Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

https://dulichchilinh.com


DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA ĐÌNH CHÍ LINH (XÃ NHÂN HUỆ - THÀNH PHỐ CHÍ LINH - TỈNH HẢI DƯƠNG)

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA ĐÌNH CHÍ LINH (XÃ NHÂN HUỆ - THÀNH PHỐ CHÍ LINH - TỈNH HẢI DƯƠNG)
Đình Chí Linh nằm ở thôn Chí Linh, xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào “Thần tích bi ký” khắc dựng năm Tự Đức 20 (1867) hiện còn lưu giữ tại đây cho biết rằng, đình Chí Linh thờ 3 vị Thành hoàng làng gồm: Cao Sơn Quốc Trạng Đại Vương (tức Cao Hiển, Thánh Cả); Đương Cảnh Thành Hoàng Quảng Bác Đại Vương (tức Phạm Cường, Thánh Hai); Đương Cảnh Thành Hoàng Hùng Duệ Đại Vương (tức Phạm Úy – Thánh Ba).
z4213975988103 6f8ed6cce6f7e1001bcc4dc3235586fe
Tượng tam vị Thành hoàng
Theo thần tích, Cao Sơn Quốc trạng Đại Vương là nội tộc Tản viên Quốc vương thứ hai thời Hùng Vương thứ 18 tên là Cao Hiển tinh thông văn võ, đã “âm phù” giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc cứu nước. Cao Sơn Đại Vương hóa thân thành một vị tướng tài của vua Lý cầm quân đi đánh giặc. Đến Ba Gia Trang, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương gặp 2 anh em sinh đôi, người bản trang là Phạm Cường, Phạm Úy là con ông bà Phạm Chân và Đào Thị Quý. Thấy hai anh em Phạm Cường, Phạm Úy văn võ song toàn, tài năng xuất chúng, Hiển Công liền chiêu mộ làm bộ tướng của mình. Sau khi đánh trận bến Động (nay là Bình Than – Lục Đầu) giành chiến thắng trở về, qua Ba Gia Trang khao quân, Hiển Công và 2 bộ tướng Phạm Cường, Phạm Úy hóa cùng một ngày. Ghi nhớ công ơn của 3 vị tướng tài, vua Lý Thái Tông xuống chiếu cử hành tang lễ trang trọng và cho dân sở tại lập miếu để phụng thờ.
z4213977822993 54e7608026cd2b6df6d6a7ab5b5780ac
Đình Chí Linh
Đình Chí Linh được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê (TK18), được trùng tu và tôn tạo vào thời Nguyễn qua các năm 1848, 1856, 1859, 1867, 1911. Kiến trúc ban đầu theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung xây theo hướng tây. Đến năm Khải Định nguyên niên (1916) nhân dân tiếp tục xây thêm 5 gian tiền tế và hai giải vũ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong những ngày lễ hội.
 
Hiện nay trong đình vẫn giữ được nhiều đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Trải qua nhiều biến động lịch sử, đình Chí Linh đến nay còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như bộ tượng “Tam vị thành hoàng” từ thời Nguyễn, 9 đạo sắc phong từ thời vua Thành Thái đến vua Khải Định, 16 tấm bia công đức từ thế kỷ 18, 19...
z4213977039116 499d9eeac8513a70677a8230f7004941
Hệ thống văn bia tại đình Chí Linh
Lễ hội đình Chí Linh diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội diễn ra trong 03 ngày, trong đó ngày mùng 10 là chính hội. Trong lễ hội có lễ tế Thành hoàng làng được chú trọng nhất, ngoài ra trong lễ hội còn có các hình thức diễn xướng dân gian khác: hát quan họ và các trò chơi dân gian như: bơi chải, chọi gà, bóng chuyền, vật võ…Ngoài ngày lễ hội chính, vào ngày 10 tháng 11 âm lịch là ngày sinh của Nhị Công (Phạm Cường, Phạm Uy) thì dân làng cũng tổ chức cúng tế.
z4217638738421 f29a8a6a6c2b1e79bb9af83cdc271ad0
Dâng hương tại lễ hội đình Chí Linh
z4213979263234 7f2b15c10739708cc222c0fb54916681
Ảnh tế tại lễ hội đình Chí Linh
 
Đình Chí Linh là nơi thờ những anh hùng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của nhân dân xã Nhân Huệ, hun đúc truyền thống yêu nước của dân tộc. Căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh và những kiến trúc truyền thống,  Đình Chí Linh đã được Bộ Văn Hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia năm 1994.
z4219196290529 94b5a49d01ed4cf7c877dcef45978d75
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây