Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


TP Chí Linh quan tâm tôn tạo, bảo vệ di tích gắn với phát triển du lịch

Những năm gần đây, TP Chí Linh luôn quan tâm đầu tư, chỉ đạo công tác trùng tu, tôn tạo bảo vệ di tích gắn với phát triển du lịch. Những việc làm thiết thực cụ thể thời gian qua đã nói lên quyết tâm của lãnh đạo thành phố nhằm đưa du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chí Linh.
77272606 1463178317180073 2968260303516598272 n 1
   
Bảo vệ tôn tạo di tích
Chí Linh được thiên nhiên ưu đãi “ban” cho nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan đẹp nên từ xa xưa đã được nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước lựa chọn làm nơi ở và cũng là nơi sinh ra nhiều danh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước. Địa danh Côn Sơn, Kiếp Bạc gắn với các danh nhân Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang; núi Phượng Hoàng gắn với danh nhân Chu Văn An, Nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ; núi Quy Sơn gắn với Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa. Hay cũng có những nơi lại gắn với truyền thuyết, huyền thoại, huyền sử về các vị thần hiển linh cứu nhân độ thế như: núi Kỳ Lân gắn với truyền thuyết về đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên; vùng đất An Lạc gắn với huyền sử về 5 vị thánh họ Vương ... Những danh thắng này đã trở thành di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng được người dân cả nước biết đến. Ngoài ra, Chí Linh còn nổi tiếng bởi 8 công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà lịch sử gọi là vùng đất “Chí Linh bát cổ” gồm: Trạng nguyên cổ đường, Tiều ẩn cổ bích, Dược Lĩnh cổ viên, Nhạn Loan cổ độ, Phao Sơn cổ thành, Thượng tể cổ trạch, Vân tiên cổ động, Tinh Phi cổ tháp.
Mỗi địa danh nơi đây đều gắn liền với những sự kiện lịch sử, truyền thuyết, huyền tích của các bậc thánh nhân, liệt nữ, nhân thần, thiên thần trong tâm thức người Việt. Vì vậy, mảnh đất Chí Linh có sự tập trung các di tích với mật độ dày đặc, phong phú về thể loại, bao gồm cả di tích Phật giáo, di tích gắn với tín ngưỡng dân gian, di tích gắn với anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, các di tích và công trình cổ đã bị mai một, xuống cấp.
Ngoài khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc được tỉnh Hải Dương quan tâm đầu tư nay đã trở thành “chốn Tùng Lâm” nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan, chiêm bái thì các di tích khác do thành phố Chí Linh quản lý cũng từng bước được đầu tư, tôn tạo. Đặc biệt những năm gần đây, nhiều di tích đã được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo phòng, ban, ngành và các địa phương có di tích cùng bảo vệ; đề xuất các cấp lãnh đạo đầu tư và kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo di tích, xây dựng cảnh quan, hạ tầng nhằm mục đích phát triển du lịch.
Từ năm 2016 đến 2019, nhiều di tích trên địa bàn thành phố đã được các cấp, các ngành và thành phố đầu tư, kêu gọi đầu tư kinh phí để tôn tạo, xây dựng hạ tầng di tích. Cụ thể: Ngân sách tỉnh sẽ đầu tư “Dự án xây dựng hạ tầng du lịch chùa Huyền Thiên"; Ngân sách thành phố Chí Linh đầu tư các công trình, dự án như: Công trình làm đường và bãi xe phụ vào đền Chu Văn An, trị giá hơn 6 tỷ đồng; công trình đường lên lăng mộ Chu Văn An, giá giá hơn 10 tỷ đồng; công trình cổng chào đền Cao, trị giá hơn 1 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ quốc lộ 37 đi vào đền Cao, kinh phí 17,5 tỷ đồng; công trình trùng tu tôn tạo đền Gốm, trị giá hơn 8 tỷ đồng. Thành phố cũng đã huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng được nhiều công trình như: Công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Cao, kinh phí gần 10 tỷ đồng; công trình tôn tạo nghi môn, tháp mộ Tinh phi cổ tháp ở đền Nguyễn Thị Duệ, trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều di tích đang tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: đền Sinh – đền Hóa, chùa Thanh Mai, còn chùa Ngũ Đài đang được triển khai khảo cổ học để đánh giá hiện trạng, giá trị của di tích trên cơ sở đó đầu tư tôn tạo nhằm phát huy các giá trị của di tích trong phát triển kinh tế du lịch.
Gắn với phát triển du lịch
Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đa dạng, phong phú như vậy, Chí Linh có một nguồn “tài nguyên” du lịch đặc sặc và phong phú, nguồn lực du lịch mạnh mẽ, dồi dào hoàn toàn có thể trở thành một vùng du lịch hấp dẫn. Tuy vậy, thực tế trong những năm qua hoạt động du lịch trên địa bàn Chí Linh chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình. 
Nhận thấy những hạn chế đó làm ảnh hưởng đến ngành kinh tế du lịch dịch vụ, thành phố Chí Linh đã phối hợp với Viên Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng xây dựng 3 đề án gồm: Đề án Phát triển du lịch Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; đề án Xây dựng và phát triển du lịch tại di tích đền Sinh, đền Hóa thành phố Chí Linh; đề án Xây dựng di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đề thờ Bà chúa Sao sa, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Việc xây dựng các đề án này của thành phố Chí Linh nhằm cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và chủ trương, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh; định hướng phát triển du lịch Chí Linh và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thu hút đầu tư phát triển du lịch Chí Linh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP Chí Linh; góp phần phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp hiệu quả và bền vững.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài hệ thống di tích văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh phong phú, đa dạng, TP Chí Linh còn được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên du lịch sinh thái hấp dẫn. Nơi có điểm dừng của mạch núi Đông Bắc, vùng đất của non thiêng tứ linh quần hội vừa kỳ vĩ, vừa uy linh tạo nên thế đất rồng chầu hổ phục, long phường trình tường. Ngoài ra, dãy núi Ngũ Nhạc nơi tọa lạc 5 miếu thờ 5 vị thần tượng trưng cho 5 phương theo quan niệm của đạo giáo. Cùng với các ngọn núi này, nơi đây còn có hệ thống các rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như rừng thông, bãi rễ, rừng lim cổ, đặc biệt là rừng phong. Vì vậy vùng đất Chí Linh có thể phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách như: Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch lễ hội; du lịch danh nhân, lịch sử; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch đường thủy, du lịch thư gian, ngắm cảnh quan sông nước, du lịch ẩm thực; du lịch trải nghiệm leo núi, nông nghiệp, văn hóa...
Đề án cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đào tạo nguồn nhân lực du lịch , chính sách thu hút đầu tư, huy động vốn cho phát triển du lịch, đầu tư hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng du lịch như giao thông, ăn nghỉ, lưu trú; đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng nâng cấp các sản phẩm du lịch tâm linh hiện có, đồng thời xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề; giải pháp phát triển nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức; giải pháp đầy mạnh công tác truyền thông dựa trên các phương tiện truyền thông truyền thống với các phương tiện truyền thông mới...
Từ các phân tích tiềm năng, điều kiện phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, giải pháp, đề án cũng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như: Chỉ tiêu phát triển ngành: về khách du lịch phấn đấu năm 2025 đón 270 nghìn lượt khách quốc tế và 2,6 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 500 nghìn lượt khách quốc tế và 5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu năm 2025 đạt hơn 710 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 2.545 tỷ đồng; tạo việc làm từ du lịch, phấn đấu năm 2025 tạo ra 3.900 việc làm, đến năm 2030 tạo ra 8.500 việc làm...
Từ các đề án và quyết tâm thực hiện đề án, lãnh đạo thành phố Chí Linh tin tưởng ngành kinh tế du lịch dịch vụ phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa TP Chí Linh trở thành đô thị dịch vụ du lịch cấp cao vào năm 2030./.
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Ban QLDT Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây