Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

https://dulichchilinh.com


ĐI TÌM BIỂU TƯỢNG CHO THÀNH PHỐ TƯƠNG LAI

Thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí của một thành phố. Vì vậy, những ngày này, các phòng, ban, ngành và các địa phương của thị xã đang khẩn trương thực hiện các phần việc như chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ để được công nhận thành phố trước năm 2020. Khi được công nhận trở thành thành phố, yêu cầu đặt ra cần xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh. Biểu tượng phải truyền tải được thông điệp của lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất gắn liền với quá trình phát triển và là niềm tự hào của nhân dân ở vùng đất đó. Trang Web site: Dulichchilinh.com có loạt bài viết “Đi tìm biểu tượng cho thành phố tương lai”. Loạt bài này khai thác dưới nhiều góc độ từ lịch sử, văn hóa, danh nhân, di tích, thắng cảnh trên vùng đất này, qua đó để gợi mở cho việc đi tìm và xây dựng biểu tưởng cho thành phố Chí Linh.
ĐI TÌM BIỂU TƯỢNG CHO THÀNH PHỐ TƯƠNG LAI
       Bài 1: Vùng đất nhiều lần đồng hành cùng vận mệnh đất nước
 
Chí Linh nằm ở phía Bắc của tỉnh Hải Dương. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, với vị trí địa chiến lược đặc biệt trọng yếu về quốc phòng nên xuyên suốt trong lịch sử nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh an nguy của nước nhà.
Hơn 1000 năm trước, năm 944 sau khi Ngô Vương (Ngô Quyền) mất, đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, triều đình chia làm nhiều phe phái, các hoàng thân, quốc thích, các tướng nổi loạn tranh giành ngôi vua. Dương Tam Kha (anh vợ Ngô Quyền) tự nhận làm vua hiệu là Dương Bình Vương. Năm 950 Ngô Xương Văn, con trai thứ 2 của Ngô Quyền khởi binh lật đổ Dương Bình Vương lên ngôi Vua hiệu là Nam Tấn Tương và đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Từ đây lịch sử gọi đó là thời kỳ Hậu Ngô Vương diễn ra từ năm 950 đến 965 khi Ngô Xương Văn mất. Lúc đó, ở vùng núi Côn Sơn (Chí Linh), Dương Huy, Thứ sử Châu Vũ Ninh cai quan vùng đất gồm Quế Võ (Bắc Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) đã khởi binh cùng với các tướng lĩnh khác của triều đình gồm Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc nổi loạn tham gia tranh giành ngôi vua. Vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn phải mang quân về Chí Linh đánh dẹp. Thu phục được Dương Huy, nhà vua vẫn cho ông giữ chức cũ và cai quản vùng đất cũ.
Năm 965, vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, tình hình đất nước càng hỗn loạn hơn, các tướng ở khắp nơi nổi lên lập thành các sứ quân để cùng tranh giành ngôi Vua. Lịch sử gọi đó là loạn 12 sứ quân. Tuy nhiên, cánh quân của Dương Huy không nằm trong danh sách 12 sứ quân. Vì cánh quân của ông và địa bàn của ông bị cánh quân của Nguyễn Thủ Tiệp đánh bại, bản thân ông bị giết, vùng đất của ông bị Nguyễn Thủ Tiệp chiếm và tự xưng Vũ Ninh Vương. Nguyễn Thủ Tiệp là một sứ quân trong 12 sứ quân. Thời điểm xảy ra loạn 12 sứ quân, vùng đất Chí Linh nằm trong địa phận quản lý của sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp. Trước tình hình hỗn loạn ấy, Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở Hoa Lư (Ninh Bình) với mong muốn dẹp loạn sứ quân để thống nhất đất nước. Đến năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân khác, thống nhất đất nước, lên ngôi vua lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lập ra nhà Đình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình.
Năm 979, Vua Đinh Tiền Hoàng mất, vua mới còn nhỏ, vận nước nguy nan, trong nước lục đục, ngoài biên cương giặc Tống phương Bắc lăm le đe dọa xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, năm 980 Thái Hậu nhà Đinh Dương Vân Nga đã trao long bào, cùng chúng tướng tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua thay nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê để đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm. Mùa xuân năm 981 quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy 4 vạn quân, chia làm 2 đường thủy bộ tiến hành cuộc xâm lược Đại Cồ Việt. Bộ binh do Tôn Toàn Hưng chỉ huy hành quân qua Tiên Yên (Quảng Ninh), đường thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đi theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng (Quảng Ninh). Vua Lê Hoàn trước đó đã có sự chuẩn bị lực lượng, bố trí các tuyến phòng thủ để đối đầu với quân giặc.
Trước họa ngoại xâm, sự an nguy, sống còn của đất nước, vùng đất Chí Linh được lựa chọn để đồng hành, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đó là nơi được Vua Lê Hoàn chọn làm đại bản doanh để chỉ huy đánh giặc Tống. Khi hành quân đến vùng đất Chí Linh, Vua Lê Hoàn thấy địa thế rất hợp, trước có sống, xung quanh có núi bao bọc, “tiến có thể đánh, lùi có thể thủ” để làm đại bản doanh để điều binh khiển tướng các cánh quân thủy, bộ. Đặc biệt việc lập đại bản doanh ở An Lạc, Chí Linh rất thuận tiện cho việc tổ chức trận đánh mang tính chất chiến lược có tính quyết định cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Tống. Đó là trận đánh trên sông Bạch Đằng vào mùa xuân năm 981. Vì từ An Lạc theo đường sống đến Bạch Đằng chỉ khoảng 30 km, còn theo đường chim bay khoảng 20 km. Đây là trận Bạch Đằng thứ 2 trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Tại An Lạc, Chí Linh Vua Lê Hoàn cho lựa chọn chỗ đất bằng rộng 25 – 30 mẫu để dựng đại bản doanh – còn gọi là Đồng Dinh, đặt Nội Xưởng làm nơi rèn vũ khí, khí giới, đặt Bàn Cung trên núi Bàn Cung (đáng ra phải gọi là Hành Cung nhưng vi phạm tên húy của Vua nên gọi chệch là Bàn Cùng) để làm nơi bàn bạc việc quân cơ với các tướng lĩnh, núi Cao Hiệu được chọn để cắm cờ hiệu, núi Sơn Đụn là nơi tích trữ, cất giấu lương thực nuôi quân… Từ đại bản doanh này, cuối tháng 4 năm 981, Vua Lê Hoàn đã chỉ huy quân ta đánh thắng trận Bạch Đằng, giết chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo cùng hàng vạn quân giặc vùi xác dưới đáy Bạch Đằng giang và giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược cuối mùa xuân năm 981. Đáng nói, đây là cuộc kháng chiến giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, khoảng 3 tháng, từ đầu mùa xuân đến cuối mùa xuân.  
Hiện nay, ở đền Cao, An Lạc còn nhiều dấu tích của đại bản doanh năm xưa của Vua Lê Hoàn. Chung quanh khu vực đặt đại bản doanh của Vua Lê Hoàn giờ trở thành khu di tích đền Cao linh thiêng. Núi Thiên Bồng nơi xây dựng đền thờ tướng Vương Đức Minh và các đền thờ khác thờ 4 chị, em của ông, đều là tướng dưới quyền chỉ huy của Vua Lê Hoàn. 5 vị tướng họ Vương sinh ra lớn lên ở An Lạc đã có nhiều công lao giúp Vua Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981. Trên núi Bàn Cung nơi bàn việc quân cơ, giờ đã xây dựng đền thờ Vua Lê Hoàn để tưởng nhớ công đức Vua Lê Hoàn. Khu di tích đền Cao hàng năm thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan, thắp hương, chiêm bái và tìm hiểu về đại bản doanh của Vua Lê Hoàn chỉ huy đánh giặc ngoại xâm năm xưa.
Đến thế kỷ XIII, vùng đất Chí Linh lại một lần nữa đồng hành cùng vận mệnh an nguy của đất nước, khi lại được lựa chọn trở thành đại bản doanh chống quân Nguyên Mông và là chiến trường nơi diễn ra trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử thời nhà Trần, dưới sự chỉ huy của Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương, Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn.
Đại bản doanh và chiến trường Vạn Kiếp năm xưa, nay thuộc xã Hưng Đạo, nằm phía tây bắc của thị xã Chí Linh, nơi có đền Kiếp Bạc, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vạn Kiếp có vài trò lớn trong 2 cuộc kháng chiến lần 2 năm 1285 và lần 3 cuối năm 1287 đầu năm 1288. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh vừa mang ý nghĩa chặn bước tiến của địch, làm giảm nhụy khí, tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiến quân từ đường bộ từ Lạng Sơn về Thăng Long quân dân ta có thời gian chuẩn bị lực lượng để thực hiện kế thanh dã “vườn không nhà trống”, rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng hoặc phòng thủ Thăng Long. Khi ta thực hiện phản công, thì Vạn Kiếp cũng diễn ra nhiều trận đánh tiêu diệt kẻ thù khi chúng rút chạy về nước để khiến cho Thoát Hoan 2 lần phải chui vào ống đồng để bảo toàn tính mạng trước sự truy kích quân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 năm 1285, Vạn Kiếp diễn ra một trận đánh lớn khi quân Nguyên theo đường bộ từ Lạng Sơn kéo về Thăng Long. Trận đánh này là trận đánh lớn về quy mô số quân và mang ý nghĩa chiến lược làm tiêu hao sinh lực địch, làm giảm nhuệ khí, làm tấm lá chắn bảo vệ Thăng Long. Để chuẩn bị cho trận Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại Vương tập hợp lực lượng hơn 20 vạn quân, bố trí thế trận phòng thủ ở các vùng Bắc Giang, Vạn Kiếp (Chí Linh). Trong thế trận ông dự tính, vùng Bắc Giang lúc này như tấm khiên che chắn cho kinh thành Thăng Long, còn căn cứ Vạn Kiếp như ngọn giáo chực chờ phản kích giặc. Các phòng tuyến nhỏ ở Bình Than, Phả Lại được củng cố rào lũy, tăng cường quân thủy bộ. Còn Thoát Hoan cũng hội quân ở Nội Bàng một lực lượng lớn gần 50 vạn quân. Thoát Hoan chọn cách đánh vào Vạn Kiếp trước, rồi sau đó mới đánh Thăng Long. Mục đích đánh vào Vạn Kiếp là nhằm đánh tan lực lượng chủ lực của nhà Trần. Chúng hi vọng sẽ đánh một trận quyết định thành bại ngay tại Vạn Kiếp.
Ngày 11 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan giao cho Ô Mã Nhi làm tiên phong cầm 30 vạn quân chia làm nhiều hướng tấn công vào Vạn Kiếp. Thoát Hoan thì dẫn mười mấy vạn quân còn lại theo sau làm lực lượng dự bị. Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân đánh vào phòng tuyến Bình Than. Bộ binh địch tiến dọc bờ sống tiến đánh núi Phả Lại. Còn Hưng Đạo Đại Vương đem hơn 1000 chiến thuyền bày trận trên các ngã sông Lục Nam, Lục Đầu, ngay tại bến Bình Than, gọi là trận Dực Thủy để ứng chiến với Ô Mã Nhi. Quân Nguyên cậy vào cung tên ở trên bộ hỗ trợ, hùng hổ tiến vào. Quân của Trần Hưng Đạo không hề nao núng, dựa vào hạm thuyền hùng hậu, thủy quân tinh nhuệ bẽ gãy các đợt tấn công của địch, khiến quân địch không tiến lên được, bị thiệt hại nặng. Quân ta giết được viên tướng Vạn hộ Nghê Thuận. Quân Nguyên cậy đông tấn công dồn dập từ nhiều hướng, quân địch chiếm thế thượng phong khi đánh trên bộ với kỵ binh, còn quân của Trần Hưng Đạo lại ở thủy quân với lực lượng thủy quân thiện chiến hơn tuy nhiên do lực lượng ít hơn nên quân của Trần Hưng Đạo rơi vào thế yếu hơn. Đang lúc đó, Vua Trần Nhân Tông được tin cấp báo, thân đem 1000 chiến thuyền với 10 vạn quân dự bị chiến lược từ Thăng Long đến tiếp viên cho quân của Trần Hưng Đạo.
Tổng cộng quân số của Vua tôi nhà Trần do Vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo chỉ huy ở chiến trận Vạn Kiếp lên tới gần 30 vạn quân, còn quân của Thoát Hoan lên tới gần 50 vạn quân. Hai bên kịch chiến dự dội kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm bất phân thắng bại. Đến ngày 14 tháng 2 năm 1285 nhận thấy quân ta thế yếu hơn nên Trần Hưng Đạo cùng Vua Trần Nhân Tông hạ lệnh lui quân bằng đường thủy. Cuộc lui quân diễn ra nhanh chóng, an toàn, bảo đảm được lực lượng. Quân Thoát Hoan chiếm được Vạn Kiếp. Sau khi cắt cử 2 vạn quân ở lại giữ Vạn Kiếp, Thoát Hoan lại cùng đại quân đánh chiếm Thăng Long.
4 tháng sau, vào khoảng đầu tháng 6 năm 1285, quân ta thực hiện các cuộc phản công chiến lược tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường buộc quân Thoát Hoan phải rút lui. Trên đường rút về Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo giao cho tướng Trần Tung, chỉ huy hơn 2 vạn quân đánh thọc sườn phá vỡ đội hình của địch, buộc địch phải chạy tán loạn. Khi địch kéo quân chạy về sông Cầu bị cánh quân của vị tướng trẻ tuổi Trần Quốc Toàn cùng dân binh địa phương đổ ra đánh, khiến quân địch kinh hồn bạt vía (cũng tại trận này Trần Quốc Toản đã anh dũng hi sinh). Trận đánh chặn địch ở sông Cầu của vị tướng trẻ tuổi Trần Quốc Toàn buộc địch phải rút về đường Vạn Kiếp - Nội Bàng. Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã bài binh bố trận sẵn để đợi địch. Trần Hưng Đạo lựa chọn các tướng dũng mãnh Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái giao chỉ huy đạo quân này. Vùng Vạn Kiếp có địa thế đồi núi giáp đường giáp sông, quân ta chiếm địa thế đánh cắt ngang vào đội hình địch khiến đầu cuối không cứu được nhau. Tiền quân của địch bị đánh ở Vạn Kiếp còn trung quân của địch cũng vẫn chưa qua được sông Lục Đầu cũng bị quân ta đánh mạnh khiến địch hoảng loạn dẫm đạp lên nhau khiến cầu phao bị đứt khiến rất nhiều quân lính bị chết dưới sông. Cả đội hình hàng chục vạn quân của Thoát Hoan bị chia cắt, tan tác. Sử cũ cho biết: Sau trận Vạn Kiếp quân Nguyên Mông chỉ còn 5 vạn tàn binh.
Ngoài ra, Vạn Kiếp còn tiếp tục là đại bản doanh và chiến trường nơi diễn ra các trận đánh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân nhà Trần.
Những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng gắn với vận mệnh dân tộc diễn ra trên vùng đất Chí Linh khiến cho mỗi người dân Chí Linh càng thêm tự hào, càng thêm yêu quê hương để cùng đồng tâm, đoàn kết xây dựng quê hương Chí Linh ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.
 
           Bài 2: Địa linh tụ nhân kiệt
Chí Linh không chỉ là vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước. Nơi đây, còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nơi khí thiêng hội tụ và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước ta. Những danh nhân này trở thành niềm tự hào của mọi người dân Chí Linh.
Vùng đất địa linh
Để lý giải cặn kẽ vì sao vùng đất này lại “hữu duyên” với các bậc danh nhân kiệt xuất của lịch sử đã “tụ” về đây sinh sống thì cũng thật khó. Chỉ biết từ trước đến nay, dân gian lưu truyền gọi Chí Linh là vùng đất linh thiêng, đất lành nên thu hút được người tài quần tụ. Nhưng ngẫm cũng phải, các danh nhân đều thuộc vào hàng kiệt xuất của lịch sử cũng đều là người học cao, hiểu rộng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý nên việc am hiểu về phong thủy, huyệt đạo của đất, thế núi hình sông, chỗ nào đất tươi tốt để giúp “nhân khang vật thịnh”, chỗ nào đất xấu để tránh thì có lẽ việc lựa chọn của các “ngài” không phải là điều ngẫu nhiên mà đều có căn cứ cả.
Chí Linh nằm trong cánh cung Đông Triều với hệ thống núi đồi chạy từ Đông Bắc sang Tây Nam, địa hình xen lẫn giữa núi đồi và đồng bằng, với thế đất, hình sông, theo thuyết phong thủy đã được các bậc tiền nhân tổng kết thành câu ca:
“Đông hướng Sài Sơn thiên lĩnh hội
Tây lai vụ thủy lục long chầu”.
 Tạm dịch là: “Phía Đông là dãy Sài Sơn (dãy Yên Tử, cánh cung Đông Triều) có hàng nghìn ngọn núi chầu về.
Phía Tây tụ thủy sáu con rồng chầu lại (sông Lục Đầu)”.
Về địa thế, mạch núi Đông Bắc từ Tổ sơn Yên Tử muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ nên tạo ra nhiều huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt mạch này theo tên gọi của 4 linh vật quý như: Long (đó là núi Rồng ở đền Kiếp Bạc), Ly (núi Kỳ Lân ở chùa Côn Sơn), Quy (núi Quy ở chùa Thanh Mai), Phượng (núi Phượng Hoàng ở đền Chu Văn An). Kỳ lại thay, ở mỗi huyệt mạch linh thiêng này lại là những danh lam thắng cảnh và đều là những nơi các danh nhân, bậc kỳ tài về sinh sống và nay đều trở thành các di tích nổi tiếng của vùng đất Chí Linh.
Về hình thế sông, ở phía Tây của vùng đất Chí Linh có 6 con sông tụ về và được người xưa gọi bằng những tên mang ý nghĩa lớn lao như có 4 con sống được đặt theo 4 đức gồm: Sông Lục Nam trước đây được gọi là sông Minh Đức (có nghĩa là đức sáng), sông Thương gọi là sông Nhật Đức (đức của mặt trời), sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (đức của mặt trăng), sông Đuống gọi là Thiên Đức (đức của trời). Còn 2 con sống khác cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp như sống Thái Bình còn gọi là sông Phú Lương có nghĩa là thái bình thịnh vượng và sông Kinh Thầy có nghĩa đường kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần.
Có thể nói, vùng đất Chí Linh nơi có sông núi hòa hợp, hữu tình, nơi hội tụ khí thiêng của đất, đức của trời, tụ thụy, tụ nhân mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì vậy mà qua các triều đại các danh nhân, kỳ tài kiệt xuất đều lựa chọn vùng đất Chí Linh làm nơi sinh sống, di dưỡng tinh thần.
Tụ nhân tài
Có điều thú vị khi tìm hiểu về các danh nhân của Chí Linh đó là các danh nhân có trên nhiều lĩnh vực. Về quân sự có các võ tướng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn, lĩnh vực giáo dục có thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Lộ; lĩnh vực văn hóa có Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán; lĩnh vực tôn giáo đạo Phật Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có Pháp Loa, Huyền Quang. Có nhiều danh nhân thuộc hàng kiệt xuất trong từng lĩnh vực như: Về quốc tế tôn vinh Danh tướng Thế giới, Danh nhân Văn hóa Thế giới, Chí Linh có 2 danh nhân, đó là Danh tướng Thế giới có Trần Hưng Đạo, Danh nhân Văn hóa Thế giới có Nguyễn Trãi. Cả nước từ cổ chí kim đến hiện đại có 14 Anh hùng Dân tộc thì Chí Linh có 2 danh nhân được tôn vinh Anh hùng Dân tộc là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Về giáo dục được tôn vinh người thầy muôn đời có thầy giáo Chu Văn An; nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất có Nguyễn Thị Duệ. Trong Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì Chí Linh có 2 vị Tổ là Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Hiếm có vùng đất nào (trong phạm vị đơn vị hành chính cấp huyện, thị) lại hội tụ được nhiều anh tài, nhân kiệt tầm cỡ như vậy.
Trong phạm vi bài viết không thể nói hết và đầy đủ về các danh nhân mà chỉ xin nói về một số danh nhân tiêu biểu.
Nói về Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, có lẽ hầu hết người dân đất Việt đều biết về ông. Tuy Chí Linh không phải quê ông và ông cũng không sinh ra ở đây nhưng vùng đất Chí Linh với ông lại như định mệnh và tên tuổi của ông gắn với vùng đất này. Vùng đất Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là Thái ấp của ông được Vua Trần phong cho các vương tôn quý tộc triều đình. Phần lớn cuộc đời ông sống ở Chí Linh, chỉ khi nào triều đình có việc triệu hồi ông về triều để bàn chuyện chính sự của đất nước hoặc những lúc ông đi kinh lý, vi hành để nắm bắt tình hình nhân dân, tìm người hiền tài ông mới rời Chí Linh. Sau khi xong việc triều đình, xã tắc ông lại về sinh sống ở Thái ấp Vạn Kiếp.
Đây là nơi hội tụ của 6 con sông thông với các ngả trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và nhất là vùng Đông Bắc, với tầm nhìn của một thiên tài quân sự, ông “nhìn” thấy nơi đây có một vị trí địa chiến lược về quân sự quốc phòng. Ví trí án ngữ vùng Đông Bắc, là phên dậu, lá chắn bảo vệ kinh thành Thăng Long cả trên đường bộ, lẫn đường thủy. Cũng chính vì vậy, trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3 vùng Vạn Kiếp, Chí Linh vừa là đại bản doanh nơi ông điều binh khiển tướng, vừa là chiến trường tổ chức các trận đánh tiêu diệt quân Nguyên Mông xâm lược.
Với công lao to lớn với đất nước, Trần Hưng Đạo được Vua Trần cho lập Sinh từ ngay lúc ông còn sống. Ông còn có công đức với nhân dân trong vùng trong việc trừ ma quỷ, chữa bệnh, giúp người dân sản xuất, ổn định cuộc sống nên khi ông mất nhân dân đã tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ tưởng nhớ, thờ phụng ông. Ngày nay, vùng Vạn Kiếp với đền thờ Kiếp Bạc, đền Nam Tao, đền Bắc Đẩu cùng với khu di tích Côn Sơn trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt là vào tháng Tám (âm lịch) mùa thu diễn ra lễ hội đền Kiếp Bạc đã thu hút hàng chục vạn lượt du khách về dâng hương, chiêm bái cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ, độ trì quốc thái dân an.
Côn Sơn là thái ấp của Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần. Ông là người có tài, hiền từ, nho nhã có phong cách của bậc quân tử. Tuy nhiên, nói đến Côn Sơn nhiều người biết tên tuổi cháu ngoại Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Nguyễn Trãi hơn. Nguyễn Trãi con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở Chi Ngãi, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh. Ông đỗ Thái học sinh thời nhà Hồ. Sau khi giặc Minh sang xâm lược đã bắt thân phụ ông về Trung Quốc, ông theo xe tù cha đến biên giới Ải Chi Lăng. Sau khi nghe lời thân phụ dặn trở về để đền nợ nước trả thù nhà. Để thực hiện lời dạy của cha ông vào Thanh Hóa gia nhập nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi để thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Minh và góp công lớn vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa. Nhà hậu Lê được thành lập, ông là khai quốc công thần và được phong đến chức Nhập nội hành khiển. Những năm cuối đời, ông trở về sinh sống tại Côn Sơn. Ông và toàn bộ gia tộc mắc vào án oan và bị kết án tru di tam tộc. Hơn 20 năm sau ông được vua Lê Thánh Tông minh oan và tôn vinh “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.
Trong cuộc đời ông, ngoài việc đóng góp công sức to lớn trong việc đấu tranh chống ngoại xâm thông nhất đất nước, ông còn là một nhà chính trị, văn hóa kiệt xuất. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ, văn chính luận, sách khoa học về địa chí… Đặc biệt ông được đánh giá là nhà tư tưởng lớn của nước ta. Trong mọi hành động từ đấu tranh giải phóng dân tộc hay tham mưu cho vua về các chính sách trị nước, an dân, ông đều lấy tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân đặt lên hàng đầu là kim chỉ nam của cuộc đời ông. Ông được tôn vinh là Anh hùng Dân tộc và được thế giới tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Ngày nay, Côn Sơn đã trở thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thị xã Chí Linh và cùng với đền Kiếp Bạc trở thành khu di tích Quốc gia đặc biệt. Hằng năm lễ hội chính vào mùa xuân thu hút rất đông du khách về trảy hội.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, người thầy muôn đời Chu Văn An là một tượng đài vĩ đại, một tấm gương lớn về đạo đức khiến cho nhiều thế hệ làm giáo dục noi theo. Trong suốt cuộc đời dạy học, ông đã đào tạo hàng nghìn học trò, trong đó có nhiều học trò đỗ đạt làm quan to trong triều như: Phạm Sự Mệnh, Lê Quát… Ông là người tiết tháo, đức cao vọng trọng nên từ Vua đến các quan trong triều đều kính trọng. Ông quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng vùng đất Chí Linh lại được ông lựa chọn để sống những năm tháng cuối đời. Việc ông chọn núi Phượng Hoàng thuộc huyện Chí Linh xuất phát từ việc sau khi ông dâng “Thất trảm sớ” dâng Vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên quan nịnh thần. Không được Vua chấp nhận ông bèn trả mũ áo từ quan đi chu du thiên hạ. Đi đến vùng đất Chí Linh thấy núi Phượng Hoàng có cảnh đẹp nên ông đã ở lại dựng nhà ven sườn núi để ở gọi là tiểu ẩn cổ bích sống cuộc đời thanh bạch, dạy học, làm thơ cho đến khi mất.
Khi ông mất Vua Trần ban cho tên thụy Văn Trinh Công, cho thờ ở Văn Miếu. Ông được tôn vinh là “Người thầy của muôn đời”. Nơi ông sống những năm tháng cuối đời “Tiểu ẩn cổ bích” nay đã được hậu thế xây dựng đền thờ mang tên ông và thờ phụng suốt hơn 6 thế kỷ qua và trở thành khu di tích mang tên Phượng Hoàng hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch, nhất là các đoàn giáo giới học sinh về dâng hương báo công với thầy.
Khu di tích Phượng Hoàng không chỉ có đền thờ thầy giáo muôn đời Chu Văn An mà nơi đây còn có một đền thờ thờ bậc kỳ tài thiên hạ đặc biệt nữa mà vùng đất Văn An, Chí Linh đã sản sinh. Bậc kỳ tài đặc biệt đó không ai khác chính là Nữ Tiến sĩ Khoa bảng đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654). Bà có số phận khá đặc biệt, sinh ra ở Kiệt Đặc, Văn An (Chí Linh), lớn lên bà theo gia đình lên Cao Bằng sinh sống. Tại đây để được đi thi bà phải giả trai để đi thi do nhà Mạc ở Cao Bằng tổ chức để tuyển chọn người tài. Kết quả bà đỗ đầu kỳ thi được gọi là Tiến sĩ, bà đỗ cao hơn thầy dạy học của mình. Sau khi nhà Mạc bị quân triều đình Lê - Trịnh diệt, bà bị bắt đưa về kinh thành Thăng Long, cảm phục tài năng đức độ, Vua Lê – Chúa Trình đã trọng dụng bà phong cho bà chức quan và giao cho bà việc dạy học trong cung. Bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và tuyển chọn người tài cho đất nước.
Đến những năm tháng cuối đời bà về quê Văn An sinh sống và mất tại đây. Nhân dân xây dựng tháp mộ bà gọi là Tinh phí Cổ tháp và xây dựng đền thờ hương khói. Bà còn được hậu thế ghi nhận và đánh giá rất cao bằng việc được thờ trong Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cùng với Khổng Tử và 7 vị đại khoa bảng của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Phạm Sự Mệnh, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện nay, đền thờ bà đang được đầu tư trùng tu tôn tạo để xứng tầm với một bậc kỳ tài đất Việt.
 
 
          Bài 3: Tự hào Chí Linh bát cổ
Người dân Chí Linh không chỉ tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn tự hào về những giá trị văn hóa được bồi đắp trải qua nhiều thế kỷ. Đó là những danh nhân được sinh ra và hội tụ về Chí Linh đã bồi đắp, dựng xây hoặc khi mất đã được người dân yêu mến tưởng nhớ và trở thành các công trình di tích cổ. Trong nhiều di tích cổ, ngay từ giai đoạn cuối triều Hậu Lê đã xếp hạng và công nhận 8 di tích cổ tiêu biểu truyền tải các giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất Chí Linh và được gọi là “Chí Linh bát cổ”.
“Chí Linh bát cổ” bao gồm các di tích: Trạng Nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh cổ viên, Thượng Tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Vân Tiên cổ động (hay còn gọi Huyền Thiên cổ tự), Chí Linh cổ thành (hay còn gọi Phao Sơn cổ thành), Tinh phi cổ tháp. Có 2 nhà nho đã cảm hứng trước niềm tự hào về “Chí Linh bát cổ” nên đã làm thơ ca tụng và khắc họa về tám di tích cổ này và được gọi là “Thơ bát cổ”. Các bài thơ này được khắc vào bia đá đặt tại cổng Phủ đệ Nam Sách (cơ quan hành chính làm việc của bộ máy các quan lại địa phương cấp phủ, huyện xưa, khi đó huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách). Trong 8 di tích cổ có 1 di tích có từ thời Lý là Vân Tiên cổ động (hay còn gọi Huyền Thiên cổ tự), 6 di tích có từ thời nhà Trần như: Trạng Nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh Cổ viên, Thượng Tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Chí Linh cổ thành (hay Phao Sơn cổ thành) và 1 di tích có từ thời Hậu Lê đó là Tinh phi cổ tháp. Do yếu tố về công tác quản lý nhà nước có sự chia tách địa giới hành chính nên “Chí Linh bát cổ” không còn đầy đủ nữa. Hiện, trên địa bàn thị xã Chí Linh chỉ còn 7 di tích, còn di tích Trạng Nguyên cổ đường nay thuộc về huyện Nam Sách. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc về Chí Linh thì người dân (trong tâm) vẫn gọi “Chí Linh bát cổ” với một niềm tự hào về một Chí Linh xưa trầm mặc, văn hiến.
Để nhân dân và du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất Chí Linh xưa và nay, bài viết xin điểm lại các công trình di tích của “Chí Linh bát cổ”.
Trạng Nguyên cổ đường: Có nghĩa là nhà giảng đường dạy học của quan Trạng nguyên. Trạng nguyên Cổ đường (thời xưa thuộc xã Linh Khê, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách), đây là giảng đường nơi dạy học của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông sinh năm 1272 – 1346, tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am là một quan đại thần của triều nhà Trần. Ông thông minh có tài hơn người nhưng tướng mạo xấu xí. Năm 1304, dưới triều Vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Đến thời Vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển sau được thắng chức Tả bộc xạ (hàng quan to). Những năm cuối đời ông về chí sĩ tại quê nhà, Tại đây, năm 1342, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mở trường dạy học để đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Toàn bộ công trình Trạng nguyên Cổ đường nằm trên diện tích 5000 m2. Trải qua thời gian, Trạng nguyên Cổ đường đã xuống cấp nhưng vẫn còn lưu giữ được 5 sập đá lớn và 1 án thư. Năm 1993 đến nay, nhân dân địa phương đã lần khuyên góp tiền để đầu tư tôn tạo di tích. Hiện nay, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được chính quyền và nhân dân địa phương trông nom giữ gìn thờ phụng chu đáo nhưng rất tiếc di tích này bây giờ không còn thuộc về thị xã Chí Linh.
Tiều Ẩn cổ bích: Tức là bức tường cổ bao quanh nhà Tiều Ẩn. Tiều Ẩn có nghĩa là người tiều phu ở ẩn nơi núi rừng. Đây là tên hiệu của thầy giáo Chu Văn An đặt sau khi về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng. Việc thầy Chu Văn An đến núi Phượng Hoàng ở xuất phát từ sau khi sự kiện ông dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém 7 tên quan nịnh thần nhưng không thành. Khi đi về vùng núi Phượng Hoàng thấy cảnh sắc núi đồi, rừng thông bao phủ cảnh sắc đẹp ông đã quyết định ở lại sinh sống. Tại đây, ông đã đổi tên hiệu là Tiều Ẩn và dựng nhà ở, sống cuộc sống thanh bạch làm bạn với người dân nơi sơn dã, làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông núi rừng và dạy học cho học trò trong vùng làm vui. Khi ông mất, học trò và nhân dân trong vùng an táng ông ngay trên núi và khói hương thờ phụng. Trải qua thời gian, Tiều Ẩn Cổ bích không còn dấu tích. Từ những năm 1990 trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và ngành giáo dục, di tích đền Chu Văn An được xây dựng mới trên nền dấu tích của “Tiều Ẩn Cổ bích”. Đền Chu Văn An uy nghi là điểm nhấn trong khu di tích Phượng Hoàng. Hằng năm, đền Chu Văn An thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là giáo giới và học sinh trong cả nước về đây tham quan, dâng hương báo công thành tích học tập, công tác. Những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích Chí Linh đã cho phụng dựng và phát triển lễ khai bút đầu xuân và lễ hội về nguồn vào tháng 11 đã trở thành những hoạt động văn hóa đặc sắc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ở đền thầy giáo Chu Văn An thu hút đông đảo du khách, học sinh, sinh viên và thầy cô giáo về tham quan.
Dược Lĩnh cổ viên: Có nghĩa là vườn cổ Dược Lĩnh, nơi trồng thuốc nam của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền, xưa vùng Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là thái ấp của Hưng Đạo Đại Vương, nơi đây cũng là đại bản doanh để Vương điều binh khiển tướng và cũng là chiến trường nơi diễn ra các trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3 của vua tôi quân dân nhà Trần thế kỷ 13. Vì vậy, việc ba quân tướng sĩ trong lúc tập luyện, đánh trận không thể tránh khỏi thương vong, trong khi đó thuốc thang thiếu thốn không đủ chưa bệnh cho tướng sĩ khiến Hưng Đạo Đại Vương rất lo lắng. Một đêm ông nằm mơ Ngọc Hoàng sai Nam Tào hóa thành tiên ông tên là Dược Lĩnh đến tặng thuốc cho ông. Hưng Đạo Đại Vương nhận túi cói trong có mấy cây thuốc giống và cúi đầu cám ơn. Hôm sau, trên đường từ xưởng đóng thuyền về vương phủ khi đi ngang một quả đồi, ngựa của ông không đi mà cứ đứng tung vó, hí vang. Thấy có sự lạ, ông xuống ngựa kiểm tra, lạ thay dưới chân ngựa có nhiều cây giống với cây thuốc mà tiên ông Dược Lĩnh tặng ông trong giấc mơ. Lập tức Hưng Đạo Đại Vương sai quân lính đánh những cây thuốc này đem trông khắp núi để có thuốc chữa bệnh cho ba quân tướng sĩ và nhân dân trong vùng. Dược Lĩnh cổ viên ra đời từ đó. Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Dược Lĩnh cổ viên song trên núi Nam Tào, Bắc Đẩu thuộc khu di tích Kiếp Bạc có nhiều loại cây thuốc chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Thượng Tể cổ trạch:  Có nghĩa là nhà cổ của quan Quốc Phụ Thượng Tể, Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn, ông vừa làm quan và là hoàng thân của triều đại nhà Trần. Ông là con trai thứ của Vua Trần Nhân Tông và là em Vua Trần Anh Tông là cháu ngoại của Trần Hưng Đạo. Ông được ban Thái ấp ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh), tại đây ông xây dựng một ngôi nhà (sau này được gọi là Thượng Tể cổ trạch) để ở và thường xuyên đi lại giữa kinh sư và thái ấp ở Chí Linh để lo công việc đất nước. Ông được đánh giá là một nhân vật chính trị kiệt xuất, tướng giỏi và là trụ cột của triều đại nhà Trần và lập công lớn trong việc đánh Chiêm Thành lấn chiếm đất Đại Việt. Năm 1324, dưới triều Trần Minh Tông ông được phong đến chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể, chức quan đứng đầu triều nắm giữ Lục Bộ Thượng Thư. Sau ông bị mắc oan do kẻ xấu hãm hại từ việc liên quan đến lập thái tử và bị vua Trần Minh Tông (vừa là cháu ruột, vừa là con rể) tống giam vào ngục và bị bắt phải tuyệt thực đến chết. Sau đó, vụ việc bị bại lộ, những kẻ xấu bị bắt và xử tội, còn Trần Quốc Chẩn được minh oan. Bị ám ảnh bởi vì oan khuất, Vua Trần Minh Tông  đã khôi phục lại chức tước, sai lập đền thờ thờ ông bên tả ngạn sông Kinh Thầy, là một trong tám di tích cổ trong Chí Linh bát cổ nổi tiếng được sử sách ghi nhận. Đến năm 1344, Vua Trần Dụ Tông (cháu ngoại) minh oan hoàn toàn cho ông và Thượng Hoàng Minh Tông phục chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể. Ngày nay, đền Quốc Phụ được chính quyền, nhân dân địa phương chăm lo hương khói, thờ phụng.
Nhạn Loan cổ độ: Có nghĩa là bến cổ Nhạn Loan. Nay có nhiều người cho rằng đó là bến Triều Dương thuộc xã Nhân Huệ bây giờ. Bến đò này có từ lâu đời gắn với tích An Dương Vương sau khi bị Triệu Đà đánh bại trên đường chạy ra biển đã chạy qua bến đò này. Nhưng đến thời Trần, sau khi Trần Khánh Dư bị xử tội và bị giáng xuống làm dân thường, ông đã về thái ấp của cha là Thượng tướng Trần Phó Duyệt ở Chí Linh sinh sống làm nghề buôn bán than trên sông. Bến đò Nhạn Loan không chỉ giúp Trần Khanh Dư thuận tiện trong việc buôn bán trên sông mà còn giúp nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện. Còn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần 2, lần 3, vùng Vạn Kiếp diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, bến Nhạn Loan cũng nằm trong vùng chiến sự và giúp quân ta trong việc xuất quân và rút quân khi đánh giặc. Ngày nay, do chưa xác định bến Nhạn Loan nằm chính xác ở đâu nên đến giờ vẫn chưa khôi phục được.
Vân Tiên cổ động: Có nghĩa là động cổ Vân Tiên (Nhiều người còn gọi là Huyền Thiên cổ tự). Nơi đây thuộc khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh. Đây là một công trình kiến trúc năm trong tổng thể kiến trúc chùa Huyền Thiên, một ngôi chùa cổ nổi tiếng được xây dựng vào thời nhà Lý. Gọi “động” ở đây không có nghĩa là hang động, vì núi Phượng Hoàng là núi đất nên không có hệ thống hang động như ở các vùng có hệ thống dãy núi đá vôi. Tương truyền sư Huyền Thiên về đây tu và luyện thuốc Linh Đan trường sinh. Nhà sư Kiều Bản Tịnh (1100 – 1176), thuộc thế hệ thứ 8 của Thiền sư Việt Nam thuở nhỏ hiếu học, thích và am hiệu phật pháp, sau lớn lên xuất gia đi tu, theo học và đắc đạo với Thiền sư Mãn Giác ở chùa Giao Nguyên. Năm 1141 sư đến tu tại chùa trên núi xã Kiệt Đặc (phải chăng là chùa Huyền Thiên). Chùa Huyền Thiên còn là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi các vị tổ của Thiền phái này như Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang đều đã từng tu tập ở đây. Trải qua thời gian, các di tích của Vân Tiên cổ động hay Huyền Thiên cổ tự đã bị mai một không còn. Những năm gần đây, người dân dựng tạm ngôi chùa nhỏ, sơ sài để hương khói. Mấy năm trước, các ngành chức năng đã tiến hành khảo cổ khu vực chùa Huyền Thiên và đã phát hiện có nhiều dấu tích như các chân cột đá và nhiều hiện vật với những hoa văn thời Lý - Trần. Điều đó chứng tỏ Huyền Thiên cổ tự xa xưa là một công trình Phật giáo lớn, bề thế. Hiện nay, chính quyền thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đang có kế hoạch quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng chùa Huyền Thiên bề thế tương xứng với vị thế chùa xưa.
Chí Linh cổ thành: (hay Phao Sơn cổ thành) Đây là thành cổ được xây từ thời nhà Trần có tên thành Chí Linh, nay thuộc phường Phả Lại, thị xã Chí Linh. Đến thời nhà Mạc thế kỷ XVI, thành được gia cố và đổi tên gọi là Phao Sơn. Thời Pháp thuộc chúng biến nơi đây thành khu quân sự, có trường đào tạo sĩ quan. Năm 1978, khi xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, dân cư phải chuyển đi, thành đã bị phá để lấy mặt bằng cho công trình Nhiệt điện Phả Lại. Dấu tích hiện còn từng đoạn thành nằm dưới tầng đất trong vườn nhà dân. Hiện nay, việc tìm hiểu dấu tích Chí Linh cổ thành cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì địa hình địa vật đã biến đối nhiều.
Tinh Phi cổ tháp: Có nghĩa là tháp mộ cổ của bà Tinh Phi, di tích có niên đại thấp nhất trong “Chí Linh bát cổ”. Tinh Phi cổ tháp nằm trên địa phận khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh. Bà Tinh Phi tên là Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654), quê ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh). Thuở nhỏ, bà xinh đẹp, thông minh được cha mẹ cho đi học. Tuy phận liễu yếu đào tờ nhưng tính cách bà mạnh mẽ, bà coi việc nữ nhi không được thi cử, học hành như nam nhi là một sự bất công. Sau khi gia đình theo nhà Mạc lên Cao Bằng, ở đây bà tiếp tục đi học. Khi nhà Mạc tổ chức khoa thi, bà đã giả trai đi thi và đỗ đầu Tiến sĩ. Sau khi phát hiện bà giả trai đi thi, Vua nhà Mạc không những không bắt tội mà còn cảm phục yêu mến và cưới làm vợ phong là Tinh Phi. Sau khi nhà Lê - Trịnh đánh bại nhà Mạc, bà bị bắt về Thăng Long. Một lần nữa Vua Lê, chúa Trịnh lại trọng dụng bà, phong chức quan cho bà, chuyên dạy học cho các cung tần. Bà có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, khoa cử, nhất là giáo dục từ xa, khuyến học, khuyến tài… Năm gần 80 tuổi bà về sinh sống tại quê hương Kiệt Đặc đến khi mất năm 1654. Lúc mất bà được nhân dân thương tiếc và xây tháp mộ bằng đất nung có nhiều tầng khác nhau, từ xa nhìn rõ màu hồng của ngôi tháp và thờ tự, gọi là Tinh Phi cổ tháp. Đến thế kỷ 19, tháp mộ sụp đổ chỉ còn phế tích. Từ năm 2008 đến nay di tích đã được đầu tư trung tu tôn tạo tháp mộ, đền thờ và các công trình phụ trợ trở thành một di tích trong khu di tích Phượng Hoàng được nhiều người biết đến. Hiện nay, đền thờ Nguyễn Thị Duệ đang tiếp tục được trùng tu tôn tạo để di tích xứng tầm với Nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam.
Các cấp chính quyền và nhân dân thị xã Chí Linh luôn rất tự hào với những giá trị văn hóa, văn hiến mà các bậc tiền nhân để lại. Trải qua thời gian và sự thay đổi về địa giới hành chính, hiện tại trên địa bàn thị xã Chí Linh chỉ còn “Chí Linh thất cổ”. Đến những năm 1990 hầu như các di tích chỉ còn là phế tích, thậm chí không còn dấu vết gì. Nhờ sự quan tâm của các cấp bộ, ngành, các cấp chính quyền đã đầu tư, trùng tu tôn tạo một số di tích như đền Quốc Phụ được xây dựng trên nền Thượng Tể cổ trạch đến những năm 1950 đã bị thời gian, bom đạn phá hỏng, hoang phế cho đến năm 1997 chính quyền, nhân dân địa phương phát tâm công đức xây dựng đền thờ Quốc Phụ, tuy nhiên ngôi đền có quy mô còn khá nhỏ. Đặc biệt Tiểu Ẩn cổ bích được xây dựng thành đền Chu Văn An, Tinh Phi cổ tháp được xây dựng cùng với đền thờ Nguyễn Thị Duệ và nhiều hạng mục công trình nữa đã giúp cho một số di tích đã được khôi phục khang trang, bề thế tạo khuôn viên, cảnh quan đẹp cho di tích để một mặt bảo vệ bảo tồn di sản, một mặt để thu hút khách du lịch về tham quan nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Chí Linh.
 
   
        Bài 4:  Miền đất tâm linh
Như những bài trước đã nói về Chí Linh là vùng đất thiêng với các huyệt mạch được đặt theo “Tứ linh” Long, Lân, Quy, Phượng. Vùng đất này còn sản sinh và hội tụ nhiều danh nhân, danh tướng, danh sư cùng nhiều truyền thuyết về nhân thần, thiên thần đã tạo lên một hệ thống di tích linh thiêng với sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Thánh. Chí Linh trở thành miền đất tâm linh hấp dẫn du khách thập phương về chiếm bái, cầu mong những điều tốt đẹp.
Vùng đất “sinh” Thánh             
Đất Chí Linh còn lưu giữ biết bao truyền thuyết thần kỳ, nơi đây Phật hiển hiện, Tiên dạo chơi, Huyền Thiên giáng lâm, Phi Bồng tái thế, Nam Tào xuất hiện, Bắc Đẩu về trời... Bởi vậy chùa Thanh Mai có núi Phật Tích, trên núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên, núi Phượng Hoàng có động Huyền Thiên, chân núi Ngũ Nhạc có tảng đá thờ Phi Bồng nguyên soái; Đền Kiếp Bạc tả hữu có đền thờ quan Nam Tào, Bắc Đẩu... truyền thuyết về nhân thần và thiên thần đã tạo ra sự huyền bí, linh thiêng khiến du khách ngưỡng vọng luôn muốn về để thành kính chiêm bái.
 Đền Sinh – đền Hóa (thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh) là một di tích với tín ngưỡng thờ Thiên Thần Phi Bồng Hiệu Thiên và thờ Mẫu Thạch Linh. Ở di tích này gắn với truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu Thạch Linh hạ sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên trên một tảng đá lớn.
Theo nhân dân địa phương kể lại truyền thuyết rằng: Vào thế kỷ thứ 6, thời Tiền Lý, ở làng Yên Mô (nay là thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh) có xảy ra chuyện lạ. Đó là, vào một hôm đám trẻ mục đồng của làng đang chăn trâu dưới chân núi bỗng nghe thấy tiếng khóc vang của hài nhi vọng từ lưng chừng núi Kỳ Lân vọng xuống. Thấy lạ, đám trẻ đã kéo nhau lên nơi có tiếng khóc. Đến nơi, đám trẻ thấy một hài nhi đang nằm trên một tảng đá lớn. Đám trẻ đã đan tay làm kiệu, lấy nón làm lọng rước hài nhi đó về làng. Xuống đến chân núi, bỗng có tiếng nổ lớn, mây đen ùn ùn kéo đến, sấm, chớp, gió cuốn cát bay bụi mù, hài nhi trên tay đám trẻ mục đồng bay vụt lên trời và vọng lại tiếng nói: “Ta là Đại tướng Phi Bồng Hiệu Thiên giáng hạ, nay bị lộ ta phải về trời”. Sau đó, trời quang mây tạnh, khiến đám trẻ mục đồng và dân làng hết sức kinh ngạc và sau đó liền lập miếu thờ. Sau này, nơi Đức Thánh Mẫu Thạch Linh sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên được nhân dân lập đền thờ mang tên đền Sinh, còn nơi Thánh hóa bay về trời lập đền thờ gọi là đền Hóa thờ phụng từ đó đến nay. Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên còn nhiều lần hiển linh giúp đỡ Vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương và giúp Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên Mông xâm lược.
Đền Sinh - đền Hóa là một di tích linh thiêng, luôn được vua quan các triều đại phong kiến và lãnh đạo nhà nước, địa phương thời nay cầu đảo quốc thái dân an, người dân cầu mùa màng tươi tốt, bội thu, sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, di tích có gắn với truyền thuyết Đức Thánh Mẫu Thạch Linh hạ sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên nên nhân dân cũng thường đến đây cầu tự mong Đức Thánh Mẫu Thạch Linh phù hộ. Lạ thay, nhiều người đã được toại nguyện có con theo đúng sở cầu.
Đền Cao ( xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương) gắn với truyền thuyết về 5 đức Thánh họ Vương là những dũng tướng giúp Vua Lê Đại Hành đại phá quân Tống xâm lược năm 981.
Truyền thuyết kể rằng,  vào thời nhà Đinh ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa có một cặp vợ chồng nọ, chồng họ Vương tên Tĩnh, vợ họ Đào tên Thanh tuy đã có tuổi nhưng vẫn không có con. Sau đó, cuộc sống trong quê khó khăn, 2 vợ chồng rời quê đi chu du thiên hạ và tìm nơi dân cư thuần hậu, dễ làm ăn để sinh sống. Hai vợ chồng ông Vương Tĩnh đến vùng Dược Đậu Trang (nay là xã An Lạc, thị xã Chí Linh), thấy nơi đây đất đai trù phú đã ở lại sinh sống. Được sự giúp đỡ của gia đình ông Phạm Lược nên ông bà nhanh chóng ổn định cuộc sống, làm ăn sung túc, giầu có.
Tuy có cuộc sống đủ đầy và cũng thường xuyên làm việc thiện nhưng ông bà vẫn canh cánh nỗi buồn vì tuổi đã già mà vẫn chưa có mụn con nào. Ông bà đã lập đàn cầu tự. Sau khi lập đàn tế xong, đến nửa đêm hôm ấy bà Thanh nằm mơ thấy có một vị quan mũ áo xênh xang hào quang rực rỡ lớn tiếng truyền rằng: “Gia đình nhà ngươi có phúc dày, trời cao đã biết. Nay trời ban cho một bọc 5 trứng, 3 trứng màu vàng, 2 trứng màu xanh đầu thai vào nhà người làm con quý tử”. Bà tỉnh giấc mới biết đó chỉ là giấc mộng. Hôm sau bà làm lễ bái tạ.
Hằng ngày bà Thanh hay ra sông Nguyệt Giang tắm giặt. Một hôm bà đang tắm chợt thấy sóng nước cuồn cuộn, mưa gió nổi lên ấm ầm phả mạnh vào thân thể. Chợt một con giao long ngũ sắc nổi lên cuốn chặt lấy bà năm vòng khiến bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Một lát sau, giao long biến mất, mưa gió tự nhiên tạnh hẳn, bà Thanh về kể lại sự việc với chồng. Ông Vương Tĩnh nói: “Nếu quả như điều bà nói thì thủy thần sẽ xuất thế, thiên đình sẽ cho bậc đại tài giáng thế”. Từ đó, bà Thanh thấy trong người khang khác, rồi bà mang thai đủ tháng đủ ngày vào giờ Mão, ngày 26 – 10 năm Đinh Mùi, bà Thanh sinh ra một bọc 5 trứng, trong đó có 3 trứng màu vàng sinh ra 3 con trai, 2 trứng màu xanh sinh con gái. Các con của vợ chồng ông bà Vương Tĩnh con trai có dáng mạo khôi ngô, tuấn tú, con gái xinh đẹp. Năm 3 tuổi 5 người con được cha mẹ đặt tên, con trai lớn tên là Vương Đức Minh, con trai thứ Vương Đức Xuân, con trai thứ 3 tên Vương Đức Hồng, con gái lớn tên Vương Thị Đào, con gái thứ 2 tên là Vương Thị  Liễu. Các con đều được cha mẹ nuôi ăn học tinh thông văn võ.
Năm 980 để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị lực lượng, bài binh bố trận để sẵn sàng thực hiện cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Vua dẫn đại quân về vùng Chí Linh, khi qua Dược Đậu Trang thấy địa thế phù hợp cho việc điều binh khiển tướng cho các cánh quân thủy, bộ. Vua cho đóng đại bản doanh tại đây và tuyển chọn người tài cho cuộc kháng chiến. 5 anh em họ Vương lúc này đã khôn lớn, bèn ra ứng tuyển. Thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo trai khôi ngô, tuấn kiệt, gái xinh đẹp lại có tài thao lược văn võ tinh thông, am hiểu binh pháp liền phong tướng cho 5 anh em họ Vương.
Mùa xuân năm 981, quân Tống sang xâm lược nước ta, Vua Lê Đại Hành từ tổng hành dinh ở Dược Đậu Trang đã chỉ huy các cánh quân thủy, bộ nghênh tiếp địch. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, 5 vị tướng họ Vương đã lập nhiều chiến công. Khi cuộc kháng chiến chống quân Tống giành thắng lợi, ca khúc khải hoàn 5 vị tượng họ Vương xin nhà Vua cho ở lại quê nhà để chịu tang cha mẹ. Vào một đêm mưa gió, 5 vị tướng họ Vương đã hóa về trời. Tưởng nhớ công đức lao của 5 vị tướng họ Vương, nhà Vua đã cử quan triều đình về dự tang và chỉ đạo bản xã và nhân dân lập đền thờ 5 vị tướng quân và tôn xưng gọi là 5 đức Thánh họ Vương thờ phụng cho đến ngày nay. Khu di tích đền Cao là một nơi linh thiêng. Hằng năm, vào dịp mùa xuân lễ hội truyền thống đền Cao đã thu hút nhiều du khách về dâng hương chiêm bái, trảy hội.
Đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh thờ Đức Thánh Trần. Ông là Anh hùng dân tộc, danh tướng thế giới có nhiều công lao trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhất là lần 2, lần 3 trên cương vị Tổng tư lệnh, Quốc công tiết chế lãnh đạo toàn quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Ông tuy không phải là người sinh ra ở đây, song vùng Kiếp Bạc, Chí Linh lại là nơi ông ở, nơi ông lập đại bản doanh, nơi ông bày binh bố trận để đánh trận Vạn Kiếp nổi tiếng. Tại chiến trường Vạn Kiếp, ông cùng quân dân đã khiến cho quân Nguyên khiếp vía, không có đường thoát, đến nỗi chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng chạy về nước.
Sau chiến tranh, ông cùng gia đình tiếp tục sống ở Thái ấp Vạn Kiếp cho đến khi mất. Trong thời gian đó, bằng tấm lòng đức độ, tài năng ông đã giúp nhân dân trừ ma tà, chữa bệnh cho người dân và giúp dân ổn định cuộc sống, sản xuất. Khi ông mất, với công lao và đức độ ông được nhân dân phong Thánh và gọi là Đức Thánh Trần. Di tích đền Kiếp Bạc rất linh thiêng, nên hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, chính quyền và nhân dân địa phương mở hội truyền thống để du khách thập phương về trảy hội, chiêm bái. Đặc biệt là lễ hội mùa thu là lễ hội chính của đền Kiếp Bạc, tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần đã có hàng chục vạn du khách nô nức trảy hội về đền Kiếp Bạc để cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ cho quốc thái dân an, nhân dân làm ăn mùa màng bội thu, khỏe mạnh, hạnh phúc.
Nơi 2 vị tổ Trúc Lâm đắc đạo
Chí Linh không chỉ là nơi “sinh” Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên, 5 vị Thánh họ Vương và Đức Thánh Trần mà vùng đất này cùng với Yên Tử (Quảng Ninh) được Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các đồ đệ lựa chọn làm trung tâm Thiên phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, các vị tổ khai lập và phát triển Thiền phái đã cho xây dựng hệ thống các chùa triền, giáo lý của Thiền phái để tu tập. Đây là dòng thiền độc đáo mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có 3 vị tổ gồm: Đệ nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông; đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả; đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả. Trong 3 vị tổ này, có đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang tu tập, đắc đạo ở các chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) và Côn Sơn (phường Cộng Hòa) của Chí Linh.
Đệ nhị tổ Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương). Thuở nhỏ ông có thiên tư đạo nhãn. Năm 1304, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đến thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương ra bái yết và được Trần Nhân Tông thu nhận cho theo tu hành, học đạo và đặt tên mới là Hỉ Lai. Hỉ Lai thông minh, hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau ông được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến ngày mồng 1 tháng Giâng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm  cho ông. Từ đó ông trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền phái này. 
Năm 1330, Pháp Loa đang giảng kinh ở viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13 sư về viện Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) tĩnh dưỡng. Ngày 19 bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến trao cho bảo bối mà 22 năm trước Điều Ngự Trần Nhân Tông đã trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm và nói “Huyền Quang sẽ là người hộ trì, thừa kế”. Đến ngày 3 tháng 3 Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của sư xá lị của người được đặt trong tháp phía sau chùa Thanh Mai. Thượng hoàng Trần Minh Tông  ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông.
Trong giai đoạn hơn 20 năm đứng đầu Thiền phái, Pháp Loa đã cùng với các đệ tử, chư tăng trong Thiền phái ra sức phát triển, đưa dòng thiền này phát triển, lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, nhiều tượng được đúc, Pháp Loa cùng các đệ tử đi giảng kinh khắp nơi. Trong thời gian tuy không dài những ông đã tạo lên sự nghiệp lớn cho sự phát triển của Thiền phái nói chung và cho bản thân nói riêng. Đệ nhị tổ Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và viện nghiên cứu phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này bây giờ đều trở thành những trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa quý báu của đất nước.
Chùa Thanh Mai là ngôi chùa cổ nằm trên lưng chừng núi Tam Ban có độ cao 400m so với mặt nước biển. Chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, tương truyền do chính Pháp Loa xây dựng. Xung quanh chùa Thanh Mai hiện nay còn nhiều dấu tích của các nền chùa cổ với quy mô lớn, điều đó cho thấy thời đó, Thanh Mai có một hệ thống chùa quy mô to rộng. Trải qua thời gian, hệ thống chùa ở Thanh Mai đã bị mất dấu tích hoàn toàn. Những năm 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, chùa Thanh Mai được đầu tư xây lại mới hoàn toàn và trở thành điểm đến cho nhân dân, phật tử và du khách thập phương hành hương về chốn tổ linh thiêng chiêm bái, thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây.
Còn chùa Côn Sơn lại gắn với đệ tam tổ Huyền Quang. Ông tên thật là Lý Đạo Tái thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh  năm 1254 tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 21 tuổi, Ông đỗ đầu khoa Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Phù (năm 1274). Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc Triều. Không mặn mà với chốn quan trường, ông đã từ quan tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, hoằng dương phật pháp, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày viên tịch của Ông đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.
Gần 7 thế kỷ qua, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc,  di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu đồng bào Việt Nam. Với giá trị đặc biệt, Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Năm 2012, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIII, là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Nội dung văn bia ghi lại quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ XVII. Qua đó thấy rõ quy mô chùa Côn Sơn giai đoạn này là quần thể kiến trúc hoàn chỉnh gồm 83 gian với các công trình: Phật Điện, Tổ Đường, Hậu Đường, Đông Hành lang, Tây Hành lang, Cửu Phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng...
Với những giá trị đặt biệt  như vậy những năm gần đây, các di tích đang được các cấp bộ, ngành trung ương; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương và thị xã Chí Linh đầu tư trùng tu, tôn tạo và cải tạo hạ tầng  để khai thác giá trị di sản,, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Qua đó, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch tâm linh đưa lĩnh vực du lịch - dịch vụ trở thành lĩnh vực chủ đạo trong phát triển kinh tế của thị xã Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. 
 
                  
         Bài 5: Trên hành trình của thành phố tương lai
Không chỉ là vùng đất lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ nhiều nhất tài kiệt xuất đến thời cận, hiện đại, Chí Linh còn là vùng đất quật khởi trong đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, Chí Linh còn là địa phương năng động trong phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu, đời sống nhân dân được nâng lên. Bộ mặt Chí Linh ngày càng khởi sắc, trở thành một đô thị trẻ năng động của tỉnh Hải Dương. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Chí Linh đang nỗ lực hết sức để thực hiện các tiêu chí, kế hoạch để sớm được công nhận thành phố trước năm 2020.
Vùng đất quật khởi
Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta và sau này là phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương, nhân dân Chí Linh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử kiên cường, đã đứng dậy quật khởi đánh Pháp, đuổi Nhật và tích cực chi viên cho chiến trường miền Nam cả người và của để đánh Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước.
Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, sau khi tấn công chiếm giữ thành Hải Dương đến năm 1884 chúng tiếp tục tấn công lên địa bàn Chí Linh. Lúc này, nhân dân trong huyện đã tham gia phong trào khởi nghĩa của nghĩa quân Đốc Tít. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 7 năm 1884 đến tháng 8 năm 1889 đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Tiếp đó, nhân dân Chí Linh tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo trong giai đoạn từ 1895 đến 1913 (hiện nay một địa phương của thị xã Chí Linh được đặt theo tên người thủ lĩnh này, đó là xã Hoàng Hoa Thám).
Đến những năm từ 1927 đến 1930, huyện Chí Linh gắn với tên tuổi của một số lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu. Ngày từ năm 1927, Nguyễn Khắc Nhu một nhà nho yêu nước đã thành lập Hội Việt Nam Dân quốc (lúc này chưa sáp nhập vào Việt Nam Quốc dân Đảng) với dự định tổ chức một cuộc bạo động nhằm đánh chiếm đồn binh Pháp ở Phả Lại (huyện Chí Linh), Bắc Ninh, Đáp Cầu để làm căn cứ phát triển lực lượng và xuất phát hành động nhưng không thành do để xảy ra sự cố bom nổ. Năm 1928, Hội Việt Nam Dân quốc sáp nhập với Việt Nam Quốc dân Đảng và ông trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức đảng này. Từ cuối năm 1927 đến tháng 2 – 1930, Chí Linh trở thành một trong những căn cứ hoạt động chính của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo.
Sau khởi nghĩa Yên Bái, lãnh tụ Nguyễn Thái Học lui về hoạt động ở Chí Linh. Đến ngày 20 tháng 2 năm 1930, ông bị bắt tại Cổ Vịt, Chi Ngãi, huyện Chí Linh (nay thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh). Chí Linh là nơi chứng kiến những ngày hoạt động cuối cùng của người lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 17 tháng 6 năm 1930 thực dân Pháp hành quyết lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông tại pháp trường Yên Bái. Biết tin Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp xử tử, nhân dân Chí Linh đã lập đền thờ ông ở Cổ Vịt. Sau này, đền thờ Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp phá hủy. Hiện nay, ở thị xã Chí Linh cón một địa phương mang tên ông đó là phường Thái Học và ở phường Sao Đỏ cũng có 3 khu phố đặt tên ông, đó là khu phố Thái Học 1, Thái Học 2, Thái Học 3 để tưởng nhớ đến người lãnh tụ của một tổ chức Đảng đã hi sinh vì nước vì dân.
Cũng với việc tham gia các phong trào hoạt động cách mạng do tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng phát động, nhân dân Chí Linh còn tích cực tham gia hoạt động do các tổ chức cách mạng khác phát động như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hay còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Tại Chí Linh, năm 1928, đồng chí Trần Cung đã về xây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tuyên truyền cách mạng. Tại đây, đồng chí Trần Cung đã được những người dân tận tình giúp đỡ việc đi lại, ăn nghỉ để hoạt động. Sau đó, tại thôn Đỗ Xá (nay là khu dân cư Đọ Xá, phường Hoàng Tân) một chi bộ của Hội Viên Nam Cách mạng Thanh niên đồng chí hội được thành lập. Tiếp theo, nhiều cơ sở của Hội được phát triển lan rộng nhiều nơi trong huyện Chí Linh như các thôn Bích Nham, Vĩnh Đại, An Nhiễm, Trúc Thôn, mỏ than Cổ Kênh… phong trào cách mạng đang phát triển trong toàn huyện Chí Linh.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, không lâu sau vào tháng 3 năm 1930, đồng chí Trần Cung là một trong những đảng viên đầu tiên của tổ chức Đảng Cộng sản đã trở về Chí Linh để gây dựng cơ sở Đảng. Cũng tại đây, đồng chí đã lựa chọn chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đồng chí Hội của thôn Đỗ Xá để thành lập chi bộ đảng Cộng sản thôn Đỗ Xá. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của huyện Chí Linh và cũng là chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hải Dương.. Những năm sau đó, các chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đồng chí Hội của các cơ sở như mỏ than Cổ Kênh, Vĩnh Đại, Bích Nham… được chuyển sang thành lập chi bộ Đảng Cộng sản.
Tuy phong trào cách mạng của Chí Linh cũng có những lúc thăng trầm nhưng người dân Chí Linh luôn một lòng theo Đảng, sẵn sàng hi sinh tính mạng và của cải cho cuộc đấu tranh cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm giành chính quyền về tay nhân dân. Trong lịch sử, vùng đất Chí Linh đã từng là đại bản doanh, căn cứ địa để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đến thời cận hiện đại Chí Linh một lần nữa được lựa chọn cùng với huyện Đông Triều trở thành căn cứ địa, trung tâm vùng hoạt động của Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo do Nguyễn Bình (người sau này trở thành Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) thành lập và là Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo.
Để chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh thành lập 7 chiến khu. Ngày 8/6/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Trần Hưng Đạo được thành lập (gọi là “Đệ tứ chiến khu” Trần Hưng Đạo), trong đó lấy Đông Triều, Chí Linh là trung tâm căn cứ của chiến khu. Còn vùng hoạt động của Đệ tứ Chiến khu trải rộng khắp các tỉnh miền duyên hải như: Quảng Ninh (ngày này), Hải Dương, Hải Phòng…  Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đao ra đời đã tạo bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng ở Chí Linh. Lực lượng cách mạng của Đệ tứ Chiến khu đã phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức nhiều trận trấn áp, truy quét bọn thổ phỉ, cướp ở Bắc Nồi, Phục Thiện, Đại Tân… bảo vệ cuộc sống yên ổn cho nhân dân. Đặc biệt, ngày  17/8/1945, lực lượng Đệ tứ Chiến khu đã phối hợp với lực lượng địa phương huyện Chí Linh tổ chức đánh lui một đợt tấn công  của quân đội Nhật tại đồi thông Bắc Nồi và nhiều trận đánh khác góp phần vào sự thành công của Tổng cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nói chung và trên địa bàn Chí Linh nói riêng.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời tiếp tục lãnh đạo quốc dân đồng bào thực hiện 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ kèo dài 30 năm. Trong suốt 30 năm (1945 – 1975) ấy, quân dân Chí Linh luôn trung dũng, kiên cường và không quản ngại gian khổ lao động sản xuất để có lương thực chi viện cho các chiến trường với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong cuộc trường chinh của dân tộc, hàng nghìn người con Chí Linh đã anh dũng hi sinh và hàng nghìn người bị thương để lại một phần xương máu trên chiến trường để góp phần cùng với quân dân cả nước giành chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành lại độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.
Xây dựng thành phố tương lai
Hơn 10 năm sau khi đất nước thống nhất, huyện Chí Linh cũng với các địa phương trong cả nước cũng chung một tình trạng đói nghèo. Năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới do đảng phát động, Chí Linh từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan niêu bao cấp, sang phát triển kinh tế thị trường, kinh tế xã hội của Chí Linh có những bước thay đổi rõ rệt. Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, Chí Linh đạt được nhiều thành tựu đáng mừng đã làm thay đổi căn bản về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân trong huyện. Năm 2000 tổng sản phẩm GDP toàn huyện đạt gần 699 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 1985, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm, thủy sản – Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ, thương mại từ 81,5% – 15,3% – 3,2% (năm 1985) tăng lên 35,1% - 30,1% - 28,8% (năm 2000). Tổng sản lượng lương thực đạt gần 42.000 tấn, bình quân lương thực đạt 390kg/người/năm. Toàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 37,8% năm 1985 xuống còn 3,8% năm 2000.
Từ đó tạo đà cho kinh tế xã hội của huyện Chí Linh ngày càng vững bước đi lên, huyện Chí Linh tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất sản lượng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư để từ đó thúc đẩy nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, công ty được thành lập hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất công nghiệp. Hoạt động dịch vụ, thương mại cũng phát triển sầm uất, nhiều loại hình thương mại hiện đại như cửa hàng tự chọn, siêu thị ra đời. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng phát triển với các khu di tích ngày càng đầu tư để phát triển du lịch tâm linh, lượng du khách đến với Chí Linh ngày càng đông, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phát triển như vận tải, ăn uống, nghỉ ngơi… Hàng năm tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Nhiều dự án đô thị được triển khai, hoạt động chỉnh đang đô thị được quan tâm đâu tư. Vì vậy, những năm gần đây kinh tế - xã hội huyện Chí Linh ngày càng phát triển, tỷ trọng các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục thay đổi rõ rệt.
Năm 2010 huyện Chí Linh được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ – CP về thành lập thị xã Chí Linh, với 20 đơn vị hành chính cấp xã, phương trong đó có 8 phường và 12 xã. Đồng thời huyện Chí Linh đã được Chính phủ công nhận đô thị loại và thị xã Chí Linh được công nhận đô thị loại 4. Từ khi được nâng cấp thành thị xã Chí Linh, đảng bộ chính quyền và nhân dân thị xã đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Năm 2011, tổng giá trị sản phẩm của Chí Linh đạt hơn 5.270 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 443,5 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng đạt hơn 4.516 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt gần 410 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2011, Chí Linh triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc xây dựng NTM giúp cho bộ mặt các địa phương của Chí Linh thay đổi tích cực, toàn diện. Từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, năng suất, sản lượng tăng cao hơn, các ngành, lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển tích cực. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư tích cực; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 32,60%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 57,3%; nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn chiếm 10,10%. Giá trị sản xuất toàn thị xã đạt 11.410 tỷ đồng (tăng 8,89% so với năm 2016). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 232,4 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục được cải thiện nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng; trong đó khu vực nông thôn đạt gần 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,78%, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Cuối năm 2017, thị xã Chí Linh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chí Linh là một trong 2 địa phương đầu tiên được công nhận hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương.
Trong những ngày nay, Chí Linh đang đầu tư chỉnh trang nhiều con đường tuyến phố của thị xã, đặc biệt là 6 xã  nằm trong đề án để nâng cấp thành phường gồm: Văn Đức, Tân Dân, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Cổ Thành, An Lạc. Để sớm đạt mục tiêu, kế hoạch đưa thị xã Chí Linh nâng cấp trở thành thành phố trước năm 2020.
 
 
         Bài cuối: Biểu tượng nào cho thành phố Chí Linh?
Việc xây dựng biểu tượng hay lựa chọn một công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa hay kinh tế tiêu biểu của thành phố đó làm biểu tượng là điều cần thiết. Vì nó truyền tải những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất, nó gửi gắm thông điệp, khát vọng về sự phát triển vươn lên của thành phố cũng như của chính quyền và nhân dân ở thành phố đó. Trong những bài trước đã đề cập đến những nét, những công trình lịch sử, văn hóa đặc trưng của Chí Linh nhưng việc lựa chọn để tìm ra và tôn vinh thành biểu tượng của Chí Linh cũng không phải là một điều dễ dàng.
Một số xu hướng lựa chọn biểu tượng.
Hiện nay, nhiều thành phố ở nước ta và trên thế giới đều có biểu tượng của riêng mình. Việc lựa chọn biểu tưởng nhằm định vị, nhận diện ra nét đặc trừng, tôn chỉ, mục đích, định hướng của thành phố đó hướng đến điều gì và mang ý nghĩa nào. Những công trình được lựa chọn làm biểu tượng cho thành phố thường là những công trình mang tính lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của vùng đất đó mà các thành phố hoặc vùng miền khác không có. Để khi nhắc về công trình đó, người ta có thể biết đó là biểu tượng của thành phố nào và mục đích, ý nghĩa và định hướng của thành phố đó là gì?
Nhìn vào biểu tưởng của nhiều thành phố trong nước và trên thế giới, thấy có một số xu hướng lựa chọn biểu tượng. Trong đó xu hướng lựa chọn những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất gắn bó mang tính trường tồn với thời gian, với đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng đất đó hay thành phố đó được nhiều thành phố chọn làm biểu tượng. Có thể điểm ra được khá nhiều thành phố theo xu hướng này như:
TP Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của Việt Nam, vì vậy Hà Nội có nhiều công trình hiện đại như những tòa nhà cao tầng hiện đại và cũng có nhiều công trình lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiểu biểu và nổi tiếng như: Khuê Văn Các ở Văn miếu Quốc Tử giám, chùa Một Cột, tháp Rùa, cầu Long Biên, thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội… Việc lựa chọn một công trình tiểu biểu nào đó làm biểu tưởng cho Hà Nội cũng là vấn đề rất khó khăn. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua và lựa chọn Khuê Văn Các của Văn miếu Quốc Tử giám làm biểu tượng chính thức của thành phố. Văn miếu Quốc Tử giám được xây dựng vào năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Đây là trường Đại học đầu tiên của nước ta, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Còn Khuê Văn Các ở trong khu Văn miếu Quốc Tử giám được hoàn thành năm 1805, thời Nguyễn. Công trình có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, ý nghĩa về văn hóa và có tính biểu tượng cao. Việc TP Hà Nội lựa chọn Khuê Văn Các ở Văn miếu làm biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần hiếu học, tôn vinh đạo học. Một công trình biểu tưởng đã khái quát đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và định vị đúng về Hà Nội là thành phố hòa bình, văn hiến.
Thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cũng lựa chọn một công trình lịch sử, văn hóa làm biểu tượng của thành phố, đó là Văn Miếu Xích Đằng. Công trình này năm ở khu dân cư Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể  di tích ở phố Hiến. Di tích này được xây dựng vào cuối thời Lê (cuối thế kỷ 17) và được trung tu lớn vào năm 1839. Công trình rộng 6000 m2, bao gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, lầu chuông lầu khánh, hai nhà giải vũ, khu chính của Văn miếu, khu tháp thờ… công trình vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ đặc sắc. Tam quan của Văn miếu được xây theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”. Ngày xưa, Văn miếu Xích Đằng là nơi tổ chức kỳ thi Hương của các triều đình phong kiến. Việc thành phố Hưng Yên lựa chọn Tam quan của Văn miếu Xích Đằng làm biểu tượng có ý nghĩa thể hiện niềm tự hào, nơi hội tụ tinh hoa, học vấn , trí tuệ của người dân phố Hiến.
Ngoài ra, còn nhiều thành phố khác trong nước cũng chọn biểu tượng theo xu hướng này như: TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với biểu tượng Ngọ Môn và Hoàng Thành, đây là công trình biểu tượng mang tính lịch sử đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Huế. TP Nam Định (tỉnh Nam Định) lựa chọn công trình cột cờ Nam Định, đây cũng là di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, biểu tượng tiêu biểu cho kiến trúc thành Nam. Ngay như trong tỉnh Hải Dương có thành phố lựa chọn hình ảnh công trình được xây dựng lâu đời có tính chất lịch sử, văn hóa làm biểu tượng. Đó là TP Hải Dương lựa chọn hình ảnh cổng Thành Đông xưa làm biểu tượng cho mình…
Còn xu hướng lựa chọn những công trình mới, hiện đại được xây dựng mới cũng được nhiều thành phố chọn làm biểu tượng. Đây thường là những công trình hoành tráng, đồ sộ, thể hiện sự kết nối, khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Những công trình được chọn làm biểu tượng theo xu hướng này thường là công trình tòa nhà cao tầng, cầu, tháp, tượng đài… Nhiều thành phố chọn công trình mới xây làm biểu tượng như: TP Đà Nẵng chọn công trình cầu Rồng làm biểu tượng; TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chọn công trình tháp Trầm Hương làm biểu tượng; TP Buôn Mê Thuột chọn công trình Tượng đài Chiến Thắng ở trung tâm thành phố làm biểu tượng…
Chí Linh chọn biểu tượng theo xu hướng nào?
Vùng đất Chí Linh là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và có nhiều công trình, di tích cổ, đồng thời cũng là địa phương năng động trong phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương, tuy nhiên để lựa chọn biểu tượng Chí Linh được nâng cấp trở thành thành phố là điều không phải dễ dàng. Vậy biểu tượng của thành phố Chí Linh tương lai sẽ được chọn theo xu hướng nào?
Nếu theo xu hướng chọn các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc lâu đời làm biểu tượng thì vừa dễ vừa khó. Dễ bởi vì vùng đất Chí Linh có nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều di tích gắn với các danh nhân kiệt xuất của lịch sử như: Các di tích của Chí Linh bát cổ gồm: Trạng Nguyên cổ đường, Thượng tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Phao Sơn cổ thành, Dược Lĩnh cổ viên, Tiều Ẩn cổ bích, Tinh Phi cổ tháp, Vân Tiên cổ động, trong đó 3 di tích cổ gồm: Tiều Ẩn cổ bích giờ là di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An; Tinh Phi cổ tháp nằm trong di tích đền thờ Nữ Tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam Nguyễn Thị Duệ, Vân Tiên cổ động giờ là di tích chùa Huyền Thiên nằm trong khu di tích Phượng Hoàng. Ngoài Chí Linh bát cổ còn nhiều di tích quan trọng và giá trị khác như: Di tích đền Kiếp Bạc thờ Danh tướng thế giới, Anh hùng Dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; di tích chùa Côn Sơn thờ Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang, đền Nguyễn Trãi thờ Danh nhân Văn hóa Thế giới, Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi; khu di tích đền Cao thờ 5 vị thánh họ Vương là những vị tướng có công lao giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống xâm lược năm 981 và nơi đây cũng là đại bản doanh của Vua Lê Đại Hành điều binh khiển tướng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống; chùa Thanh Mai thờ Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa… Tuy nhiên, khó chọn cũng bởi các công trình có lịch sử lâu đời nhưng trải qua thời gian nhiều công trình di tích đều đã xuống cấp, không còn dấu tích. Hiện nhiều di tích được xây mới trên nền di tích cũ nhưng theo kiến trúc của di tích trước. Kiến trúc các đền, chùa tại các di tích tuy bề thế, nhưng kiến trúc lại giống với các đền, chùa ở miền Bắc nên cũng không tạo ra sự riêng biệt của vùng đất Chí Linh nên không thể chọn làm biểu tượng.
Xu hướng lựa chọn công trình xây mới làm biểu tượng lại càng khó, vì các công trình hiện đại của Chí Linh không có công trình nào to cao, đẹp, đồ sộ mang tính biểu tượng.
Trước đây, nhiều người dân Chí Linh thường tự hào về Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại với cột ống khói cao vút. Cộng trình được xây dựng cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là một trong những công trình nhiệt điện được xây dựng sớm nhất của nước ta. Nó có thể mang tính biểu tượng trong thời kỳ đó, bởi nó là công trình độ sộ, tượng trưng cho đổi mới, tượng trưng cho sự phát triển nền công nghiệp của Chí Linh, tạo bước đột phá, bứt khỏi nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã tạo nên cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thơ, nhạc, họa. Một thời, nhiều người dân Chí Linh thuộc và hát vang bài hát ca ngợi công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, tự hào về Chí Linh có công trình thế kỷ này: “Em yêu quê hương em Chí Linh lịch sử. Có Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại mến yêu. Em yêu cột ống khói cao nhất trên công trường. Nhưng em còn yêu hơn bác công nhân nhà máy. Áo thấm mồ hôi muối, tay nấm màu xi măng. Bác làm trên công trường đứng cao hơn ống khói. Bác làm ra ánh sáng truyền giòng điện đi muôn nơi. Đem ánh sáng cho đời. Em càng nhiêu nhà máy. Em càng yêu quê hương. Em càng yêu bác công nhân.”. Một thời, khi nói đến Chí Linh người ta nói ở đó có “ống khói Phả Lại”, còn khi nói về “ống khói Phả Lại” người ta biết nó nằm ở Chí Linh. Nếu trước đây, chọn làm biểu tượng thì rất xứng đáng bởi công trình có tính định vị, nhận diện, tượng trưng và ý nghĩa. Còn bây giờ chọn công trình này làm biểu tượng cho Chí Linh thì không còn hợp nữa. Bởi hiện nay, có nhiều công trình nhiệt điện, thủy điện đã xuất hiện nhiều nơi trong nước với công suất lớn hơn, hiện đại hơn, vì vậy không còn ý nghĩa tượng trưng cho sự đổi mới phát triển nữa.
Hai xu hướng lựa chọn biểu tượng cho Chí Linh đều không phù hợp để chọn biểu tượng. Tuy nhiên, Chí Linh có thể xây dựng một công trình làm biểu tượng cho thành phố trong tương lai. Một công trình được thiết kế sẽ kết hợp giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc và những yếu tố hiện đại để tạo thành công trình biểu tượng của Chí Linh nhằm gửi gắm niềm ước vọng vươn lên trên nền tảng của lịch sử, văn hóa để hướng tới sự phát triển bền vững.
Ví dụ Chí Linh có thể xây dựng một công trình tháp bút ở trung tâm quảng trường Hồ Mật Sơn, trong đó trên đỉnh tháp bút được tạo như ngòi bút lông thời xưa cách điệu giống hình ngọn đuốc, ngọn lửa. Bên dưới thân tháp bút được khắc họa bằng các họa tiết gắn với các đặc trưng của các công trình, di tích của Chí Linh như Chí Linh bát cổ, đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền Cao, chùa Thanh Mai… Dưới chân đế của tháp bút cũng được tạo hình bằng các họa tiết mạnh mẽ, khỏe khoắn biểu thị cho những võ công hiển hách của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến lần 2, lần 3 chống quân Nguyên Mông xâm lược trên vùng đất Chí Linh. Công trình tháp bút này biểu thị ý nghĩa thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Dùng võ để đấu tranh giành độc lập chủ quyền xây dựng nền tự chủ cho quốc gia, dân tộc. Đất nước yên bình dùng văn trị, coi trọng giáo dục để đào tạo nhân tài xây dựng đất nước giàu đẹp.
Xây dựng công trình tháp bút nó mang nét đặc sắc riêng của Chí Linh, vì các danh nhân ở Chí Linh đều là những người hay chữ, giỏi thơ văn, trong đó có nhiều danh nhân như Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ là những nhà giáo xuất sắc trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Tại đền thầy giáo Chu Văn An, nhiều năm trở lại đây đã phụng dựng lại hoạt động đặc sắc đó là lễ khai bút đầu xuân để tôn vinh đạo học. Công trình tháp bút xứng đáng làm biểu tượng của thành phố Chí Linh tương lai.
Việc lựa chọn biểu tượng nào cho thành phố Chí Linh tương lai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có sự chung tay chung sức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân Chí Linh, cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những người có chuyên môn về kiến trúc, biểu tượng để cùng bàn bạc đóng góp để xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh xứng tầm những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền tải khát vọng của vùng đất và con người nơi đây.
DULICHCHILINH.COM
Call: 0888888834

Tác giả bài viết: Hoàng Dũng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây