Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


HỘI THẢO BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ THĂM DÒ, THÁM SÁT, KHAI QUẬT KHẢO CỔ CHÙA NGŨ ĐÀI, PHƯỜNG HOÀNG TIẾN, THÀNH PHỐ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG.

Chiều 13/1, tại thành phố Chí Linh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh tổ chức Hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
                 
137232312 1215873005475823 679585667855960476 n
137092057 428989368250447 8266698387890673228 n
136778121 3265397783564467 7886972970237042113 n
138232706 415588406375066 5306080541103769000 n
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo khoa học.
 
Dự hội thảo có đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương;  đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Chí Linh; các cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và TP Chí Linh.
Theo Báo cáo Sơ bộ kết quả điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật, chùa Ngũ Đài nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương còn có tên gọi khác là Kim Quang tự. Chùa Ngũ Đài do Thiền phái Trúc Lâm xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông, năm 1320 và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn. Tuy nhiên, trải qua thời gian nắng mưa tàn phá cùng bao biến động lịch sử, ngôi chùa đã bị hư hại nặng nề, chỉ còn một số gian thờ tự ở dưới chân núi. Đến năm 1936, nhân dân địa phương thấy cảnh chùa quanh năm ẩm thấp, nên quyết định chuyển chùa lên vị trí hiện nay. Năm 2003, chùa lại tiếp tục bị xuống cấp nặng nề, nhân dân và những nhà hảo tâm đã góp công, góp sức dựng lại ngôi chùa với kiểu thức hình chữ Đinh (T) gồm 5 gian Tiền đường, 2 gian Hậu cung, cùng các gian nhà thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Nhà thờ Tổ.
          Theo truyền thuyết dân gian, nhân dân trong vùng tương truyền, ở khu vực Ngũ Đài Sơn xưa, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, linh thiêng, với hàng trăm gian nằm rải từ chân lên tới đỉnh núi Đống Thóc, Cổng Trời như chùa Hàm Long, Bát Hương, Hang Pheo… Cùng với đó là “Công viên đá” với muôn hình vạn trạng như Thỏ, Rùa, Ông Cóc hay Bàn chân Phật, Cổng Trời, Giếng Trời, Nậm Rượu... tạo cho không gian Ngũ Đài Sơn trở thành chốn linh thiêng bậc nhất của vùng đất Chí Linh, Hải Dương.
Qua điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật tại Khu di tích chùa Ngũ Đài bước đầu đã có kết quả. Với diện tích trên 1.200m2 thám sát và khai quật, kết quả đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích, qua đó đã xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ 14 (thời Trần) đến đầu thế kỷ 20 (thời Nguyễn). Đồng thời, đoàn khai quật đã thu được một khối lượng lớn các loại hình di vật với 7668 tiêu bản, trong đó có 7 tiêu bản đồ đá, 3569 tiêu bản vật liệu và trang trí kiến trúc bằng đất nung, 373 tiêu bản đồ đựng đất nung, 1756 tiêu bản đồ đựng sành, 1689 tiêu bản đồ đựng gốm men, 235 tiền đồng cổ, 39 tiêu bản đồ kim loại các loại thuộc các niên đại thời Trần, Lê, Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số mảnh đồ đựng bằng sứ men trắng vẽ lam của Trung Quốc (thế kỷ 18 - 19) cùng sưu tập gồm 51 đồng tiền có niên đại từ thời Đường đến thời Minh (thế kỷ 9 - 15). Mở rộng điều tra, khảo sát còn phát hiện thêm nhiều địa điểm có dấu tích chùa, tháp thời Trần, Lê, Nguyễn phân bố trên các dãy núi phía sau chùa Ngũ Đài.
Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đều thống nhất những thông tin ghi chép trong văn bia và truyền thuyết dân gian về ngôi chùa này là hoàn toàn chính xác. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh chùa được khởi dựng từ thời Trần, đầu thế kỷ 14, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ 17, tiếp tục trùng tu và cải tạo vào giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20 lại tiếp tục được đầu tư xây mới và dịch chuyển về vị trí như hiện nay. Các ý kiến cũng nhất trí, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang) tạo thành một vùng “tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ.
Nhiều đề xuất kiến nghị đáng lưu ý như: Cần sớm có quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Lịch sử- Văn hóa và Danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Chí Linh, trong đó chùa Ngũ Đài nên mở rộng không gian từ khu vực đỉnh núi Cổng Trời kéo xuống qua khu vực núi Ba Dội. Ngăn chặn kịp thời quá trình xây dựng, đào phá, cải tạo đất trồng trọt, làm biến dạng cảnh quan và không gian di tích.
Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu kiến trúc của các công trình kiến trúc chùa, tháp ở các khu vực núi Đống Thóc (trước tượng Quan Âm), chùa Hàm Long (núi Bát Hương), dãy Hang Khánh, khe Hang Mẳn, làm tăng thêm giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo cơ sở cho việc quy hoạch và kiến tạo không gian du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng tại đây; đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân và đúng với chủ trương, định hướng phát triển của thành phố Chí Linh nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung. Hơn nữa, nếu được tiếp tục nghiên cứu, khai quật, các địa điểm di tích này sẽ là những chứng cứ vật chất quan trọng, cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác và toàn vẹn, hết sức cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích lịch sử Nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa Thế giới.
Đối với di tích kiến trúc chùa Ngũ Đài, kết quả khai quật đã làm xuất lộ hoàn toàn mặt bằng kiến trúc chùa qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi. Do vậy, để trả lại không gian xưa của di tích cũng như tạo điểm nhấn với vai trò là trung tâm cho toàn bộ khu vực quy hoạch, cần nghiên cứu thiết kế, trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa cho thật xứng tầm nên lựa chọn mặt bằng kiến trúc chùa thời Lê Trung hưng, đầu thế kỷ 17, với kiểu thức “nội Công ngoại Quốc” để thiết kế trùng tu. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường đi có mái che, ao sen, sân vườn, quy hoạch các khu vực dịch vụ, đón tiếp khách và nhà trưng bày, giới thiệu về lịch sử hình thành, biến đổi và vai trò của ngôi chùa.
Về vị trí xây dựng, trùng tu lại chùa nhằm tuân thủ đúng Luật Di sản văn hóa, Công ước Quốc tế về trùng tu di tích và đảm bảo hiệu quả cho việc công nhận Di sản Văn hóa Thế giới cần tịnh tiến lên phía trước hoặc dịch chuyển sang khu vực bên cạnh, có thể phía Đông Nam của khu trung tâm chùa hiện nay. Khu vực xuất lộ vết tích qua kết quả khai quật khảo cổ cần được bảo tồn nguyên trạng. Một mặt, tổ chức thiết kế khu vực công viên khảo cổ trưng bày ngoài trời bằng hình thức trồng cỏ, dải đá để làm tôn vết tích, đồng thời thể hiện bản vẽ mặt bằng của kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử để quảng bá và giới thiệu di tích. Mặt khác, bảo tồn, gìn giữ vết tích khảo cổ cũng chính là lưu lại dấu ấn lịch sử và chứng minh tính chân xác, tính nguyên vẹn, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng Hồ sơ công nhận Di sản văn hóa thế giới./.         
          
 
138301039 239666574329876 1692667382253905989 n
Đại biểu dâng hương tại chùa Ngũ Đài ( phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh)
 
138193830 229776675312093 7520419397018889269 n
137326339 828552094360722 8249095760722232943 n
137050732 1279255042444526 6635971270185396295 n
Một số hình ảnh hiện trường khai quật khảo cổ tại chùa Ngũ Đài ( phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh).

Tác giả bài viết: Ban QLDT Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây