Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


Bảo vật Quốc gia ở chùa Thanh Mai

Bảo vật quốc gia ở chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai (xã Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là một trong ba chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm được xây dựng vào thời nhà Trần. Chùa nằm trên núi Tam Ban, được Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng làm chốn tu hành cho Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi, Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, các đệ tử đã khắc bia gọi là Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi, để ghi lại tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp tu hành của ông để lưu truyền muôn đời. Gần 7 thế kỷ trôi qua, tấm bia vẫn trường tồn cùng thời gian, để mỗi dịp du khách đến thắp hương chiêm bái, vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng bia và tự hào. Bởi tấm bia cổ này vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Về Thanh Mai vào dịp mùa xuân giữa chốn thâm nghiêm bừng lên một màu xanh tươi non đầy sức sống của rừng cây trên núi Tam Ban đang đâm trồi nảy lộc, khiến trong lòng mỗi du khách càng thêm phấn chấn, náo nức. Con đường lên chùa Thanh Mai được trải thảm bê tông ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa những vạt rừng thông, rừng phong, dưới tán cây cây vang tiếng chim hót rộn ràng, khiến cho du khách quên hết mệt nhọc. Ngôi cổ tự nằm lưng chừng núi, bao bọc xung quanh bởi rừng phong và nhiều loại cây cổ thụ khác, với những gốc cây to sừng sững, khiến cảnh sắc của ngôi chùa càng thêm trầm mặc, cổ kính, uy linh.
Trò chuyện với sư thầy Thích Chí Trung, trụ trì chùa Thanh Mai, chúng tôi được biết, ngôi cổ tự này được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV (khoảng năm 1329) trên sườn núi Phật Tích, (nay gọi là núi Tam Ban). Ngôi chùa trở thành một trong 3 chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là trung tâm phật giáo của Việt Nam thời nhà Trần. Nơi Đệ nhị tổ Pháp Loa tu hành và biên soạn kinh sách về đạo Phật lúc sinh thời và sau khi Nhị tổ viên tịch, phần xương cốt cũng được các đệ tử đưa về đây an táng.
Gần 700 năm trôi qua, với những biến thiên của lịch sử, của tự nhiên, rồi chiến tranh đã khiến ngôi cổ tự dần xuống cấp, toàn bộ các hạng mục của chùa, tháp, bia đổ nát, chỏng chơ, hoang phế trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1980, nhiều hạng mục chùa đã được tu sửa. Đến năm 1992, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Do quy mô nhỏ, vật liệu xây dựng, trung tu, tôn tạo không chắc chắn, khiến cho nhiều hạng mục cũng nhanh chóng bị xuống cấp.
Sư thầy Thích Chí Trung cho biết: Năm 1994, thầy về đây trụ trì. Lúc đó, các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khôi phục lại di tích, nhà chùa đã vận động phật tử đóng góp công đức trùng tu, xây dựng lại chùa, tháp, dựng lại bia. Đến năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện, diện tích 180m2 với kiến trúc kiểu chữ đinh, tiền đường chồng diêm 8 mái. Năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng. Đến nay, chùa Thanh Mai đã trở thành một di tích với nhiều công trình kiến trúc quy mô, hệ thống tượng Phật phong phú.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chùa Thanh Mai hiện còn lưu giữ được nhiều di sản hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh như: Viên Thông Bảo Tháp được xây dựng năm 1334, tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hòa 23 (1702), tháp Linh Quang được xây dựng năm Chính Hòa 24 (1703), cùng 7 tấm bia thời Trần, Lê. Trong số 7 tấm bia, quý nhất, giá trị nhất là Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi. Tấm bia này được tạo tác, khắc chữ từ thời Trần, ghi lại cuộc đời sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, còn các tấm bia còn lại ghi lại quá trình trung tu, tôn tạo chùa. Với hệ thống di tích, di sản, hiện vật cổ, cộng với những danh lam thắng cảnh đặc sắc với rừng phong cổ thụ, di tích chùa Thanh Mai ngày càng được du khách thập phương biết tới.
Trong những di sản, hiện vật cổ của chùa, có tấm bia Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” cuối năm 2016. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng tấm bia “Bảo vật quốc gia” này, sư thầy Thích Chí Trung vui vẻ dẫn chúng tôi ra nhà bia, nơi có tấm bia Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi. Nhà bia nằm bên phải chùa, ngay tại đường dẫn vào chùa. Nhà bia có 2 tấm bia, tấm bia khổ lớn là Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa và những thông tin khác, còn tấm bia khổ nhỏ ghi lại thông tin về quá trình trung tu, tôn tạo chùa.
16904927 1215263811927440 2301365651905275219 o

Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” là tấm bia có niên đại tuyệt đối, có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cụ thể:
Nội dung bia là nguồn sử liệu quý nghiên cứu về hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt cho biết về tiểu sử, hành trạng của Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả từ hoằng dương đạo pháp, xây dựng thiền viện đến tu trì…
Bia Thanh Mai đã cho thấy sự phát triển của Phật giáo thời Trần: Nội dung bia cho biết, Pháp Loa cho xây chùa, đúc tượng, biên soạn kinh sách, truyền giáo đến các đệ tử, số lượng là rất nhiều. Đặc biệt liệt kê các đệ tử đắc pháp với hơn 30 người ở khắp các chùa, gắn liền tên địa danh ở cuối văn bia, cho thấy sự phát triển pháp phái trải khắp Đại Việt.
Bia có đồ án trang trí hình rồng có mào, thắt túi, hoa cúc dây, sóng nước hình núi là phong cách độc đáo về trang trí mỹ thuật ở nước ta, góp phần quan trọng khi nghiên cứu lịch sử những hoa văn đặc trưng của thời Trần nói riêng và lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung.
* Về phương diện thư pháp học:
Thanh Mai Viên Thông tháp bi là văn bản có niên đại tuyệt đối 1362. Chữ viết theo thể Lệ thư, bút pháp sinh động, chữ viết mềm mại, thần thái sống động mang giá trị nghệ thuật thư pháp độc đáo, ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Trần.
Trên trán bia đề 6 chữ 青 梅 圓 通 塔 碑 (Thanh Mai Viên Thông tháp bi) theo kiểu Triện thư cách điệu. Thân bia khắc bài ký được viết theo kiểu Lệ thư, chữ viết mềm mại, thần thái sống động... xứng đáng là Bảo vật quốc gia.
Tấm bia Thanh mai Viên Thông Tháp Bi được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối được đặt trên lưng rùa đá. Trải qua thời gian, mặt bia đã bị bào mòn, nhiều chữ đã mờ, xong vẫn đọc được, nhìn kỹ, chúng tôi còn thấy rõ những hoa văn điêu khắc nổi. Sư thầy Thích Chí Trung cho biết: Khi thầy về trụ trì, tấm bia này nằm vất ngổn ngang lẫn với những tấm bia, rùa đá và các hiện vật khác. Nhà chùa đã mang tấm bia này gắn lên lưng rùa đá rồi cho đặt tại vị trí như hiện nay. Chính vì bị vất ngổn ngang ngoài trời, mưa nắng nên tấm bia này đã bị bào mòn, nhiều chữ trên bia mờ hẳn. Cũng may tấm bia quý này không bị thất lạc nên dựa vào những chữ ghi trên bia, chúng ta hiểu rõ hơn về ngôi chùa, về cuộc đời Đệ nhị tổ Pháp Loa, về Thiền phái Trúc Lâm.
Tấm bia “Bảo vật quốc gia” có trán dẹt, mỏng, có kích thước 131*82*14 cm, trang trí hình rồng có mào. Ngoài ra, còn có các hoa văn thắt túi, hoa dây, sóng nước hình núi đặc trưng của lối trang trí, kiến trúc thời Trần. Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho. Văn bia do Trung Minh biên tập, dựa theo cuộc đời của Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Ngoại nội dung về thân thế, sự nghiệp của Đệ nhị Pháp Loa, nội dung trên tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của 3 vị tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời.
Căn cứ vào những thông tin khắc trên tấm bia Thanh Mai Viên Thông Tháp Bị, chúng ta biết rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa. Đệ nhị tổ Trúc Lâm tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 – 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương).  Năm Hưng Long 13 (1304) Trần Nhân Tông thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết.
Nhân Tông nhận thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới là Hỷ Lao, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông trao cho các bảo bối. Ngày 1 tháng Giêng năm Hưng Long 16 (1307), ông được trào quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền Phái Trúc Lâm. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này.
Ngày mồng 5 – 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Pháp Loa đang giảng kinh tại thiền viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13, thiền sư về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng đến ngày 19, bệnh của thiền sư trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho gọi Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tông trao cho  ông như áo cà sa, kệ tả tâm… và dặn lại rằng: Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế. Đêm 3 – 3, Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của thiền sư, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.
Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa, tháp tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển Thiền Phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.
Từ đó, ngày mất của Đệ nhì tổ Pháp Loa trở thành hội chùa Thanh Mai. Hội bắt đầu từ ngày 1 – 3 đến ngày 3 – 3 (âm lịch). Hằng năm, lễ hội được nhân dân địa phương và các tăng ni phật tử tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chày đàn, mộc dục…
Sư thầy Thích Chí Trung cho biết: Tấm bia này đặc biệt, vì có giá trị tư liệu về văn hóa lịch sử của một thời đại trong lịch sử dân tộc. Thông qua tâm bia này giúp ta biết được sự phát triển của Thiền Phái Trúc Lâm, cuộc đời sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa, biết được về xã hội thời nhà Trần. Tấm bia còn có giá trị lưu giữ văn tự thời nhà Trần. Hiện nay, văn tự được viết từ thời nhà Trần trên hiện vật bằng đá còn lại không nhiều. Theo như nhà chùa biết, hiện cả nước chỉ còn khoảng 8 tấm bia, hiện vật lưu giữ văn từ thời Trần thôi. Chắc vì sự đặc biệt như vậy mà Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện tại chùa Thanh Mai cùng với Côn Sơn, Yên Tử và chùa Vĩnh Nghiêm là những trung tâm của Thiền Phái Trúc lâm phát triển rực rỡ thời nhà Trần đang được xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điều đó, giúp cho chốn tổ Thanh Mai sẽ được biết tới rộng rãi, thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương chiêm bái, vãn cảnh và chiêm ngưỡng “Bảo vật quốc gia” bia Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi.
15727139 1154795724640916 8283113552804640987 n

 
15781682 1154795717974250 824877753295237063 n(1)
 
15781779 1154795761307579 2211276630390285961 n
15747516 1154795694640919 4230626165837439881 n
16992056 1215291398591348 6315766231449055592 o
Một số hình ảnh đoàn công tác tại chùa Thanh Mai
 

Tác giả bài viết: Kim Xuyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây