DI TÍCH ĐÌNH NON
- Thứ sáu - 18/07/2025 09:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Lịch sử hình thành di tích: Đình Non được xây dựng toạ lạc di tích toạ lạc trên núi Quy ẩn ( rùa ẩn) trung tâm làng Cù Sơn, tổng Kiệt Đặc xưa, nay là khu dân cư Thanh Trung, phường Chu Văn An- thành phố Hải Phòng.
Tương truyền Đình Non được khởi dựng vào thời nhà nguyễn (thế kỷ xix) kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 5 gian đại bái 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ lim theo kiểu dao tàu, deo gốc, ngoài ra còn có 2 dãy nhà giải vũ 5 gian.
Năm 1952 thực dân pháp về làng cướp của giết người, lùng bắt cán bộ Việt Minh chúng bắt được 2 du kích là đồng chí Nguyễn Đức Khi và đồng chí Nguyễn Văn Khiêu chúng tra tấn dã man, bắt khai những người tham gia Việt minh song với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, 2 đồng chí quyết không khai, sau đó chúng bắn chết 2 đồng chí rồi dùng mìn phá toàn bộ đình Non và 2 toà giải vũ.
Năm 1991 thể theo nguyện vọng của cán bộ, nhân dân làng Thanh Trung, Khang Thọ ( nay kdc thanh trung, kdc khang thọ) xây dựng lại ngôi đình. sau một thời gian huy động cán bộ, nhân dân và con em quê hương đã góp công góp của để tâm công đức xây dựng lại ngôi đình theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung.
Năm 2014 thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ phường Chí Minh khoá XXI – XXII về việc trùng tu tôn tạo lại Đình Non và biểu tượng thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Chí Minh ( nay là phường Chu Văn An).
Ngôi đình được xây dựng lại hoàn toàn mới kiến trúc theo kiểu chữ đinh (j) gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu gỗ ngoài ra trong khuôn viên di tích còn có một số hạng mục như tắc môn, miếu thờ thần cao sơn, thần thổ địa, biểu tượng thành lập chi bộ, nhà tạo soạn, phòng truyền thống và một số hạng mục khác.

Nhân vật tôn thờ: Căn cứ theo thần tích, thần sắc làng Cù Sơn, tổng Kiệt Đặc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và theo hương ước làng Cù Sơn, tổng Kiệt Đặc năm 1936 có ghi đình Non xây dựng trên núi con quy thuộc thôn Thanh Trung – làng Cù sơn xưa, nơi thôn thờ thành hoàng làng Cao sơn, hiệu Quý Minh là người có công đánh giặc thời hùng vương thứ 18 nhân dân trong làng còn giữ được 2 đôi câu đối:
“Trạc trạc quyết linh địa tư cù sơn cản kiệt đặc
Dương dương giảng phúc dân cư khang thọ bản thanh trung”
“Hồ thuỷ linh đơn truyền thánh được
Cao sơn thọ thế ngưỡng thành công”
Sự kiện lịch sử: Cách mạng tháng 8 năm 1945 nhân dân Chí Minh một lòng đi theo đảng, kể từ đây Chí Minh sang trang sử mới, từ đây những người lầm than nô lệ trở thành chủ nhân của thửa ruộng, mảnh vườn, quyền sống làm người mới thực sự được tôn trọng.
Các thế hệ trai gái trẻ già nô nức theo cách mạng lớp lớp cháu con lên đường đi kháng chiến, ở hậu phương khí thế cách mạng sôi sục các ông bà Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Mươi , Nguyễn Văn Thứ, Nguyễn Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Văn Bột, Trần Quang Tám, Trương Mạnh Đảo, Nguyễn Văn Thưởng là những người thanh niên đầu tiên của xã Chí Minh tham gia cách mạng trước 19.8.1945. nhiều người đã trở thành đảng viên đảng lao động Việt Nam những hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh. người đảng viên đầu tiên của xã Chí Minh sau trở thành người bí thư chi bộ đảng đầu tiên của chi bộ ghép xã Chí Minh và xã Văn An huyện Chí Linh là đồng chí Nguyễn Văn Thập ( tức Thành) hậu duệ đời thứ 14 nguyễn tộc xã Chí Minh đó là chi bộ Lạc Long
Chi bộ có 9 đảng viên trong đó có 3 đồng chí đảng viên của xã Chí Minh là Nguyễn Văn Thập, Vũ văn Chu, Mao Xuân Nay ( tức mao quyết tâm) đây là phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp ở Chí Minh nói riêng huyện Chí Linh nói chung.
Cuối năm 1946 đầu năm 1947 xã Chí Minh và xã Văn An có đủ điều kiện thành lập chi bộ riêng, ban chi uỷ chi bộ Lạc Long đề nghị huyện uỷ Chí Linh cho tách chi bộ Lạc Long thành 2 chi bộ Chí Minh và Văn An huyện Chí Linh đã đồng ý cho tách thành 2 chi bộ.
Ngày 17/02/1947 tại Đình Non chi bộ đảng xã Chí Minh được thành lập gồm 7 đồng chí: đồng chí Nguyễn Văn Thập( tức Thành), Vũ Văn Chu, Mao Xuân Nay, Phạm Văn Thân, Nguyễn Văn Phúc, Vũ Văn Thêm và Hoàng Văn Lý. chi bộ bầu 3 đồng chí vào ban chi uỷ gồm: Nguyễn Văn Thành, Vũ Văn Chu, Mao Xuân Nay, đồng chí Nguyễn Văn Thành được bầu làm bí thư đầu tiên của xã Chí Minh;
Chi bộ xã Chí Minh ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng xã Chí Minh lúc bấy giờ.
Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945:
Theo hương ước của làng Cù sơn, xã Chí Minh, tổng Kiệt Đặc, huyện Chí linh, tỉnh Hải Dương hàng năm tại di tích diễn ra một kỳ lễ hội chính là lễ đại kỳ phúc tế lễ từ ngày 19 đến 21 tháng 10 âm lịch hàng năm; đình Văn giai, đình Nhân hậu, đình Thanh trung- Khang thọ lễ kỳ phúc từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 10( âm lịch) nghè vũ có một sự lệ chính là lễ tiểu kỳ phúc vào ngày 15 tháng 3 ( âm lịch); nghè Trần và nghè Vại tế lễ theo lệ đình Cả.
Làng Cù Sơn có 4 đình, 3 nghè, 2 chùa và 01 văn chỉ. khi làng vào hội, tất cả các thôn đều cử người ra đình, chùa, nghè sửa sang, vệ sinh, trang hoàng, sạch đẹp, tại đình cả tiến hành bao sái đồ tế tự sửa lễ để xin phép thành hoàng làng cho làng tổ chức lễ hội.
Lễ hội do hội đồng tộc biểu và các vị chức sắc của làng đứng ra tổ chức, mỗi thôn đều chuẩn bị trầu, rượu, hương hoa, xôi, thủ lợn… để tế thành hoàng cầu mong cho mưa thuận gió hoà, gia đình mạnh khoẻ, mùa màng bội thu. trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài việc tế lễ, còn tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ người, chọi gà, bịt mắt bắt dê…thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đặc biệt trong lễ hội Đình Cả có tục rước hợp tế giữa đình Non thôn Thanh trung - Khang thọ, đình Văn Giai thôn Văn Giai và đình Nhân Hậu. Việc tổ chức hợp tế có ý nghĩa to lớn, ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây, vì theo các cụ cao niên trong làng thì đình Non thờ ngài Cao Sơn Quý Minh là ông cả, đình Văn Giai thờ đại Liêu Văn Trai là ông hai, đình Nhân Hậu thờ Nhân Hậu Đại vương là ông út đến ngày lễ hội đều rước các ngài về đình Cả để tế lễ. do vậy từ xa xưa các làng có tục rước hợp tế, đây là hoạt động văn hoá dân gian vô cùng độc đáo, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện rõ tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các vị thành hoàng làng cũng như dân làng. để tổ chức kỳ lễ hội long trọng và trang nghiêm, công việc chuẩn bị cho hội đình Cả được tiến hành từ sớm và hết sức công phu.
Diễn trình lễ hội diễn ra như sau:
Từ tháng giêng ngay sau tết nguyên đán kết thúc, làng tổ chức phong quan đình, nghè, chùa cảnh quan xóm làng, sắm sửa thêm đồ tế lễ. trước ngày mở hội khoảng 1 tháng, chánh, phó tổng, lý trưởng, tiên chỉ những người có chức sắc vai vế của làng họp bàn việc tổ chức hội, sau đó phân công, cắt đặt các việc cho từng thành viên cụ thể.
Sáng ngày 18 tháng 10 tất cả đình, chùa, nghè, văn chỉ đều mở cửa quyét dọn. chiều cùng ngày, lý trưởng các quan viên và bô lão trong làng làm lễ cáo yết xin thành hoàng cho dân làng mở hội.
Sáng ngày 19 tháng 10, đúng giờ quy định đình làng Thanh Trung, Khang Thọ, Văn Giai và Nhân Hậu cùng tổ chức rước bộ đến đình Cả để hợp tế. Khi đi đến ngã ba gia quan(cũ) nếu đoàn rước của đình Văn Giai, Nhân Hậu đến trước thì nhất thiết phải chờ đoàn rước của đình Non( thờ anh cả) thôn Thanh Trung- Khang Thọ đến mới được xuất phát về đình Cả. Thành phần tham gia đoàn rước đi đầu là đội kỳ lân, tiến đến là cờ thần, trống, chiêng, đội cầm bát bửu, kiệu ngai thờ, tiếp theo là mâm lễ vật gồm thủ lợn, mâm xôi, oản, hoa quả trầu cau, rượu, bánh…tiếp đến là các vị chức sắc quan viên, đoàn tế nam và dân làng.
Khi cả 3 đoàn rước đến cổng đình cả, đoàn rước dừng lại 2 bên đường giữ nguyên đội hình như xuất phát, các quan chức sắc của Đình Cả trịnh trọng ra chào đón, thể hiện sự ân cần, hoan hỉ khi được đón các đoàn rước của 3 đình sau đó mời các vị quan viên, chức sắc kiệu rước ngai thờ 3 vị thành hoàng làng Thanh Trung, Khang Thọ, Văn Giai, Nhân Hậu vào làm lễ( khi kiệu vào kiệu ngai thờ của đình thôn thanh trung - khang thọ vào trước đặt chính giữa hậu cung tiếp đến kiệu ngai thờ của đình thôn Văn Giai, thôn Nhân Hậu vào sau và đặt 2 bên). sau đó dân làng tổ chức tế lễ, văn tế trong khi hợp tế nêu rõ năm tháng địa danh, công đức của các vị thành hoàng và chuyển lời cầu xin của dân làng tới các vị thành hoàng ban phúc lành cho dân 4 thôn, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. hợp tế xong các dòng họ, dân làng và khách thập phương mang hương hoa lễ vật vào đình làm lễ cầu sức khoẻ, bình an, mùa màng bội thu.
Sáng ngày 20 tháng 10 tổ chức văn nghệ chào mừng, tế lễ dâng hương và tiếp tục mở cửa cho nhân dân trong thôn và du khách thập phương vào tế lễ, chiều cùng ngày đoàn rước của 3 thôn tiến hành rước kiệu ngai thờ về thôn mình để tổ chức tế lễ vào ngày 21 tháng 10 tiếp tục mở cửa cho nhân dân và du khách thập phương vào tế lễ, chiều tổ chức giã đám, kết thúc lễ hội.
Song song với phần lễ là phần hội, ngoài sân đình vào ban ngày diễn ra sôi nổi các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, cờ người, bịt mắt bắt dê, ném còn…buổi tối có hát chèo, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Lễ hội hiện nay:
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc mỹ xâm lược, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. mặt khác vào thập niên 60, 70 của thế kỷ xx, thực hiện chủ trương “ bài trừ mê tín dị đoan” của đảng, đa số các di tích bị hạ giải hoàn toàn, năm 1961 đình cả bị hạ giải toà đại bái để lấy vật liệu xây dựng công trình công cộng. từ đó đến nay, đình chỉ tổ chức tế lễ vào ngày 20 tháng 10 mà không mở hội và tổ chức rước hợp tế.
Với các hiện vật, cổ vật, sắc phong và hệ thống bia ký, các phong tục tập quán truyền thống lễ hội được trao truyền, cùng sự đồng tình ủng hộ của Chi bộ, nhân dân địa phương. UBND phường đã đăng ký, đề nghị với các cấp về kiểm tra xem xét để Công nhận di tích cấp tỉnh Đình Non phường Chí Minh.
Sở Văn hoá thể thao và du lịch, bảo tàng Tỉnh Hải Dương, cùng các ban ngành thành phố Chí Linh, UBND phường Chí Minh qua các đợt kiểm tra hoàn thiện hồ sơ tại di tích đã đủ điều kiện Xếp hạng di tích Cấp tỉnh, Theo số 307/QĐ-UBND ngày 19/1/2017 của UBND tỉnh Hải Dương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ra quyết định về việc xếp hạng di tích cấp Tỉnh. Đối với Đình Non Phường Chí Minh- Nay là phường Chu Văn An- thành phố Hải Phòng.
Đây cũng là một vinh dự to lớn đối với Phường Chu Văn An, Với tất cả các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan của di tích Đình Cả, việc gìn giữ phát huy di tích trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với chính quyền và nhân dân địa phương.