Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


Hội nghị quán triệt, kiểm tra tiến độ công việc tổ chức lễ hội đền Cao


Chiều 10 - 2, Ban Tổ chức lễ hội đền Cao tổ chức hội nghị quán triệt, kiểm tra tiến độ công tác chuẩn bị lễ hội đền Cao năm 2017.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, cùng dự có các lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và địa phương là thành viên Ban tổ chức lễ hội.
Đền Cao ở thôn Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lao giúp vua Lê Đại hành đánh đuổi giặc Tống xâm lược năm 981. Hằng năm, chính quyền nhân dân thị xã Chí Linh tổ chức lễ hội truyền thống đền Cao nhằm tưởng nhớ công lao của 5 vị tướng họ Vương.
16707208 1197259037061251 5301871011591846170 o
Quang cảnh Hội nghị
Năm nay, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 18 đến 20 – 2 (tức từ 22 – 24 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động lễ hội trang trọng như: lễ mộc dục, lễ rước kiệu, lễ khai hội truyền thống đền Cao, lễ rước bộ, lễ tế yên vị, lễ ban “Khước Thánh”, lễ tế đập đất, vật đập đất... cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian đặc sắc, hấp dẫn như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho; biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước; biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố; giải vật truyền thống.
Đặc biệt năm nay, ban tổ chức phục dựng lễ ban “Khước Thánh”, một nghi lễ tâm linh độc đáo và là một trong 24 sự lệ ở đền Cao. Sau khi bản đền làm lễ thay áo mới cho Đức Thánh vào 21 tháng Giêng, thì tấm áo thay ra của Đức Thánh sẽ được cắt nhỏ thành từng miếng đóng ấn rồi cho vào một chiếc túi nhở gọi là “Khước Thánh” và ban phát cho nhân dân. Người dân nhận được “Khước Thánh” sẽ mang về nhà đặt ở chỗ trang trọng trong nhà với tâm niệm sẽ được Đức Thánh phù hộ may mắn, sức khỏe, công việc thuận lợi, hanh thông.
Cũng theo ban tổ chức, năm nay có nhiều hoạt động mới hấp dẫn khác như: Tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bảo bố; mời Đoàn rối nước Lê Lợi (Gia Lộc) và Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh Hải Dương về biểu diễn, phục vụ du khách thập phương. Giải vật truyền thống năm nay cũng được tổ chức quy mô hơn. Ngoài các đô vật đến từ các xới vật trên địa bàn thị xã Chí Linh, ban tổ chức còn cho mời các đô vật ở các xới vất có tiếng trong và ngoài tỉnh 
Một hoạt động quan trọng trong lễ hội, đó là ngày 20 – 2 Ban tổ chức sẽ làm lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Cao. Dự kiến nhiều hạng mục sẽ được trùng tu, tôn tạo như: Xây nghi Môn đền Cao, lát bậc đá lên đền, mở rộng sân, khuôn viên đền, xây nhà giải vũ phía tây đền, lắp đặt hệ thống ánh sáng quanh đền. Kinh phí dự kiến gần chục tỷ đồng.
Theo báo cáo của các ngành thành viên ban tổ chức, hiện nay công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, lực lượng công an thị xã đã được huy động phối hợp với công an xã An Lạc tham gia bảo vệ lễ hội. Đoàn Thanh niên thị xã cũng đã xây dựng thành lập đội thanh niên tình nguyện và lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã tham dự các trò chơi kéo co, nhảy bao bố. Lực lượng này cũng đã sằn sàng tham gia phục vụ lễ hội. Đặc biệt công tác tổ chức, tiếp đón, hướng dẫn, phục vụ du khách, công tác chuẩn bị trang trí khánh tiết, tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh phối hợp với các ngành chức năng, chuyên môn và xã An Lạc thực hiện chu đáo.
Sau khi nghe báo cáo của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Cao năm 2017 biểu dương đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong ban tổ chức.
Đồng thời đồng chí Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cũng lưu ý các ngành thành viên cần tiếp tục rà soát lại các phần việc cho chu đáo. Đối với công tác an ninh trật tự, tiểu ban an ninh cần bố trí lực lượng thường trực ngay tại lễ hội để kịp thời đối phó, xử lý những tình huống xảy ra. Ban Quản lý Di tích thị xã cần phối hợp lo chỗ ăn nghỉ cho lực lượng an ninh phục vụ lễ hội. Đối với ngành điện cần có phương án dự phòng máy móc, thiết bị điện để phòng sự cố mất điện.
Các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra các hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thống nhất việc bán hàng một giá đối với cùng chủng loại hàng hóa, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách, thu vé xe quá quy định. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng kiên quyết không để xảy ra tình trạng hành khất, trộm cắp và chơi cờ bạc đỏ đen dưới các hình thức tôm, cua cá… không gây phiền lòng và để lại ấn tượng trong lòng du khách thập phương về lễ hội đền Cao.
DulichChiLinh: 0968.503.286

Tác giả bài viết: Kim Xuyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây