Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


Nhiều nét đặc sắc, hấp dẫn ở lễ hội đền Cao (xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương)

Đền Cao nằm trong khu di tích đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lao lớn giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc Tống xâm lược năm 981. Sau khi giành thắng lợi, 5 vị tướng quân họ Vương xin phép vua được ở lại quê nhà chịu tang cha mẹ và mất tại đây. Để tưởng nhớ công đức của 5 vị tướng họ Vương nhân dân địa phương đã xây đền Cao để thờ phụng đến ngày này.
 
Lễ hội đền Cao (9)
Lễ rước bộ.
Theo Ban Tổ chức lễ hội đền Cao năm 2017 cho biết: Lễ hội đền Cao năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 18 – 2 đến 20 – 2 (tức từ 22 – 24 tháng Giêng âm lịch). Trong 3 ngày lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Về phần lễ có nhiều hoạt động nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục, lễ rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, lễ tế hội đồng, lễ khai hội truyền thống đền Cao, lễ rước bộ, lễ tế yên vị, lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế đập đất, vật đập đất...
Về phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian đặc sắc, hấp dẫn như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho; biểu diễn nghệ thuật mừng lễ hội; biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước; tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố; giải vật truyền thống.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Thị Ủy viên- Trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh nhấn mạnh, trong phần nghi lễ có nhiều nghi lễ đặc sắc, độc đáo như: lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế đập đất, vật đập đất… Đây đều là những nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh mong cầu sự may mắn.
Ông Thắng giải thích: Lễ ban “Khước Thánh” là sau khi bản đền làm lễ thay áo mới cho Đức Thánh vào 21 tháng Giêng. Sau đó tấm áo thay ra của Đức Thánh sẽ được cắt nhỏ thành từng miếng đóng ấn gọi là “Khước Thánh” và ban phát cho nhân dân. Người dân nhận được “Khước Thánh” sẽ mang về nhà đặt ở chỗ trang trọng trong nhà với tâm niệm sẽ được Đức Thánh phù hộ may mắn, sức khỏe, công việc thuận lợi, hanh thông. Còn đối với nghi lễ Tế đập đất, vật đập đất mang ý nghĩa cầu mùa trong sản xuất nông nghiệp mong được mùa màng bội thu cho nhân dân trong vùng.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết, năm nay có nhiều hoạt động mới hấp dẫn khác như: Tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bảo bố; mời Đoàn rối nước Lê Lợi (huyện Gia Lộc) và Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh Hải Dương về biểu diễn, phục vụ du khách thập phương.
Đặc biệt trong ngày 20 – 2, Ban QLDT thị xã Chí Linh tổ chức lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Cao. Nhiều hạng mục sẽ được trùng tu, tôn tạo như: Xây nghi Môn đền Cao, lát bậc đá lên đền, mở rộng sân, khuôn viên đền, xây nhà giải vũ phía tây đền, lắp đặt hệ thống ánh sáng quanh đền. Kinh phí dự kiến gần chục tỷ đồng, góp phần đưa khu Thánh tích đền Cao vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng lòng ngưỡng vọng của du khách thập phương khi đến với Du lịch Chí Linh.
 

Tác giả bài viết: Kim Xuyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây