Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

https://dulichchilinh.com


Tưởng nhớ 727 năm, ngày sinh của Vạn thế sư biểu Chu Văn An

Sáng 13/9 (tức 15/8 âm lịch), tại đền thờ Chu Văn An (khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, TP Chí Linh), Ban Quản lý Di tích Chí Linh tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ 727 năm ngày sinh của Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Dự lễ có lãnh đạo, nhân viên Ban Quản lý Di tích Chí Linh.
 
70513306 374971480096383 2184164627212926976 n
 
70628538 401083640550311 1047077026348924928 n
 
70323792 2489237411295861 1929844267698618368 n

Thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thuở nhỏ ông có tư chất thông minh, học giỏi, lớn lên ông thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung.
Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Ông có nhiều học trò đỗ đạt làm quan to như Phạm Sư Mệnh, Lê Quát… Nổi tiếng chính trực, liêm khiết, đức độ, ông đã được Vua Trần Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau này.
Đến đời Trần Dụ Tông, triều đình mục ruỗng, vua ăn chơi sa đọa, quyền thần nổi lên lừa dối vua, hãm hại trung thần, làm nhiều điều vô đạo. Không thỏa hiệp với các ác, cái xấu và sự vô đạo của đám quan tham, ông đã dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên quan nịnh thần nhưng vua không nghe. Thất vọng, ông đã trả mũ áo từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) lấy hiệu là Tiều Ẩn làm nghề dạy học, bốc thuốc, viết sách đến khi qua đời thọ 78 tuổi. Ông để lại nhiều tác phẩm văn thơ như: Tiểu ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, tứ thư thuyết ước…
Sau khi mất, vua Trần truy phong ông tước Văn Trinh Công nên đời sau còn quen gọi ông là Chu Văn An, hay Chu Văn Trinh. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư đánh giá ông là ông tổ của các nhà nho nước Việt, người đời sau tôn ông là “Vạn thế sư biểu” (nghĩa là người thầy muôn đời). Ông được đưa vào thờ trong Văn Miếu.
Hiện nay, phần mộ của ông được hậu thế tôn tạo uy nghi và đền thờ ông được xây dựng trên nền nhà cũ trên núi Phượng Hoàng (phường Văn An, TP Chí Linh) đã trở thành di tích quốc gia nổi tiếng với danh lam thắng cảnh đẹp. Hàng năm, đền thờ Chu Văn An thu hút hàng vạn lượt du khách, giáo giới, học sinh, sinh viên về tham quan, báo công, dâng hương chiêm bái tưởng nhớ người thầy của muôn đời.
 Dulichchilinh.com

 
 

Tác giả bài viết: Ban QLDT Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây