Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

https://dulichchilinh.com


 Đánh thức tiềm năng du lịch chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là một ngôi cổ tự được xây dựng vào thời nhà Trần. Chùa còn là trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm và gắn với cuộc đời của Đệ nhị tổ Pháp Loa. Thanh Mai còn là vùng rừng núi có cảnh quan đẹp, có rừng lá phong cổ thụ độc đáo. Nơi đây có nhiều tiềm năng để trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, tuy vậy vẫn chưa được đánh thức.
        
22179682 1426593194127833 8819272955095096626 o
 
Vùng di tích danh thắng giàu tiềm năng du lịch
Chùa Thanh Mai nằm ở lưng chừng núi Tam Ban thuộc cánh cung Đông Triều – Yên Tử. Đây là một khu rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương, với sự đa dạng, phong phú của hệ thống động thực vật. Đối với người dân địa phương, nơi đây có cảnh sắc đẹp nên thơ. Mùa xuân cây đâm trồi nảy lộc, màu xanh non tơ của cây lá và trong rừng rộn rã tiếng chim thánh thót, khiến cho lòng người thêm phấn khởi, yêu đời. Đặc biệt ở Thanh Mai có rừng lá phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Vào cuối thu sang đông, cả cánh rừng lá phong chuyển màu lá vàng rực, đẹp đến kỳ lạ.
Ngôi chùa cổ và những di vật cổ cũng là những điểm nhấn đáng để du khách tìm hiểu. Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, gắn với cuộc đời Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa. Chùa Thanh Mai cùng với chùa Côn Sơn, chùa Ngũ Đài của thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và chùa Quỳnh Lâm, Yên Tử của Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong những trung tâm của Thiền phái Phật giáo này do 3 vị tổ gồm: Đệ nhất tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông; Đệ nhị tổ Pháp Loa; Đệ tam tổ Huyền Quang sáng lập và phát triển. Trải qua thời gian và những biến thiên lịch sử ngôi chùa đã bị xuống cấp.
Gần đây ngôi chùa được khôi phục lại với kiến trúc chùa truyền thống mang đặc trưng của miền Bắc với 7 gian tiền đường, 5 gian tam bảo, 2 dẫy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía trước chùa có 7 ngôi tháp nhỏ, sau chùa có một tháp to tên là Viên Thông được xây dựng năm 1334, nơi đặt xá lị hài cốt của Đệ nhị tổ Pháp Loa. Mặt khác trong khuôn viên chùa có 7 tấm bia, trong đó Thanh Mai Viên thông tháp bi là có giá trị nhất, ghi lại những thông tin về cuộc đời Đệ nhị tổ Pháp Loa, ghi lại những thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, đất đai thời Trần. Chính vì giá trị như vậy, cuối năm 2016 Thanh Mai Viên Thông tháp bi đã được Thủ tướng Chính phủ Công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Hệ thống tháp, bia đều được xây dựng, chạm khắc thời nhà Trần có niên đại hơn 600 năm. Ngoài ra, còn nhiều dấu tích có giá trị đánh dấu sự tồn tại, phát triển và trở thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.  
Tuy nhiên, hiện nay di tích, danh thắng chùa Thanh Mai vẫn chưa được nhiều người biết đến rộng rãi như di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, di tích đền Chu Văn An... của thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và Yên Tử, Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Tuy chưa có con số thống kế cụ thể, nhưng hàng năm số lượng khách đến với Thanh Mai còn ít, tự phát, lẻ tẻ và chủ yếu dịp Tết và những ngày hội vào đầu tháng 3 âm lịch. còn những ngày khác trong năm ít người đến tham quan. Nguồn thu chủ yếu là nguồn công đức của phật tử, du khách thập phương. Nguồn này cũng ít ỏi, không đáng kể còn nguồn thu dịch vụ của nhân dân địa phương hầu như không có.
Đánh thức tiềm năng
Trong đợt Famtrip và tọa đàm tìm giải pháp phát triển du lịch thị xã Chí Linh được UBND thị xã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức dịp cuối năm 2017. Sau khi đi điền dã di tích và danh thắng chùa Thanh Mai, các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn khiến các di tích, các khu du lịch trên địa bàn thị xã Chí Linh, trong đó có chùa Thanh Mai chưa thu hút đông và “móc” được hầu bao của khách du lịch.
Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân khiến cho vùng di tích danh thắng giàu tiềm năng du lịch này chưa được phát huy, chưa trở thành điểm du lịch hấp dẫn là do địa phương thiếu cơ sở hạ tầng du lịch, không có những điểm để du khách nghỉ ngơi, thư giãn, sản vật mang đặc trưng của địa phương để níu kéo du khách nghèo nàn, hầu như không có gì để “móc” hầu bao du khách. Chưa đa dạng các sản phẩm du lịch. Nếu chỉ đến thực hành tín ngưỡng tâm linh dâng hương lễ Phật và ngắm cảnh chùa, phong cảnh rừng cây thì chỉ độ nửa tiếng đến 1 tiếng là du khách chán lên xe đi nơi khác. Vì vậy, ngoài phát triển du lịch tâm linh, còn cần phải đưa ra thêm nhiều sản phẩm du lịch khác như: du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm.
Đại diện các công ty lữ hành sau chuyến Famtrip đó cũng tỏ ra vô cùng thích thú và khen Thanh Mai có ngôi chùa cổ, có phong cảnh rừng cây, nhất là rừng lá phong đẹp, lý tưởng cho các hoạt động du lịch tâm linh, trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên họ cũng tỏ ra tiếc nuối vì đến bây giờ họ mới biết đến Thanh Mai. Họ cho rằng chính vì chưa có nhiều hoạt động du lịch nên công tác tuyên truyền quảng bá chưa được quan tâm, không có sự kết nối với các công ty lữ hành để xây dựng tour du lịch đưa du khách tới tham quan, vì vậy không được nhiều người biết đến. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế khác đó là chưa có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cộng đồng nhân dân địa phương tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch này…
Nhiều giải pháp được đưa ra: Trong khi chờ các cấp chính quyền, ngành chức năng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cho Thanh Mai, trước mắt chính quyền địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tư duy và tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, dịch vụ. Tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, chẳng hạn đối với cánh đồng rộng mênh mông như thảo nguyên của thôn Đá Bạc 2 sang trồng một những loại cây, hoa nào đó để tạo cảnh quan đẹp phục vụ du khách trải nghiệm ngắm, chụp ảnh. Còn đối với những vùng dưới chân núi thuộc thôn Thanh Mai có thể quy hoạch trồng những cây nổi tiếng của địa phương như cây đào rừng. Tạo ra những khu rừng đào, vườn đào rực rỡ vừa phục vụ nhân dân bán vào dịp Tết vừa để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Một sản phẩm nổi tiếng và chất lượng khác của Hoàng Hoa Thám, đó là mật ong. Nhiều du khách khi đến thăm chùa Thanh Mai đã mua mật ong nơi đây về sử dụng và khen ngon. Vì vậy, có thể phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Vừa để có sản phẩm bán cho du khách, vừa cũng là dịp để du khách trải nghiệm tìm hiểu nghề nuôi ong và quay lấy mật, cũng rất lý thú với du khách.
Xây dựng nhiều các mô hình để giúp khách du lịch có nhiều trải nghiệm khác nhau. Ví dụ ở Hoàng Hoa Thám có lò Gốm Thi Nguyên khá độc đáo, đậm không gian nghệ thuật và khá nổi tiếng trong giới làm Gốm nghệ thuật. Hay khuyến khích người dân phát triển các loại hình dịch vụ homestay, dịch vụ ẩm thực, đồ lưu niệm… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về di tích và thắng cảnh Thanh Mai, sản phẩm dịch vụ trong chuỗi phục vụ du lịch của địa phương trên các phương tiện truyền thông, báo chí, trang Web, mạng xã hội. Kết nối với các công ty lữ hành đưa điểm du lịch chùa Thanh Mai vào các tour du lịch tâm linh, trải nghiệm, khám phá, nghỉ ngơi cuối tuần…
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và xã Hoàng Hoa Tham, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm về du lịch, lữ hành và cộng đồng nhân dân địa phương có thể sớm đánh thức tiềm năng của vùng đất này để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
 
 Dulichchilinh.com
Call: 0929.85.85.85

 

Tác giả bài viết: Kim Xuyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây