Website thông tin du lịch Thành phố Chí Linh - Hải Dương

http://dulichchilinh.com


DI TÍCH ĐỀN KHÊ KHẨU (PHƯỜNG VĂN ĐỨC - TP CHÍ LINH - TỈNH HẢI DƯƠNG)

DI TÍCH ĐỀN KHÊ KHẨU (PHƯỜNG VĂN ĐỨC - TP CHÍ LINH - TỈNH HẢI DƯƠNG)
Di tích lịch - sử văn hóa đền Khê Khẩu thuộc KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi tôn thờ danh tướng Trần Hiển Đức - người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (Thế kỷ XIII)

Căn cứ vào nội dung tấm bia "Thần tích bi ký" soạn vào năm Hồng Đức tam niên (1472) và được khắc dựng năm Bảo Đại thập tứ niên (1939) hiện còn bảo lưu tại di tích cho biết rằng: Trần Hiển Đức sinh ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Dần (?) tại huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sinh thời, Trần Hiển Đức là người khoẻ mạnh, thông thái, văn võ song toàn. Năm ông 18 tuổi cha mẹ đều qua đời. Ba năm sau đoạn tang, gặp buổi đất nước bị giặc Nguyên Mông xâm lược Trần Hiển Đức đã theo "Chiếu cầu hiền" của vua Trần đã tình nguyện ứng tuyển và gia nhập cùng đội quân trai tráng hơn một ngàn người ra trận. Được tin, vua cho gọi thử tài văn võ và thừa nhận Trần Hiển Đức là người toàn tài, liền gia phong làm phó nguyên soái Đại tướng quân. Nhận trọng trách triều đình vừa giao phó, ông trở về quê mở đại tiệc khao mừng quân sĩ. Trên đường về tới trang Khê Khẩu, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tình cờ tướng quân gặp hai chị em bán quán xinh đẹp. Như đã hẹn ước, Trần Hiển Đức cùng kết duyên cầm sắt với hai nàng.
z4234248455569 7064efeb71c222d9119566522f982c46
Văn bia tại đền Khê Khẩu
Ngắm xem phong cảnh Khê Khẩu, núi sông bao bọc, địa thế hiểm trở Trần Hiển Đức truyền cho quân sĩ dựng đồn binh lấy tên là "Ứng Nguyên". Tại đây, ông đã được nhân dân bản trang hết lòng ủng hộ. Ít lâu sau, ông nhận lệnh triều đình về kinh cùng các văn võ, bách quan bàn định kế sách giữ nước. Vua Trần Nhân Tông phong tước Đại Vương cho Trần Quốc Tuấn và giao quyền tổng chỉ huy quân đội; Trần Quang Khải làm nguyên soái Đại tướng quân và Trần Hiển Đức làm Phó nguyên soái. Các tướng chia quân làm nhiều mũi cùng tiến công quân Nguyên. Chẳng bao lâu, quân giặc thua chạy toán loạn, tướng cầm đầu là Toa Đô bị bắt tại Hàm Tử Quan, Ô Mã Nhi bị chém tại sông Bạch Đằng thây chất cao như núi.

Quân ta đại thắng; Đất nước trở lại thanh bình, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trở về kinh lập biểu tâu vua về công trạng của Trần Hiển Đức. Vua Trần xuống chiếu hồi quân, tổ chức ban thưởng cho các sĩ tướng và cho Trần Hiển Đức hưởng bổng lộc ở ấp ông cai quản thuộc đạo Hải Dương. Cuối đời ông đã sống cùng hai phu nhân và mất tại đây, tục truyền vào ngày 16 tháng 10 âm lịch. Biết tin ông qua đời, Vua Trần ban sắc phong Đại Vương và giao cho nhân dân trang Khê Khẩu lập đền thờ cúng lâu dài, cùng cha, mẹ và nhị vị phu nhân ngay tại khu doanh đồn cũ của tướng quân.
z4234238444978 4f2d21b444824dabb8e40f7f7fbeca64
Hàng năm, nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội mùa xuân từ ngày 30 tháng Giêng đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, đây là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngoài ra, còn tổ chức tế lễ một ngày 16 tháng 10 (Ngày thánh hoá).
Dâng hương tại lễ hội đền Khê Khẩu
Trước ngày 30 tháng 2 cả làng Khê Khẩu đã chuẩn bị chu đáo cho lễ hội. Sáng ngày 30, cả ba giáp (giáp cụ Tạo, giáp cụ Thứ và giáp cụ Yên) khiêng ba con lợn tạ ra đền và làm thịt. Chiều cả làng tập trung tại đền rước sắc phong xuống Nghè Hạ - nơi thờ nhị vị phu nhân làm lễ. Sau đó rước về đền tế xin được mở lễ hội, trên đường đi qua miếu Cố Phụ và miếu Cố Mẫu, kiệu rước quay tròn để bái vọng. Trong các ngày lễ hội, tại đền có diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Kéo co, nhảy bao bố,…. buổi tối có giao lưu văn nghệ.
 
z4234256185771 1fb4250c5b673c9da4dcf51a754fabd2
Lễ rước bộ
 
z4234161810636 052509530475edac3e485cc964cf799b 1
Hội thi kéo co 
Từ thời hậu Lê (Thế kỷ XVIII) đến thời Nguyễn (Thế kỷ XIX) đền Khê Khẩu đã qua 4 lần trùng tu vào các năm: Vĩnh Hựu thứ 3(1737), Gia Long thứ 7 (1808), Tự Đức thứ 4(1851), Bảo Đại thứ 14(1939). Đền Khê Khẩu hiện nay được nhân dân khôi phục lại vào năm 2002, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm tiền tế 5 gian và 3 gian hậu cung. Ngoài ra còn các công trình: lăng Cố Phụ, lăng Cố Mẫu, nghè Hạ.
den khe khau
Đền Khê Khẩu
Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: "Thần tích bi ký" phụng soạn năm Hồng Đức tam niên (1472) và được khắc dựng năm Bảo Đại thứ 14 (1939), "Công đức bi ký" dựng năm Vĩnh Hựu năm thứ 3(1737), "Hậu thần bi ký" dựng vào năm Tự Đức năm thứ 4 (1851), "Hậu thần bi ký" được khắc dựng năm Gia Long thứ 7 (1808). Với những giá trị quan trọng, ngày 28 tháng 12 năm 2006 di tích đền Khê Khẩu đã được xếp hạng cấp tỉnh.
 
a
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây