Thầy Chu Văn An đã lấy son ấy mài làm mực, viết lên những áng thơ văn bất hủ, và phê văn chấm bài cho học trò. Nhiều người cảm mến đức độ của thầy đến xin chữ, đều được thầy viết cho một chữ son đỏ tươi.
Ngày nay, Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh  bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh “xin chữ Thánh Hiền” tại đền thờ Thầy giáo Chu Văn An. Chữ được viết bằng mực son đỏ tươi, đây là nét độc đáo riêng chỉ có ở Đền Thầy Chu trên núi Phượng Hoàng.
Đầm Miết trì là nơi mạch nước từ đỉnh núi Phượng Hoàng chảy xuống tụ thủy. Thầy Chu nuôi ba ba trong đầm thể hiện nỗi lòng đau đáu nhớ người học trò Thuỷ thần năm nào đã làm mưa giúp dân qua cơn hạn hán.
Sách Phượng Sơn từ chí lược có đoạn: “  Trên đỉnh núi Phượng Hoàng có nguồn suối ngọt tuôn ra thành khe nước, chảy ào ào xuống núi, nơi nước đọng lại bên lưng chừng núi gọi là ao Miết, nước ngọt ngào có thể uống được, lại chảy ngoằn ngoèo vòng quanh chân núi, phong  cảnh trông thật đẹp đẽ”…
Đầm Miết trì ngày nay được xác định ở hướng Nam, là phần đất trũng ngay trước điện Lưu Quang.
Lăng mộ thầy giáo Chu Văn An tọa lạc ở gần đỉnh phía Đông núi Phượng Hoàng, bên cạnh Giếng Ngọc, giữa một rừng thông bát ngát. Theo truyền thuyết, vị trí đặt mộ thầy chính là đầu của chim Phượng - đỉnh cao của công lý và đức hạnh. ở đó, trong cõi vô thường, người quân tử có thể thấu suốt lẽ đời, thấu hiểu lòng người.  
Năm 2012, lăng mộ thầy Chu Văn An đã được tu bổ, phục hồi bằng chất liệu đá xanh. Trên diện tích 648m2 , bố cục mặt bằng hình chữ nhật trong quách ngoài lăng, phía trước có hương án, phần sân hương án lát đá xẻ xanh xám, các chi tiết thân Mộ được chế tác bằng chất liệu đá mầu xanh xám, đục chạm  theo mẫu trang trí hoa văn thời Trần. Phần kè đá phía trước, phía sau và hai bên tả hữu lăng  bằng đá sa thạch. Bên Lăng có nghiên bút thể hiện đức nghiệp và đạo học mà Thầy Chu vun đắp mãi trường tồn. Hậu trẩm có bức phù điêu đá chạm nổi ba chữ “Đức Lưu Quang”.   
Sách Phượng Sơn từ chí lược của Nguyễn Định Phủ có đoạn: “ Một dải núi vọt lên bảy mươi hai ngọn, quanh co, xanh biếc u nhã. Phía bên trái là núi Kỳ Lân, núi bên phải là núi Phượng Hoàng. Trên đỉnh núi Phượng Hoàng có nguồn suối ngọt tuôn ra thành khe nước, chảy ào ào xuống núi...”
Mạch nước nguồn này cách mộ Thầy Chu chừng 70 m về phía tây. Từ xưa đã được khơi thành một giếng nhỏ, giếng chỉ sâu khoảng 1m và ở gần đỉnh núi nhưng nước vẫn đầy quanh năm. Nước giếng trong văn vắt, ngọt lành (Dân gian cho rằng đó chính là mắt của chim Phượng Hoàng nên còn gọi là giếng Mắt Phượng). Tương truyền khi xưa học trò dựng nhà bên mộ tế lễ khi thầy mất cũng dùng nguồn nước trong giếng dâng cúng và sinh hoạt.
Cách đền Phượng Hoàng 100 m về phía Đông Bắc, bên kia suối là Am Lệ Kỳ (chùa Kỳ Lân). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học, chùa Kỳ Lân là một di tích Phật giáo được xây dựng vào đầu thời Trần (TK 13). Đây là nơi tu hành, thuyết pháp của tăng ni dòng thiền Trúc Lâm thời Trần.
Di tích Chùa Kỳ Lân được trùng tu vào thời Hậu Lê (TK 17 - 18) và đổ nát hoàn toàn vào thời Nguyễn (TK 19). Hiện tại là một di tích khảo cổ học có giá trị cần được bảo vệ và tiếp tục nghiên cứu.
Cùng với việc trùng tu lại di tích, những năm gần đây lễ hội truyền thống đền Chu Văn An đã được khôi phục, đáp ứng ngưỡng vọng của nhân dân. Theo truyền thống lễ hội diễn ra nhằm tưởng niệm đức Chu văn An vào trung tuần tháng 11 và lễ hội khai bút đầu xuân. Trong lễ hội thường diễn ra các lễ rước và lễ tế rất trang trọng và hoành tráng. Đặc biệt, theo bản hương ước của làng Kiệt Đặc,  đền Phương Hoàng khi xưa còn có 2 mẫu ruộng đất cầy cấy hương hoả và phục vụ cho lễ hội. Ngoài ra, trong năm cứ đến tháng 2 và tháng 8, sau ngày Thượng đình dân làng tổ chức lễ tế Văn Miếu tại đền.
 Việc xây dựng đền thờ Chu Văn An hiện nay, cùng với các giá trị văn hoá của di tích được khôi phục đã đáp ứng được mong mỏi của quảng đại quần chúng nhân dân, nhằm tôn vinh danh nhân văn hoá, một nhà giáo mẫu mực Chu Văn An, đồng thời là nơi về nguồn giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo và các giá trị văn hóa to lớn của dân tộc.
Phượng Hoàng  là một trong những nơi sản sinh và hội tụ của nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Trong xu thế hội nhập quốc tế, các giá trị văn hoá, lịch sử của khu di tích sẽ góp phần khẳng định truyền thống văn hoá đặc sắc của dân tộc. Vì vậy định hướng chiến lược trước mắt và lâu dài là:
          - Thực hiện dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của khu di tích. Xây dựng phát triển khu vực này thành khu du lịch cấp quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực. Tạo tiền đề để đề nghị công nhận khu di tích Phượng Hoàng là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
          - Quy hoạch phân định rõ các vùng bảo vệ đặc biệt, vùng đệm và vùng phát triển dịch vụ. Định hướng các nhóm dự án, chương trình đầu tư...để trùng tu tôn tạo di tích và xây dựng hạ tầng cơ sở. Ban hành các quy chế quản lý di tích, đất đai, cảnh quan môi trường, quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, ngăn chặn xử lý các hành vi xâm phạm di tích.
          - Lập kế hoạch trước mắt và lâu dài cho việc thực hiện tôn tạo di tích, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu hệ thống văn hoá vật thể và phi vật thể, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên làm phong phú thêm các giá trị văn hoá của quần thể di tích, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước,tôn sư trọng đạo, lòng tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn, phát huy các giá trị một cách bền vững phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Khu di tích Phượng Hoàng từ khi hình thành cho đến ngày nay, đã khẳng định vai trò và giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng… ở nơi đây đều xuất phát từ truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, ý thức công dân,  lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Trải qua suốt quá trình lịch sử, hệ thống di sản văn hóa Phượng Hoàng được chắt lọc, bổ sung, phát huy ngày càng phong phú, hoàn chỉnh tốt đẹp hơn, góp phần tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc. Chính vì thế việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích Phượng Hoàng- đền thờ Chu Văn An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ thiêng liêng của hôm nay và mai sau./.
                                                                                                                                                                        

 

Nguồn tin: Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
hotline
Bản đồ du lịch Chí Linh
map chilinh
Bài viết được xem nhiều
lien he qc
Mạng xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây