DI TÍCH ĐÌNH THỦ CHÍNH (PHƯỜNG ĐỒNG LẠC - THÀNH PHỐ CHÍ LINH- TỈNH HẢI DƯƠNG)
- Thứ sáu - 31/03/2023 23:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Di tích lịch - sử văn hóa Đình Thủ Chính thuộc KDC Thủ Chính, phường Đồng Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi tôn thờ sáu vị Thành hoàng làng (Thánh phụ Lý Uy, Thánh mẫu Quế Hoa Nương và bốn con trai là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công).
Vào thời vua Hùng Duệ Vương, ở châu Kim Lan, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc có quan chủ bộ họ Lý húy Uy được vua Duệ Vương phong làm Bộ chủ, vợ Công mất sớm. Nhân lúc trong triều vô sự, thiên hạ thái bình, vua tôi hòa hợp, quốc gia yên bình bộ chủ quân đi chu du thiên hạ. Đến địa giới trang Thủ Châu, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách thấy địa thế ở đây rất đẹp bèn lập hành cung. Ông nghe tin trong bản trang có gia đình họ Hoàng, tên là Nhân Công, có người con gái tên là Quế Hoa Nương xinh đẹp tuyệt trần lại đức hậu, nhân từ, khoan dung độ lượng, hiếu lễ. Quan Chủ bộ xin cưới Quế Hoa Nương làm vợ và sinh được bốn người con trai đặt tên là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công. Ít lâu sau Quế Hoa Nương bị bệnh qua đời (ngày 27 tháng 11) bộ quan định làm lễ an táng nhưng chưa làm xong lễ thì đất đã nổi lên thành mộ. Năm các con khôn lớn, tướng mạo người nào cũng đường hoàng, lẫm liệt, nhan rồng, cằm hổ, mắt sư tử, tiếng vang như chuông, da đen như sắt, diện mạo kỳ lạ khác hẳn người thường.
Truyền rằng, khi bộ quan đã ngoài 80 tuổi, bỗng nhiên không bệnh mà mất (vào ngày 30 tháng 7) nhân dân cùng bốn người con hành lễ mang về an táng tại bản trang, chịu tang 3 năm hương hỏa thờ phụng. Cũng năm đó, Thục binh nghe tin Hùng Duệ Vương đã già yếu không có con trai nối dõi. Quân Thục ngầm tập hợp quân sĩ và khí giới từ phía Tây đánh về. Duệ vương nghe tin liền sai sứ thần triệu bốn anh em Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công về triều nghị sự bàn kế đánh giặc. Các Công đồng tâm bàn định kế sách để dẹp yên quân Thục, lấy nỏ thần Linh Quang giao cho bốn Công. Vua cùng các Công vái tạ thái miếu rồi tiến thẳng đến nơi quân Thục đóng tại châu Quỳnh Nhai. Do thế quân Thục rất mạnh, thế không địch nổi nên Duệ Vương và bốn Công quay về mai phục ở sông Bạch Đằng, Thiên Đức tuyển thêm trai tráng chuẩn bị đánh đường thủy. Chẳng bao lâu quân Thục lại kéo đến, trận chiến diễn ra ác liệt, quân Thục đại bại, thuyền bè tan vỡ. Ngay hôm đó, Vua cùng các công xa giá về triều mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Ban tặng phong thưởng xong, bốn Công dâng biểu tâu Hùng Duệ Vương xin trở về cung sở tại trang Thủ Chân.
Bốn Công đem binh về cung sở của bản trang, tổ chức lễ vọng tổ tiên, mở tiệc lớn mời nhân dân đến ăn mừng. Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công biếu nhân dân trong trang 100 thỏi vàng và 800 quan tiền để lưu lại chút tình khi sống, rồi bốn Công tự nhiên hóa vào ngày 18 tháng 3. Do có công lao với dân làng, lại là tướng cầm quân đánh giặc Thục thời Hùng Duệ Vương nên các vị được ban nhiều sắc phong qua các triều đại.
Di tích đình Thủ Chính không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Tương truyền, Đình Thủ Chính được xây dựng từ thời Lê, trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Năm 1937 làm thêm 5 gian đình ngoài, cũng thời gian đó nhân dân chuyển 3 gian đình Chạp làm 3 gian đình trong. Đến năm 1943 thì hoàn thành, đến năm 1953, Đình bị phá để xây dựng cống Ngàn phục vụ kháng chiến. Từ năm 1966, Nhà nước mượn nền Đình để xây dựng kho thóc, đến năm 1984 phá kho thóc để trả lại đất Đình cho nhân dân. Năm 1999, dân làng Thủ Chính mua nhà Nghị Dong (huyện Nam Sách) về dựng lại Đại Bái, sang năm 2000 xây dựng thêm Hậu cung. Năm 2019, Sở văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương tiến hành tu sửa lại Nhà Tiền bái của Đình. Hiện tại, Đình Thủ Chính nằm giữa làng chạy dài theo hướng bắc – nam. Trong khoảng không gian nội tự được xác định 312 m2, kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Đại bái 7 gian bít đốc và 3 gian Hậu cung, Đại bái chất liệu bằng gỗ lim, hậu cung bằng gỗ xoan.
Trước đây di tích có khá nhiều cổ vật quý nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, dụng cụ rước thần….Tuy vậy, hiện nay, Đình Thủ Chính vẫn còn lưu trữ được một số cổ vật có giá trị: Thần tích do Nguyễn bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), 6 đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924), hệ thống bia đá (thế kỉ 17, thế kỉ 19), ngai thờ thời Nguyễn ( Thế kỷ 19)….
Dưới thời phong kiến, Đình Thủ Chính có nhiều kỳ lễ hội, nhưng quan trọng nhất là hai kỳ lễ: Lễ kỷ niệm ngày 18 tháng 3 và ngày 18 tháng 9 âm lịch. Lễ ngày 18/9, nhân dân mở cửa đình từ chiều ngày 17/9, sang hôm sau nhân dân chỉ tế lễ và chiều ngày 18/9 đóng cửa đình, không có các trò chơi dân gian, quy mô lễ hội nhỏ. Trong một năm lễ hội lớn nhất là lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công được tổ chức từ ngày 16 đến 21 tháng 3 âm lịch (trong đó ngày 18 là ngày chính hội). Năm 1945 lễ hội Đình Thủ Chính không được tổ chức do đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến năm 1999, đình được khôi phục, lễ hội mới được mở trở lại còn 3 ngày 16, 17, 18 tháng 3 âm lịch. Hình thức tuy đơn giản, không có rước, chỉ có tế lễ và một số trò chơi như chọi gà, cờ tướng, cầu thùm, kéo co và vật nhưng cũng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của nhân dân.
Vào thời vua Hùng Duệ Vương, ở châu Kim Lan, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc có quan chủ bộ họ Lý húy Uy được vua Duệ Vương phong làm Bộ chủ, vợ Công mất sớm. Nhân lúc trong triều vô sự, thiên hạ thái bình, vua tôi hòa hợp, quốc gia yên bình bộ chủ quân đi chu du thiên hạ. Đến địa giới trang Thủ Châu, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách thấy địa thế ở đây rất đẹp bèn lập hành cung. Ông nghe tin trong bản trang có gia đình họ Hoàng, tên là Nhân Công, có người con gái tên là Quế Hoa Nương xinh đẹp tuyệt trần lại đức hậu, nhân từ, khoan dung độ lượng, hiếu lễ. Quan Chủ bộ xin cưới Quế Hoa Nương làm vợ và sinh được bốn người con trai đặt tên là Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công. Ít lâu sau Quế Hoa Nương bị bệnh qua đời (ngày 27 tháng 11) bộ quan định làm lễ an táng nhưng chưa làm xong lễ thì đất đã nổi lên thành mộ. Năm các con khôn lớn, tướng mạo người nào cũng đường hoàng, lẫm liệt, nhan rồng, cằm hổ, mắt sư tử, tiếng vang như chuông, da đen như sắt, diện mạo kỳ lạ khác hẳn người thường.
Truyền rằng, khi bộ quan đã ngoài 80 tuổi, bỗng nhiên không bệnh mà mất (vào ngày 30 tháng 7) nhân dân cùng bốn người con hành lễ mang về an táng tại bản trang, chịu tang 3 năm hương hỏa thờ phụng. Cũng năm đó, Thục binh nghe tin Hùng Duệ Vương đã già yếu không có con trai nối dõi. Quân Thục ngầm tập hợp quân sĩ và khí giới từ phía Tây đánh về. Duệ vương nghe tin liền sai sứ thần triệu bốn anh em Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công về triều nghị sự bàn kế đánh giặc. Các Công đồng tâm bàn định kế sách để dẹp yên quân Thục, lấy nỏ thần Linh Quang giao cho bốn Công. Vua cùng các Công vái tạ thái miếu rồi tiến thẳng đến nơi quân Thục đóng tại châu Quỳnh Nhai. Do thế quân Thục rất mạnh, thế không địch nổi nên Duệ Vương và bốn Công quay về mai phục ở sông Bạch Đằng, Thiên Đức tuyển thêm trai tráng chuẩn bị đánh đường thủy. Chẳng bao lâu quân Thục lại kéo đến, trận chiến diễn ra ác liệt, quân Thục đại bại, thuyền bè tan vỡ. Ngay hôm đó, Vua cùng các công xa giá về triều mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Ban tặng phong thưởng xong, bốn Công dâng biểu tâu Hùng Duệ Vương xin trở về cung sở tại trang Thủ Chân.
Bốn Công đem binh về cung sở của bản trang, tổ chức lễ vọng tổ tiên, mở tiệc lớn mời nhân dân đến ăn mừng. Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công, Xích Công biếu nhân dân trong trang 100 thỏi vàng và 800 quan tiền để lưu lại chút tình khi sống, rồi bốn Công tự nhiên hóa vào ngày 18 tháng 3. Do có công lao với dân làng, lại là tướng cầm quân đánh giặc Thục thời Hùng Duệ Vương nên các vị được ban nhiều sắc phong qua các triều đại.
Trước đây di tích có khá nhiều cổ vật quý nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, dụng cụ rước thần….Tuy vậy, hiện nay, Đình Thủ Chính vẫn còn lưu trữ được một số cổ vật có giá trị: Thần tích do Nguyễn bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), 6 đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924), hệ thống bia đá (thế kỉ 17, thế kỉ 19), ngai thờ thời Nguyễn ( Thế kỷ 19)….
Dưới thời phong kiến, Đình Thủ Chính có nhiều kỳ lễ hội, nhưng quan trọng nhất là hai kỳ lễ: Lễ kỷ niệm ngày 18 tháng 3 và ngày 18 tháng 9 âm lịch. Lễ ngày 18/9, nhân dân mở cửa đình từ chiều ngày 17/9, sang hôm sau nhân dân chỉ tế lễ và chiều ngày 18/9 đóng cửa đình, không có các trò chơi dân gian, quy mô lễ hội nhỏ. Trong một năm lễ hội lớn nhất là lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hoàng Công, Thanh Công, Hồng Công và Xích Công được tổ chức từ ngày 16 đến 21 tháng 3 âm lịch (trong đó ngày 18 là ngày chính hội). Năm 1945 lễ hội Đình Thủ Chính không được tổ chức do đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến năm 1999, đình được khôi phục, lễ hội mới được mở trở lại còn 3 ngày 16, 17, 18 tháng 3 âm lịch. Hình thức tuy đơn giản, không có rước, chỉ có tế lễ và một số trò chơi như chọi gà, cờ tướng, cầu thùm, kéo co và vật nhưng cũng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của nhân dân.