LỄ GIỖ TỔ THẬP VỊ GIA TIÊN
- Chủ nhật - 17/11/2024 14:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm nay, ngày 15/10 năm Giáp Thìn tại Quần thể di tích Quốc Gia Đền Cao đã diễn ra nghi lễ "Giỗ Tổ Khai Lập Thập Nhị Gia Tiên"
Quần thể di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đền Cao (phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), được khởi dựng từ thế kỷ thứ X, nơi lưu giữ các phong tục và nghi lễ đặc trưng tiêu biểu, một năm diễn ra 21 nghi lễ truyền thống, các nghi lễ phản ánh lòng tôn kính của nhân dân với các vị thần bảo hộ nông nghiệp trong chu trình khép kín một năm của cộng đồng cư dân Việt cổ. Bên cạnh đó khu di tích còn bảo tồn được những nghi lễ thuộc các loại hình Tôn giáo: Đạo Phật, Đạo nho, tín ngưỡng dân gian thờ các vị Thánh chống giặc ngoại xâm, phong tục thờ cúng tổ tiên. Điển hình là nghi lễ "Giỗ tổ Thập nhị gia tiên".
Truyền thuyết dân gian còn lưu truyền ở vùng thánh tích Lạc Đạo như sau: "Vào thời Bắc thuộc giặc phương Bắc sang xâm lược nước ta chúng dùng chính sách giết phu hiếp phụ, vùng đất Lạc Đạo xưa ( An Lạc) cùng chung số phận đó. Khi đến Dược Đậu Trang giặc đã lập đồn và "thích sát" hết đàn ông, duy nhất chỉ còn một người đàn ông trốn thoát trong khu rừng rậm gần đền Cao ngày nay. Giặc giáo diết truy lùng người đàn ông, bằng cách dùng đao, kiếm chém vào các bụi rậm trong rừng mà chúng tình nghi. Người đàn ông không may đã bị giặc chém cụt một cánh tay nhưng ông vô cùng gan dạ không thốt lên một tiếng. Đúng lúc ấy có một con cáo gần chỗ người đàn ông trốn nhảy ra giặc tưởng là nơi ẩn nấp của cáo chứ không phải người nên chúng đã bỏ dã tâm tìm kiếm. Khi đặt chân đến đất này, giặc bắt 12 cô gái trẻ, trồng một loài hoa rừng tên là hoa Dành Dành quanh đồn giặc và giặc đã có một lời nguyền "nếu cây đâm hoa kết trái sẽ ở lại vùng đất này". Mười hai cô gái đã được người đàn ông mưu trí dũng cảm bày cách cho 12 cô gái đun nước sôi và tưới vào cây, nhưng không tưới từ trực tiếp mà tưới từ xa tưới lại. Quả nhiên một thời gian sau cây khô héo chết dần. Giặc đã thực hiện lời nguyền và rút khỏi vùng đất Lạc Đạo và trả tự do cho 12 cô gái. Người đàn ông đã rời khỏi khu rừng rậm và sống với 12 cô gái, lấy 12 cô gái làm vợ, sau đó sinh ra 12 người con. Theo chế độ mẫu hệ lúc đó các con được lấy theo họ mẹ, gồm các họ như sau: Dương gia tiên tổ, Nguyễn gia tiên tổ, Mạc gia tiên tổ, Đỗ gia tiên tổ, Phạm gia tiên tổ, Hoàng gia tiên tổ, Đào gia tiên tổ, Bùi gia tiên tổ, Cao gia tiên tổ, Lê gia tiên tổ, Lỗ gia tiên tổ". Sau khi nuôi các con khôn lớn trưởng thành, cụ Tổ đã hóa thân mình vào sông núi nơi đây vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch.
Để tưởng nhớ cụ Viễn tổ và loài hoa Dành Dành năm xưa đã chết đi để hy sinh cho sự sống của dân làng. Nhân dân đã xây dựng ngôi mộ tổ cạnh đền Cao và trồng loài hoa Dành Dành gần nơi mộ tổ để khắc ghi dấu tích muôn thủa không quên. Hàng năm nhân dân vẫn long trọng tổ chức lễ Kỵ nhật cụ Viễn Tổ có công sinh ra 12 dòng họ.