Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


DI TÍCH NHÀ THỜ NGUYỄN XÁ

          Nhà thờ Nguyễn Xá hay còn gọi Từ đường Nguyễn tộc thuộc  phường Chí Minh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương- nay thuộc phường Chu văn An- thành phố Hải Phòng.
          Di tích là nơi thờ tự cụ Nguyễn Xá đại thần – Cụ là một trong tám vị Thành hoàng của làng Cù Sơn, tổng Kiệt Đặc xưa (nay là các khu dân cư Khang Thọ, Thanh Trung, Văn Giai, Nhân Hưng) thuộc phường Chu Văn An  ngày nay. Nhà thờ Nguyễn Xá còn là nơi thờ tự các vị tổ của dòng họ từ cụ tổ Nguyễn Phúc Toàn đến 7 đời kế tiếp những người có nhiều công lao đóng góp trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không những ở địa phương và những nơi các cụ làm quan được ghi chép trong thần tích, thần sắc lưu trữ tại viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội, Gia phả dòng họ Nguyễn viết bằng chữ hán từ năm 1786 và ghi hai bia đá lưu giữ tại nhà thờ cũng như lưu truyền dòng họ và nhân dân địa phương.
           Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng: hàng năm tại nhà thờ tổ chức một số lễ hội: Lễ khai xuân; Lễ giỗ họ; Lễ hội kỳ phúc; Lễ chạp họ.
Lễ hội trước Cách mạng Tháng tám năm 1945:
Lễ khai Xuân:Là lễ cúng tế mở đầu trong một năm, thường diễn ra vào ngày thượng Nguyên( ngày 15 tháng giêng). Gồm có tế lễ tổ. Sau tế lễ tổ văn cúng tổ tiên .
Lễ giỗ tổ: còn gọi là kỵ nhật các cụ tổ. Tổ chức trong 2 ngày vào ngày 11,12 tháng 3 Âm lịch. Giỗ họ thực chất là ngày cúng tiên linh các đời vào trong nhà thờ (hay gọi là lễ hợp tự). Lệ xưa vào dịp cuối mùa Xuân đầu mùa Hạ, làng xã thường làm lễ Kỳ An. Nên dòng họ lấy ngày 11,12 tháng 3 Âm lịch làm lễ.
          Giỗ các cụ tổ của dòng họ. Ngày nay con cháu được nghe hành trang của các vị liệt tổ, liệt tông để ghi công đức tổ tiên. Đây là dịp thể hiện sự cố kết giữa các thanh niên, giữa các gia đình dòng tộc. Gắn với lễ giỗ tổ hàng năm là việc tảo mộ để giáo dục con cháu...Trong lễ giỗ tổ có phần lễ và phần hội.
          Phần lễ: Có tổ chức tế và chúc văn khấn tổ tiên, tảo mộ các cụ.
          Phần hội: tổ chức hát Chầu Văn, hát Chèo.
          Lễ hội kỳ phúc:
          Theo truyền thống hàng năm tại Đình cả bản xã tổ chức lễ Đại kỳ phúc vào ngày 19.20.21 tháng 10 Âm lịch. Dòng họ rước cụ Nguyễn Xá từ nhà thờ về Đình cả dự lễ hội và tế lễ cụ cùng 7 cụ thành hoàng Làng.
           Lễ chạp họ:
Theo tục lệ bao đời nay của dòng họ lễ chạp họ thường diễn ra sau ngày 23 đến trước ngày 30 tháng Chạp( viếng mộ tổ tiên còn gọi là chạp thửa ma) Thời gian cụ thể theo từng năm có quy định riêng trong phạm vi thời gian từ 23 đến 30 tháng chạp hàng năm
Lễ hội ngày nay:Hiện nay, lễ giỗ tổ vẫn duy trì như xưa. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay trong ngày giỗ tổ còn tổ chức lễ trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi, đỗ đạt công danh thành đạt – làm ăn phát đạt, và con em trong dòng họ lên đường nhập ngũ.
Ngoài kỳ lễ trên, tại nhà thờ còn có lễ chạp họ. Trong những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng Giêng, nhiều con cháu trong dòng họ có tục đến nhà thờ thắp hương tri ân tiên tổ, công đức tiền của tu bổ nhà thờ. Đây là nét đẹp văn hóa mới của dòng họ, góp phần giáo dục lòng tự hào, ý thức trách nhiệm đối với họ tộc.
Quy mô kiến trúc: Nhà thờ Nguyễn Xá được xây dựng chính xác vào năm nào hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại. Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã; căn cứ vào các tài liệu hiện lưu giữ tại di tích như câu đối, đại tự, đặc biệt là tấm bia “Nguyễn tộc bi ký - phối hưởng bi ký” dựng vào năm Canh Thân - Hoàng triều Khải Định 5 (1920): “... Bản tộc, chi Mậu, Cựu phó tổng kiêm Văn trưởng, tư văn của bản xã Nguyễn Qúy Công, tên húy là Khuê cung tiến từ đường một bia đá. Nhất, bản tộc chuẩn bị tế lễ, người nào có con gái lấy chồng được mời đến, sắm lễ tương ứng với sáu hào theo lệ...”, các nhà khảo cổ đã khẳng định rằng: nhà thờ Nguyễn Xá khởi dựng vào trước vào năm 1920. Đến năm Giáp Tuất - Hoàng triều Bảo Đại 9 (1934), “nhà thờ được tu sửa, chi phí hết nhiều, bản tộc hợp nhau tại từ đường đồng nhất bán Hậu, các vị Hậu hiền trợ giúp chi phí là người của dòng họ..”.  Công trình có kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) gồm 3 gian tiền tế xây tường hồi bít đốc, kết cấu khung vì chất liệu bằng gỗ lim.
Trải qua thời gian, mưa nắng xâm thực, nhà thờ dần xuống cấp. Năm 1968, con cháu trong dòng họ đã tu sửa, nâng cấp, mở rộng nhà thờ theo kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Năm 1995, tiến hành đảo lại ngói. Năm 2009, với mong muốn mở rộng không gian thờ tự, được sự đồng ý của chính quyền, sự phát tâm công đức của con cháu trong dòng họ, ngôi nhà thờ được xây dựng và lùi lại về phía sau khoảng 2m so với nền tòa tiền tế cũ. Sau đó, các hạng mục phụ trợ cho nhà thờ tiếp tục được kiến tạo như nhà bia (năm 2013), lát sân, nghi môn (năm 2019).
Hiện tại, di tích có kiến trúc hình chữ Nhị (=) gồm 3 gian 2 dĩ tiền tế và 3 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép. Tòa hậu cung xây kiểu chồng diêm cổ các, hai tầng tám mái. Hệ thống vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật, lá hóa long... phỏng theo kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói mũi.
Di vật, cổ vật: Hiện tại di tích còn lưu giữ một số cổ vật và di vật như: 02 tấm bia, 01 quyển gia phả viết bằng chữ hán năm 1786, 01 ngai thờ, 01 bát hương... có niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX, đầu TK XX)  và hệ thống đồ thờ tự do dòng họ tiến cúng.
Căn cứ vào giá trị của di tích; căn cứ vào nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương; căn cứ vào quy chế xếp hạng di tích, nhà thờ Nguyễn Xá  được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh  theo quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh Hải Dương.
                                                                                   

Tác giả bài viết: Trung tâm VHTTTT phường Chu Văn An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây